Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ: một vị vua khác biệt.
Những vua trên mặt đất đều có một lãnh thổ, ỡ trên đó họ cai trị và cố gắng làm cho nó lớn rộng lên; trong khi đó, Đức Giêsu Kitô không có nơi để gối đầu. Những vua trên mặt đất phát hành những con tem và tiền bạc với hình tượng của mình, để muốn kiểm soát tất cả những sự trao đổi thư từ và thương mại, mua bán; trong khi đó, Chúa Giêsu không có gì cả trong những thứ đó. Những người quyền thế trên mặt đất có quân đội và cảnh sát, bom đạn và súng đại bác, và dùng chúng khi cần thiết; trong khi đó, ở vườn Cây Dầu, Đức Kitô chỉ có hai cây gươm, và cấm Phêrô sử dụng. Những vua và những người làm lớn của thế giới này cai trị dân chúng của họ bằng tài khéo léo, mưu mô và mánh khóe, thủ đoạn, đôi khi bằng những sự dối trá, bất công và tội ác; trong khi đó, Đức Giêsu Kitô không thể dùng bất cứ phương thế nào trên đây, bởi vì ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Nếu Chúa Giêsu không có gì cả của những điều kiện làm thành các vua, thì thử hỏi, thật sự có cần phải trao cho ngài tước vị Vua này không ?-
Kinh Tin Kính trả lời cho chúng ta: “ Nước ngài sẽ không bao giờ cùng”. Và toàn bộ Phúc Am khẳng định điều đó. Khi truyền tin cho Đức Maria được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, tồng lãnh Thiên thần Gabriel khẳng định, đứa con này sẽ có ngôi báu Đavid; tại hang đá Belem, các nhà đạo sĩ bái lạy ngài như vị vua; trong ba năm rao giảng, Chúa Giêsu không ngừng nói về Vương Quốc, Nước Trời.
Tuy nhiên, Phúc Am kể lại một sự kiện kỳ lạ, đó là thái độ của Chúa Giêsu trước vương quyền. Khi những đám đông đầy phấn khích muốn trao vương miện cho ngài, ngài luôn luôn từ chối. Ngược lại, trước mặt Philatô, trong khi không có bất cứ người nào trao tặng ngài vương miện, thì Chúa Giêsu khẳng định vương quyền của ngài. Ngài gắn bó tha thiết với điều đó, trong khi không ai muốn trao nó cho ngài. Ngài trốn tránh điều đó, khi người ta dâng tặng nó cho ngài. Thái độ thật là kỳ lạ: khi ngài rất dễ dàng trở thành vua, thì ngài từ chối. Khi điều đó là rất nguy hiểm, thì ngài lại khăng khăng muốn giữ. Một cách rõ ràng, Chúa Giêsu là một vị vua khác biệt.
Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ: vua của chân lý. Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu định nghĩa ngài là vua hệ tại ở chỗ: “ Tôi đã đến để làm chứng cho sự thật.” Sự thật này mà ngài công bố, thì độc đáo: đó là chương trình thánh thiện, thần thiêng của ơn cứu độ: Thiên Chúa đã sai Con của ngài đến trần gian, để cứu độ con người. Như thế, mỗi một khi mà, qua những lời giảng dạy và những hành động của ngài, như: chữa lành, làm phép lạ, trừ quỷ, làm cho người chết sống lại để bày tỏ chương trình cứu độ này, là ngài thực hiện vương quyền của ngài. Hiểu như thế, thì tất cả cuộc đời của ngài là cuộc đời của vương quyền, bởi vì tất cả là sự biểu lộ ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Khi Chúa Giêsu chữa lành những người đau bệnh: mù lòa, què quặt, bất toại, phong cùi...thì, đối vói mọi người, những cử chỉ này làm thành những dấu chỉ, cho biết là Vương Quốc đã đến gần. Cũng vậy, khi, nhờ ngón tay của Thiên Chúa, ngài giải thoát những người bị quỷ ám, thì ngài trao ban bằng chứng về sự hiện diện thiết thực và hiệu quả của Thiên Chúa, ở giữa dân của ngài. Khi ngài lui tới với những người thu thuế, khi ngài cứu thoát người đàn bà phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang, là ngài bày tỏ cho thấy Thiên Chúa đầy lòng thương xót, không muốn cái chết của tội nhân. Khi ngài thương khóc thành Giêrusalem, thương khóc Lagiarô, người bạn thân đã chết, là ngài diễn tả sự âu yếm của Chúa Cha đối với những sự khốn khó nhân loại. Như thế, ngài là chứng nhân của chân lý.
Một ngày kia, Chúa Giêsu công bố là hạnh phúc những người bất hạnh thuộc tất cả mọi phạm trù: những nghèo khó, những người đói, những nguòi khát, những người sầu khổ, những người bị bách hại... là ngài loan báo cho biết rằng, họ sẽ là những người đầu tiên được hưởng những phúc lộc của Vương Quốc sắp đến. Cũng vậy, trong những dụ ngôn của ngài, như là trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, Chúa Giêsu làm mới lại hình ảnh của Thiên Chúa và những mối quan hệ của chúng ta với ngài. Như thế, ngài là chứng nhân của chân lý.
Chứng nhân của chân lý trong cuộc sống của ngài, ngài còn là chứng nhân, nhất là qua cái chết của ngài. Thực vậy, những giá trị mà ngài đã tán dương là lý do đích thực của cái chết của ngài. Khi làm chứng cho Thiên Chúa như thế, Chúa Giêsu đụng chạm đến những ý tưởng cũ kỹ đã được truyền tải một cách máy móc của những luật sĩ và biệt phái, với những thiên kiến và cách ứng xử giả hình, phô trương,bề ngoài của Lề Luật cũ, là ngài thay đổi bằng những cách thế đối xử đầy tình yêu thương đối với Thiên Chúa và đối với những người khác; và vì thế, ngài đã biến những giới lãnh đạo tôn giáo thành kẻ thù. Chính vì thế, từ chỗ căm ghét, họ đi đến chỗ tìm cách giết chết ngài. Bởi vì ngài muốn làm chứng cho chân lý: Thiên Chúa là Cha yêu thương, muốn cứu chuộc con người tội lỗi.
Chúa Giêsu là vua khi, nhân danh Tin Mừng Phúc Am, con người thay đổi. Và trước hết là thay đổi con tim của con người. Chúa Giêsu là vua, khi mà con người trở về với Những Mối Phúc Thật: thà là nghèo khó còn hơn là bóc lột, thà bị bách hại hơn là bách hại; thà là hiền lành hơn là người thích dùng vũ lực; thà khóc lóc còn hơn làm làm cho người khác khóc lóc; thà tha thứ hơn là đòi hỏi sự công bình khắc nghiệt.
Ngài chỉ là vua trong cái mức độ mà chúng ta sống bằng sự thật của ngài. Sự thật của tình yêu, lòng thương xót, sự tha thứ và hy sinh, để đem lại ơn cứu độ cho muôn người.