Thứ Tư, 15 Tháng Chín, 2021 00:00
Chúa nhật XXV Quanh năm B ( Mc 9, 30-37 ) năm 2021

Một trong những sứ điệp chính yếu của Sách Khôn Ngoan, mà bài đọc thứ nhất trích dẫn, nhác nhở cho người Do Thái là: người công chính luôn luôn bị bách hại, nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi họ.

Câu hỏi đặt ra là, do đâu mà những người công chính bị bách hại như thế ?-

Bài đọc thứ hai, trích từ thư của thánh Giacôbê tông đồ sẽ đem lại một yếu tố cho câu trả lời.

Có hai con đường cho loài người: con đường của sự dễ dãi, của sự tìm kiếm những giàu sang để thỏa mãn những bản năng, và con đường của sự khôn ngoan, của sự ngay chính, của hòa bình.

Luôn luôn có sự cạnh tranh giữa những người dùng con đường này, và những người dấn thân vào con đường kia, giữa những người tìm kiếm quyền lực, sự chiếm hữu những của cải vật chất, và những người ủng hộ hòa bình, sự khoan dung và thông cảm.

 Vào thời thánh Giacôbê tông đồ viết thư này, cũng như vào thế kỷ thứ nhất trước Chúa Giêsu Kitô ( thời viết sách Khôn Ngoan ), cũng có chính một sự đối lập như thế. Vì thế, chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy nó có mặt vào thời của chính Chúa Giêsu, và vào thời đại của chúng ta hiện nay.

Chính Chúa Giêsu đã sống như một người điên rồ. Chúa Giêsu tự cho mình là phát ngôn viên của Thiên Chúa, và đã bắt đầu biến các luật sĩ và biệt phái thành kẻ thù, khi ngài có thái độ thông thoáng với luật ngày sabbat và rất nhiều những thói tục thiết thân với những người đạo đức của dân tộc ngài. Điều đó là không thể được.

Chúa Giêsu cảm thấy điều đó; ngài biết rõ điều đó; ngài biết trước con đường sẽ dẫn đưa ngài đi đến đâu. Bấy giờ ngài bắt đầu nói cho các môn đệ về những đau khổ sắp đến của ngài, về việc ngài sẽ bị loại trừ bởi những nhà lãnh đạo tôn giáo và đám đông dân chúng, và về ngay cả chính cái chết của ngài.

Phêrô không chấp nhận điều đó, một cách đơn giản. Thế nhưng, với những lời quở trách, Chúa Giêsu đáp trả lại mạnh mẽ, khi nhìn nhận Satan trong phản ứng của Phêrô. Và, Chúa Giêsu còn đi đến chỗ nói cho các môn đệ rằng, chính họ cũng phải chờ đợi một số phận giống như thế.

Vác thập giá của họ không chỉ là “ vào giờ chết của họ”, mà còn là “ ngay bây giờ”. Trong cái “ ngay bây giờ” của những mối liên hệ hỗ tương giữa các ông với nhau, ở nơi đó thường là khó khăn nhất. Không chỉ dấn thân trong những lý do lớn lao như là ơn cứu độ của thế giới, hay sự thăng tiến phẩm giá con người, mà còn sống hằng ngày bằng một cách thế đem lại ơn cứu độ cho những con người rất đau khổ, bằng cách giúp cho những người không được thương mến, những người bị loại trừ, những người bị bỏ rơi… đạt đến một phẩm giá chân thực.

Trở thành đầy tớ của những người bé nhỏ nhất như Chúa Giêsu đã làm, ngay cả khi gặp nguy cơ không được hiểu biết bởi những người đương thời. Thử hỏi chúng ta có phải là môn đệ của Chúa Giêsu, nếu chúng ta chỉ đón tiếp những người có những tư tưởng, những suy nghĩ giống như chúng ta. Chúng ta có hiểu rằng, nếu chúng ta chấp nhận trở thành những người đầy tớ, chúng ta phải gạt bỏ cái não trạng làm thầy, cả làm thầy trong tư tưởng, và cả trong suy nghĩ của chính chúng ta không ?-

Sự khiêm tốn đích thực có thể là như thế. Nhìn nhận rằng, ngay cả khi tin tưởng và siêng năng việc đạo đức từ rất lâu, ngay cả khi đã dấn thân ở giữa lòng Giáo Hội với tất cả sự thành thật có thể có, chúng ta còn phải khám phá ra nơi những người bé nhỏ nhất giữa những người thân yêu của chúng ta một cái gì đó đến từ Thiên Chúa: Giữ lấy thái độ của trẻ em luôn luôn có khả năng ngỡ ngàng trước những con người và những sự vật ở chung quanh chúng ta.

Trẻ em, đó là tất cả sự trái ngược với người chán chường, với người cho rằng mình biết tất cả moi sự, với người cho rằng đã nhìn thấy tất cả mọi thứ. Trẻ em, đó là con người, ngay cả khi đã lớn tuổi, biết ngỡ ngàng, mở rộng lòng ra với hơi thở quấy rầy của Chúa Thánh Thần.

Chắc chắn không phải là không có gì, khi Chúa Giêsu giới thiệu một em bé như mẫu gương cho các tông đồ, khi mà ngài đòi hỏi các ông phải trở thành đầy tớ theo hình ảnh của ngài. Ngài muốn rằng, các ông luôn luôn sẵn sàng như các trẻ em, có khả năng đón nhận mà không có hậu ý, không có tư tưởng ti tiện hẹp hòi, không tìm kiếm lợi lộc riêng tư. Đó chính là sự cao quý đích thực được Chúa Giêsu mong muốn đối với những người thân của ngài: sự cao quý là sự khiêm tốn, sự cao quý là sự phục vụ.

Thánh Phaolô đã viết: “ Chúa Giêsu, mặc dù là Con Thiên Chúa, đã không sợ phải hạ mình xuống trở thành con người”. Ngài đã đẩy sự khiêm tốn cho đến mức độ chịu loại bỏ bởi những người khác, và chịu chết trên thập giá. Tuy nhiên, điều đó đã dẫn đưa ngài đến sự phục sinh và đến sự sống đích thực, để đem lại ơn cứu độ cho mọi người.

Thử hỏi các môn đệ của ngài có thể nào khác đi được không ?

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com