Trước khi kết thúc Thánh Lễ, linh mục chủ tế công bố: “ Thánh lễ đã xong. Chúc Anh Chị Em ra đi bình an ”. Thực ra, lời giải tán nầy không được dịch đúng nghĩa của tiếng La tinh: “ Ite, misa est “, nghĩa là : “ Thánh lễ đã xong. Anh em hãy lên đường. Anh em được sai đi “.
Chúng ta được sai đi, như ngày xưa, các tông đồ được Chúa sai đi. Sau khi được kết hợp với Chúa, qua việc lãnh nhận Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được gởi trả về với gia đình, với xã hội, với những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống đời thường, để loan báo cho họ Đức Giêsu Kitô, sứ điệp yêu thương của ngài, và sự thống hối, ăn năn, trở lại. Đó cũng chính là sứ mạng được trao phó như các tông đồ ngày xưa.
Vấn đề đặt ra là, ngày nay chúng ta sẽ loan báo Chúa Giêsu thế nào ?-
Chắc chắn không phải là lên lớp dạy luân lý cho người khác. Cũng không phải là tuyên truyền Chúa Giêsu cho đám đông, như người ta vẫn thường làm cho các ứng cử viên, trước các cuộc bầu cử. Càng không phải là một hình thức quảng cáo, giống như vẫn thường thấy trên truyền hình, hay đài phát thanh; bởi vì, làm như thế là xem Chúa Giêsu như một món hàng thương mại.
Không ! Chúa Giêsu không phải là một đồ vật để quảng cáo, hay một lãnh tụ để tuyên truyền. Ngài đã không đòi hỏi các môn đệ ngài là những người tiếp thị, chào hàng, mà là những chứng nhân.
Chứng nhân Chúa Giêsu, nghĩa là gi ?-
Là tỏ ra một cái gì đó về Chúa Giêsu, trong thái độ, cử chỉ, hành động và cách sống của chúng ta, mà không sợ phải khẳng định mình thuộc về ngài, mà khômg ngại nói cho người khác biết, mình tin vào ngài. Chẳng hạn như, sự lo lắng cho những người nghèo, sự quan tâm đến những người bất hạnh, sự niềm nở đón tiếp và lắng nghe người khác, sự tế nhị đối với những người bị khinh chê, coi rẻ, sự tha thứ và ăn năn thống hối. Hay là, thái độ vui sống, luôn biết yêu thương, sẵn sàng chia sẻ, sung sướng bước theo Chúa Kitô, can đảm và nhiệt tình nhận lãnh những trách nhiệm của mình trong gia đình, ngoài xã hội, cộng tác với những người khác để mong kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, huynh đệ hơn…
Dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể làm tỏa sáng một cái gì đó về Chúa Giêsu, nếu ngài thực sự hiện diện trong chúng ta như một ánh sáng huyền nhiệm được tỏ lộ ra qua những thái độ, cử chỉ và cách sống của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể truyền đạt lại cho người khác, khi chúng ta biết nêu gương sáng, khi chúng ta biết sống thực sự điều chúng ta xác tín mà thôi.
Giống như sự luân chuyển của dòng máu trong cơ thể. Máu được chuyển đến trái tim, để được tinh luyện, bồi dưỡng, sau đó, lại được gởi đi khắp các cơ năng, để giúp nuôi sống các bộ phận còn lại. Đời sống người Kitô hữu cũng trải qua hai chuyển động liên tục, liên đới và hiệu quả: sống thân mật, kết hợp với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, để rồi ra đi khắp nơi, đưa Chúa Kitô đến cho mọi người. Chúng ta tập họp chung quanh Chúa Giêsu trong Thánh lễ để nhận lãnh sức sống siêu nhiên, tình yêu thần thiêng của ngài, để sau đó phân tán, tủa ra khắp các hang cùng ngõ hẻm của thế giới, đem hạnh phúc đích thực đến cho tất cả anh em đồng loại.
Điều cần lưu ý là, khi sai các tông đồ ra đi từng hai người một, Chúa cũng muốn chúng ta luôn luôn làm việc chung với nhau, trong tình huynh đệ. Sống huynh đệ, đó là bài học đầu tiên về tình yêu thương, bác ái của người tông đồ. Hãy nhìn lại cách sống của chúng ta trong họ đạo, để có thể biết được chúng ta có thực sự là môn đệ Chúa Kitô hay chưa ?-
Điều đó có nghĩa là, khi chúng ta biết ý thức chúng ta là thành viên trong gia đình của giáo xứ thân yêu này, biết nhận ra những quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với mọi sinh hoạt, công việc và sự thăng tiến của tất cả tập thể; khi chúng ta biết quan tâm đến những nhu cầu thiết thân, những điều kiện tinh thần và vật chất, biết nỗ lực thực hiện và đáp ứng, để cho đời sống đạo càng ngày càng vững chắc và mạnh mẽ, làm chứng nhân của Đức Kitô trong cuộc sống đời thường của chúng ta; khi chúng ta biết cộng tác với mọi người, làm việc chung với nhau, góp phần nhỏ bé của chính mình, để xây dựng và phát triển giáo xứ càng ngày càng tốt đẹp hơn.. Nói khác đi, khi chúng ta không dửng dưng, thờ ơ, bàng quang... với giáo xứ, thì đó là dấu chỉ tích cực cho biết: chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô tại địa phương thân yêu này vậy.