Chủ Nhật, 06 Tháng Ba, 2022 00:00
Chúa nhật II Mùa Chay C ( Lc 9, 28 b- 36 ) năm 2022

Phêrô đã giữ một kỷ niệm độc đáo vào cái thời điểm mà Chúa Giêsu bỗng chốc đã trở nên hoàn toàn khác với con mắt của các môn đệ: Tiếng nói này, chúng tôi đã nghe; nó đến từ trời, chúng tôi đã ở với ngài trên núi thánh” ( 2 Pr 1, 18 ). Phêrô, một chủ nhân thuyền chài Galilêa vững vàng, gần như là hoang tưởng khi đòi dựng lên ba lều để sắp đặt cái thị kiến này và để ở lại đó.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý mấy điểm sau đây:

Thánh Luca xác định là Chúa Giêsu đang cầu nguyện. Sự hiệp thông với Chúa Cha đến nỗi gương mặt nhân loại của ngài tỏa sáng, như là khúc gỗ, được lửa hồng nung đốt, trở nên tỏa sáng. Chưa từng có ai đã cầu nguyện, và sẽ không có ai cầu nguyện như Chúa Giêsu. Đó là một biến cố gây hoang mang cho ba nhân chứng. Khi chiêm ngưỡng gương mặt của Đấng mà Chúa Cha đã gọi là “ Con Ta yêu dấu, Đấng mà Ta đã tuyển chọn”. Phêrô, Giacôbê và Gioan đã khám phá ra phản ánh gương mặt của Thiên Chúa. Đàng khác, đám mây bao phủ các ngài là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa.

Sự biến hình của Chúa Giêsu cũng là một cuộc đàm thoại của những người cầu nguyện. “ Hai người nói chuyện với ngài: đó là Môisen và Elia hiện ra trong vinh quang”. Vị thứ nhất đã đón nhận mạc khải về Tên Thiên Chúa trong một cuộc đàm thoại kỳ lạ với Thiên Chúa, ở bụi gai thiêu đốt; và trên núi Sinai, ông đã gặp gỡ Thiên Chúa của Giao ước, “ đến nỗi da của gương mặt ông toả sáng” ( Ex 34 ). Còn Elia, vị tiên tri khắc khổ, kẻ chiến đấu đơn độc, ông cũng đã gặp gỡ Thiên Chúa khi ông ở trên núi ( 1 R 19 ).

Các ngài nói về chuyến ra đi của Chúa Giêsu phải được thực hiện ở Giêrusalem. Cuộc nói chuyện của các ngài về lễ Vượt Qua của Đức Kitô dường như chỉ cho thấy, đâu là trung tâm của lời cầu nguyện trên núi. Chúng ta có thể xem núi Taborê và vườn Gietsemani như là hai mặt của chính cái viễn tượng vượt qua, một đàng thì vinh quang, một đàng thì đau khổ.

Từ đó, chúng ta cũng cần lưu ý:

1) Cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa. Không cần phải lưu lại trên núi Taborê, hay hưởng nhận những cuộc thị kiến để gặp gỡ Chúa trong khi cầu nguyện. Chúng ta được mời cầu nguyện trong cuộc sống như chúng ta đang sống, với những sinh hoạt hằng ngày, những thời điểm hồi tâm và chia sẻ với các người tín hữu khác. Trong thời gian Mùa Chay, cầu nguyện là một trong những trục nỗi bật để sống thời điểm mạnh mẽ trên con đường tiến về lễ Phục sinh của chúng ta.      

Như thế, thử hỏi có phải tất cả sự cầu nguyện đều thực sự là gặp gỡ hay   không ?-  Nó có thể là cuộc nói chuyện ba hoa ít nhiều lơ đãng, những lời cầu xin ít nhiều không trách nhiệm, sự dồn nén những công thức, thực hiện một cách hình thức… Chúng ta hãy coi chừng những cầu nguyện giả tạo.

Sự cầu nguyện đích thực là một cuộc hẹn với Thiên Chúa hằng sống, trong một cuộc đàm thoại đôi khi không lời, trong sự giản dị, ở đó Thiên Chúa mạc khải cho những người khiêm nhu và nghèo khó trong tâm hồn. Bấy giờ, cầu nguyện sẽ trở nên một nguồn sức mạnh, bình an và tình yêu. Nó trở nên nơi Giao ước, như đối với Abraham mà giấc ngủ huyền nhiệm chỉ là trạng thái kỳ lạ và gây kinh ngạc khi con người đang hội ngộ với Thiên Chúa.

2) Lời cầu nguyện đích thực là nguồn hiểu biết không thể được múc lấy trong sách vở. Sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng, biết được Đức Kitô, vì đã dùng kiến thức và luân lý, đôi khi rất là sơ lược. Sự cầu nguyện đăt chúng ta trong sự lắng nghe lời ngài.

Sự cầu nguyện giúp chúng ta đi vào trong đoàn những người cầu nguyện. Cùng với họ, sự hiệp thông với Đức Kitô trong sự chiêm niệm và ngợi khen là một nguồn động viên. Đối với các thánh, cầu nguyện luôn luôn là một sự dấn thân, quyết tâm yêu mến, trao ban, cứu độ anh em..

3) Ngoài ra, sự cầu nguyện đích thực biến đổi những mối tương quan nhân loại. Nó giúp nhìn người khác dưới một cái nhìn khác. Nó chỉnh sửa cái nhìn để đi đến chỗ yêu mến họ bên kia những gì làm biến dạng họ.

4) Hơn nữa, Cầu nguyện, chính là gặp gỡ chính mình trong sự thật. Trên núi cao cầu nguyện, chúng ta có kinh nghiệm bản thân để có một cái nhìn toàn cảnh. Bấy giờ chúng ta phân định rõ hơn thân phận “ công dân nước trời” của chúng ta. Cầu nguyện soi sáng ơn gọi làm con cái Thiên Chúa của chúng ta. Nó soi chiếu con đường chúng ta như một ngọn đèn pha. Dưới sự chiếu sáng này, chúng ta cảm nhận được thân phận lữ hành của chúng ta, đang xuất hành, tiến về sự biến đổi thân xác của chúng ta theo hình ảnh của thân xác vinh quang của Chúa Giêsu, như là ngài đã xuất hiện trên núi ngày xưa. Khi tỏ mình ra như thế, ngài chỉ cho chúng ta thấy chúng ta trong ánh sáng của phục sinh.

Cầu nguyện trong sự thật biến đổi sự đơn điệu của công việc thường ngày và giúp nhìn thấy một cách khác những lo lắng, ưu tư, công việc, hạnh phúc, thử thách, cao thượng và yếu đuối. Ai cầu nguyện, sẽ nhìn thấy cuộc đời mình một cách khác…

Chớ gì bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành thật sự là cầu nguyện, gặp gỡ Đức Kitô trong vinh quang dưới sự khiêm tốn của những dấu chỉ. Chớ gì cầu nguyện đưa chúng ta đi đến sự biến hình thực sự trong đời sống cụ thể mà chúng ta sẽ tìm thấy khi xuống núi.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com