Lễ Cưới chắc chắn là một trong những ngày lễ đẹp nhất của con người trong tất cả mọi nền văn hóa. Chúa Giêsu từ đó đã làm trở thành cái khung dấu chỉ hoan hỉ và vui mừng nhất của Tin Mừng Phúc Âm.
Lễ Cưới loan báo những dấu chỉ cao quý của Nước Trời.
Trước hết, Lễ Cưới là dấu chỉ của niềm vui. Dấu chỉ đầu tiên đối với đức tin của các môn đệ, và đối với đức tin của chúng ta nữa, là một quà tặng của hạnh phúc. Nó có sự thú vị và thơm ngon của rượu hảo hạng.
Nếu đã là dấu chỉ của niềm vui, thì tại sao Giáo Hội đôi khi được nhìn xem như là buồn bã và xa lạ đối với hạnh phúc của con người ?- Tại sao Giáo Hội được coi như là chỉ quan tâm đến hạnh phúc vĩnh cửu trong thung lũng đầy nước mắt này ?- Giáo Hội phải loan báo Nước Thiên Chúa như người ta mời đến dự tiệc cưới: Giáo Hội là Cô Dâu và các cộng đoàn kitô hữu chúng ta là những thiệp báo tin của Giáo Hội. Mỗi người tín hữu phải là dấu chỉ của niềm vui thiên đàng, của hạnh phúc vĩnh cửu mà mọi người hằng mong muốn và khao khát hưởng nhận.
Thứ đến, Lễ Cưới là dấu chỉ của tình yêu. Thánh Gioan Debruynne đã viết: “ Hãy đến ! Hãy đến ! Chính Thiên Chúa kết hôn. Khi cung cấp một thứ rượu kỳ diệu cho đám cưới, Chúa Giêsu đã trao ban cho sự rao giảng và sứ mạng của ngài một màu sắc lễ cưới. Có phải Kinh Thánh đã không nói rằng, Thiên Chúa của Giao Ước là tình nhân của dân ngài đó hay sao ?-
Ở tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu là Chàng Rể thay thế cho chú rể vô danh. Rượu mà ngài phục vụ là rượu của Giao Ước mới. Thứ rượu đó, cần phải uống không giới hạn, bởi vì nó đến để lấp đầy cơn khát tình yêu hằng ám ảnh nhân loại. Thứ rượu đó, người tín hữu không chỉ giữ lại cho mình; họ phải chia sẻ với những người không tin, hay những người không còn tin rằng, Thiên Chúa yêu thương họ và mời gọi họ yêu thương.
Thứ ba, Lễ Cưới là dấu chỉ của Phục sinh. Thánh Gioan không chuyển cho chúng ta câu chuyện về việc thiết lập bí tích Thánh Thể, nhưng ba biến cố sau đây đã gợi lên việc đó: Tiệc cưới Cana, bài diễn văn về bánh hằng sống và rửa chân các tông đồ.
Cana là loan báo bữa Tiệc ly, chia sẻ thân xác bị trao nộp và máu đổ ra. Khi “ giờ sẽ đến”, Đức Maria cũng sẽ hiện diện tại tiệc cưới Thập giá, nơi “ Chúa Giêsu đã yêu chúng ta cho đến cùng”.
Cana mời gọi chúng ta hãy làm cho mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể trở thành một lễ mừng Phục sinh vui tươi và quảng đại. Phục sinh là sống lại trong niềm vui, hạnh phúc. Tiệc cưới là biểu tượng cho tình yêu và niềm vui khôn tả này. Phục vụ, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau qua nghi thức rửa chân là dấu chỉ của tình yêu đích thực mà Chúa Giêsu mời gọi mỗi người môn đệ của ngài.
Sau cùng, Lễ Cưới là dấu chỉ hạnh phúc đối với các đôi tân hôn. Đôi khi họ chọn bài Phúc Âm này. Một vài người đem theo rượu của Cana cho thánh lễ hôn phối của họ…
Trong tiệc cưới của đời sống lứa đôi, có thể đôi khi họ thiếu “rượu” của tình yêu, của sự hiểu biết, của sự trung tín, âu yếm và tha thứ. Bấy giờ, họ cần nhớ lại rằng, Đức Kitô muốn trao ban cho họ điều tốt đẹp nhất và phong phú, dư dật. Để họ được hạnh phúc trong đời sống lứa đôi, và trong Nước Trời vinh hiển.