“ Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta. Tất cả những ai đón nhận ngài, thì ngài đã ban cho trở thành con cái Thiên Chúa”. Nói khác đi, “ Thiên Chúa đã làm cho Con ngài thành con người, để cứu độ chúng ta”. Đó chính là sứ điệp chính yếu của lễ Giáng Sinh.
Thế nhưng, điều khẳng định này đã luôn luôn xem như là không thể tin được đối với đa số con người. Những người Do thái đã phẫn nộ. Sau khi đã nghe vị tiên tri Nagiaret nói lên chân lý này, họ đã phiền trách ngài dữ dội: “ Ông chỉ là một con người, mà ông tự coi mình là Thiên Chúa”. Ngày nay những người Hồi giáo vẫn tôn kính Chúa Giêsu như một vị tiên tri lớn, nhưng không nhìn nhận nơi ngài là Con Thiên Chúa cứu độ.
Ở chung quanh chúng ta, rất gần gũi với chúng ta, rất nhiều người chỉ có một nụ cười hoài nghi, nếu tình cờ họ nghe nói về niềm tin của chúng ta, một cách rõ ràng bởi vì niềm tin đó bắt đầu bằng lời khẳng định có vẻ phi lý: “ Thiên Chúa đã làm người”. Một triết gia đương thời đã nói: “ Nếu Thiên Chúa hiện hữu, thì ngài hãy chỉ là Thiên Chúa thôi”, nghĩa là, Thiên Chúa hãy ở xa chúng ta, rất xa và hậu quả là, không có lợi gì đáng kể và ít gây khó chịu.
Thế nhưng, Tin Mừng được Chúa Giêsu Nagiaret đem đến, chính là Thiên Chúa không muốn tự giới thiệu như một Thiên Chúa như thế. Hay đúng hơn, ngài đã không muốn chỉ là Đấng Tối Cao, Đấng Hoàn Toàn Khác, Đấng Vô danh và Đấng không thể biết được. Thiên Chúa đã không muốn ở vào vị trí mà một số người tự cho là triết gia ấn định cho ngài.
Phúc Âm công bố rằng, Thiên Chúa đã cư ngụ giữa chúng ta, như một người trong chúng ta. Thánh Gioan nói: ngài đã dựng lều của ngài giữa chúng ta, khi gợi nhớ lại việc cắm lều trại của dân Do thái trong hoang địa.
Ở Bêlem, Đức Maria đã cho ra đời một hài nhi giống như những hài nhi khác. Tuy nhiên, hài nhi này, người ta sẽ gọi tên ngài là Giêsu, nghĩa là “ Thiên Chúa Cứu Chuộc”, hay còn là Emmanuel, “ Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Việc giáng sinh này là khởi đầu của sự bày tỏ một mầu nhiệm lớn lao, và cũng là một nguồn sáng tràn đầy. Thiên Chúa không chỉ là Đấng Hoàn Toàn Khác, ngài còn là Đấng Gần Gũi, bởi vì thực tế, ngài là Cha, Cha của Đức Giêsu Kitô và cũng là Cha của chúng ta.
Chính là bằng một cách hoàn toàn mới mẻ mà Chúa Giêsu đã có thể nói về Thiên Chúa khi gọi ngài “ Cha của tôi”, và ngài đã dạy các môn đệ thân thưa: “ Lạy Cha chúng con”. Ngài không sử dụng một từ ngữ hơi tầm thường mà chúng ta thường có nguy cơ quá quen thuộc. Ngài dùng một từ ngữ do thái “ Abba”. Trong ngôn ngữ chúng ta ngày nay, cần phải giữ cho nó một âm điệu tình cảm, hàm chứa tình âu yếm và sự thân mật cũng như sự kính trọng. Chúa Giêsu đã giúp các môn đệ khám phá ra rằng, trong cái tên này, có sự bí nhiệm sâu xa nhất của Thiên Chúa; điều đó có thể giúp cho biết ngài hơn hết, giúp cho hiểu ngài hơn hết, giúp cho yêu mến ngài hơn hết: ngài là Cha, và, từ muôn thuở, ngài có Người Con được bày tỏ nơi ngài, là Chúa Giêsu Nagiaret.
Và nếu Chúa Giêsu đã tỏ mình ra như Con Thiên Chúa, chính là để nói cho tất cả mọi người rằng, chính họ cũng được kêu gọi bước vào trong tình yêu vô cùng của Chúa Cha.
Bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Con Thiên Chúa đã làm người để con người có thể trở thành con Thiên Chúa. Trở thành con Thiên Chúa, điều đó trao ban cho chúng ta một phẩm giá tuyệt vời, và, đối với chúng ta, nhìn nhận phẩm giá đó phải là nguồn hạnh phúc lớn lao.
Tuy nhiên, điều đó cũng lôi kéo theo một trách nhiệm. Thiên Chúa không cứu độ chúng ta mà không có sự đồng ý của chúng ta, và ngài cũng tùy thuộc chúng ta là, dân mới của Thiên Chúa, chu toàn sứ mạng của mình. Chúng ta phải làm chứng Tin Mừng một cách mạnh dạn, không mệt mỏi, bằng cách chia sẻ hạnh phúc của chúng ta với anh em chung quanh, bắt đầu bằng những người tầm thường nhất và nghèo túng nhất.
Chúa Giêsu đã nói:“ Phúc cho những người xây dựng hoà bình”. Trong một thế giới bị biến chất, hư hỏng bởi quá nhiều khốn khổ, bất công và chiến tranh, bổn phận thì rất mênh mông, thế nhưng, Chúa Giêsu là Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Thiên Chúa ở với chúng ta.
Ở Bêlem, các thiên thần hát vang: “ Bình an cho loài người, bởi vì Thiên Chúa yêu mến họ”. Và buổi chiều trước lễ Vượt qua của mình, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “ Ở trong Thầy, các con sẽ có được sự bình an”. Như thế, ngài đã sử dụng lại, theo ý của ngài, một trong những lời chúc lành cổ xưa nhất của các tiên tri: “Xin Chúa soi chiếu trên anh em gương mặt của ngài, và xin ngài đem lại cho anh em sự bình an”.
Chớ gì lời chúc lành này cũng ở trên tất cả mọi người chúng ta, bây giờ và mãi mãi. Amen.