Lời Chúa hôm nay lưu ý chúng ta mấy điểm sau đây:
Trước hết là tính cách cứng rắn, nghiêm khắc, quyết liệt và triệt để đối với tội lỗi.
Tấn công những người giàu, thánh Giacôbê nói thẳng thừng: “ Các ngươi hãy than khóc, kêu la… các tai họa sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát… Các ngươi đã gian lận tiền công cho những người thợ gặt ruộng cho các ngươi. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong khi người ta sát hại dân chúng…”. Sự diễn tả hoàn cảnh thật ấn tượng.
Tin Mừng cũng hoàn toàn gay gắt khi mời gọi dùng những phương thế triệt để để giải thoát khỏi sự dữ: “ Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi… Nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi…”
Thực vậy, trong con người chúng ta và ở ngoài chúng ta, ở tận thẩm sâu trong tâm hồn chúng ta, có sự dữ và tội lỗi. Chúng ta biết điều đó; chúng ta nhận thấy điều đó; chúng ta nghe nói, và nói lại điều đó.
Cơn cám dỗ là đành cam chịu. Chúng ta sẽ nói: “ Không có gì phải làm cả. Luôn luôn là như thế; chúng ta sẽ không thể làm thay đổi thế giới.” Rồi, sau khi nói như thế, chúng ta sẽ dần quen với một thế giới tầm thường hơn, và chúng ta sẽ quen thuộc với sự tầm thường của riêng nó, với lập luận: “ Tôi không xấu hơn người khác. Có những người còn xấu hơn tôi. Tôi đã quá già để có thể biến đổi chính bản thân tôi. Phải chấp nhận tôi như là tôi như thế, và chấp nhận thế giới như là nó như vậy.”
Thứ đến là lên tiếng, hành động, cũng quyết liệt và triệt để, để đẩy lùi cái ác, chồng lại sự dữ.
Thế nhưng, thật là may mắn ! Tất cả đều không phản ứng theo cách thế tiêu cực và thụ động này. Tất cả không cam chịu. Giữa chúng ta còn có những tiên tri, để mạt sát, để chửi rủa, để tố giác, để hăm dọa. Họ không chỉ biết nói, điều đó thường là quá dễ; họ còn hành động. Họ đành mất danh dự với những người không được tôn trọng, những người bị thương tổn trong các quyền lợi của họ, những người bị nhạo báng, chế giễu. Họ đấu tranh chống lại cái ác: cái ác ở chung quanh, cái ác ở trong chính con người của họ.
Chúng ta thấy rõ điều đó. Chính lịch sử nhắc đi nhắc lại điều đó. Trong đoạn sách Dân Số, người ta nói cho chúng ta về hai người: Eldad và Médad, hai người này đã bắt đầu nói tiên tri, trong khi những tiên tri đồng nghiệp đã bắt họ phải ngưng lại. Người ta tìm cách làm cho họ ym lặng ngay lập tức. Họ đã nói không đúng lúc; họ đã không đi theo những qui luật đã được thiết lập. Họ đã làm xáo trộn tất cả.
Một biến cố giống như thế được kể trong Tin Mừng. “ Thưa Thầy, chúng con đã thấy một người, nhân danh Thầy, xua trừ tà thần; chúng con muốn ngăn cản anh ta, bởi vì anh ta không thuộc nhóm những người đi theo chúng ta.”
Điều kỳ lạ là, Môisen và Chúa Giêsu đều có cũng một phản ứng giống nhau: “ Hãy để các tiên tri nói tiên tri ! Hãy để họ nói ! Hãy để họ hành động !”
Chúng ta hãy nhìn thấy những người nói hơi lớn tiếng trong môi trường chúng ta, những người tố cáo sự lười biếng của chúng ta, những người làm xáo trộn những ý tưởng đã có sẫn của chúng ta, những người làm đảo lộn chúng ta trong cách suy nghĩ và cách ứng xử của chúng ta. Những tiên tri này, đó là con cái chúng ta, vợ hay chồng chúng ta, người hàng xóm, hay một người đồng nghiệp… Chúng ta dành cho những người này số phận như thế nào ?- Chúng ta có nhạy bén trước lời kêu gọi của họ hay không ?-
Để những tiên tri nói tiên tri, nâng đỡ họ, khuyến khích họ , động viên họ và để họ chất vấn chúng ta, đó là thái độ tốt đẹp cần phải có. Thế nhưng, chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa. Chúng ta hãy nhớ lại lời của Môisen: “ Oi ! Chớ gì Chúa có thể ban thần trí của ngài trên tất cả, để làm cho tất cả dân tộc trở thành một dân tộc tiên tri !”.
Hiện nay, có một sự thiếu thốn các tiên tri trong thế giới, trong Giáo Hội, trong những cộng đoàn giáo xứ, trong các gia đình. Thiếu thốn những người đàn ông và đàn bà, những người trẻ, những người nói và hành động, khắp nơi trên thế giới, để tất cả mọi người đều được kêu gọi và cổ vũ, động viên, cùng làm việc, đẩy lùi những gì làm mất nhân bản, và làm phát triển những gì làm tăng phẩm giá con người.
Thật là nhiều, và càng nhiều càng tốt, càng nhiều những người nói tiên tri để vinh danh Thiên Chúa và để đem lại những thiện ích cho con người.
Tất cả hãy trở thành một cộng đoàn các tiên tri !
Thử hỏi chúng ta có dám cầu xin điều đó một cách chân thành, trong khi cử hành bí tích Thánh Thể của Đức Giêsu Kitô hay không ?