Những cái nhìn
Trước hết, là một cái nhìn yêu thương. Phúc Am đã giữ lại kỷ niệm cái nhìn của Chúa Giêsu hướng về con người “ chạy đến với ngài” để hỏi ngài làm thế nào “ có được sự sống đời đời.”
“ Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương”. Cái nhìn này của Chúa Giêsu thật sự gây xúc cảm. Ngài bị ấn tượng bởi một thứ tình cảm yêu thương, quý mến; nhưng không chỉ có thế: Chúa Giêsu yêu mến anh ta vì cái quá khứ trung tín của anh ta; nhưng nhất là ngài yêu mến anh ta vì những gì mà anh ta có thể trở thành. Chính trong cái mục đích này mà ngài mời gọi anh ta.
Ngài đề nghị với anh ta là hãy cho đi tất cả, để có được điều mà anh ta thiếu. Ngài trao ban cho anh ta được trở thành môn đệ của ngài. Ngài mở ra cho anh ta một hạnh phúc mới, ngài cho anh ta đi theo ngài, trên con đường Phục Sinh của ngài.
Thứ đến là một cái nhìn buồn rầu. “ Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt lại, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. Sự buồn rầu của một sự thất bại và của một cơ may bị bỏ lỡ...
Thật là vô phúc ! Anh ta không sẵn sàng đầu tư tất cả trong cuộc phiêu lưu này. Anh ta không sẵn sàng trao đổi những kho tàng vật chất của anh ta để nhận lấy “ kho tàng trên trời” mà Chúa Giêsu hứa trao cho anh ta. Anh ta đã có cái khao khát thực sự tiến lên trên những con đường của sự sống đời đời.Thế nhưng, anh ta không có đủ can đảm thực hiện sự chọn lựa quyết định này, và anh ta đã phải trả cái giá rất đắt cho sự từ bỏ này. Với tất cả những tài sản vật chất của mình, anh ta mang trong mình một sự nghèo túng mà sự buồn rầu của anh ta là dấu chỉ.
Anh ta quên rằng, chính những gì được trao ban, được cho đi, sẽ đem lại hạnh phúc là yêu mến và được yêu mến.
Sau cùng, là một cái nhìn giải thoát. Khi Chúa Giêsu tỏ cho thấy sự khó khăn cùng cực để bước vào trong Vương Quốc Thiên Chúa đối với những người có nhiều của cải, thì các môn đệ đã “ sửng sốt” và “ ngỡ ngàng”; các ông tự hỏi với nhau, trong những điều kiện như thế này, thì ai có thể vượt qua được cái “Lỗ Kim”. ” Thật khó mà vào Nước Thiên Chúa biết bao ! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa.”
Tuy nhiên, “ Đối với loài người, thì không có thể; thế nhưng, đối với Thiên Chúa, tất cả đều có thể.” Như vậy, Thiên Chúa có khả năng thay đổi những con tim, và giải thoát chúng khỏi những gì giam hãm chúng.
Cái nhìn của Chúa Giêsu trên con người này là rất tích cực và thiện cảm. Ngài yêu mến anh ta, và sẵn sàng mời gọi anh ta đến hưởng nhận hạnh phúc trong Vương Quốc Tình Yêu của ngài. Tuy nhiên, sự chấp thuận, đồng ý và cộng tác của anh ta là điều cần thiết, không thể thiếu.
Lời Chúa hôm nay muốn nhắc nhở chúng ta ít nhất mấy điểm sau đây:
Thực tế cho thấy, người thanh niên này không phải là người duy nhất buồn rầu bỏ đi, trước lời mời gọi của Chúa.. Rất nhiều người. Hãy xem lại, trong số đó, có chúng ta không ?-
Rõ ràng là, chúng ta cần có tiền bạc, tài sản vật chất cho cuộc sống của chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho con cái chúng ta, cho công việc của chúng ta và cho những thú vui giải trí của chúng ta...Tuy nhiên, những gì mà chúng ta sở hữu, hay chúng ta muốn sở hữu, có thể trở thành một thứ gây nghiện, một thứ đam mê, mà vì nó, một sự thiếu thốn triền miên và một cảm giác chưa được thỏa mãn luôn luôn ám ảnh và đè nặng chúng ta. Một sự lệ thưộc thực sự được thiết lập. Chúng ta không sở hữu được, chúng ta không có: chúng ta bị ám ảnh ! Con tim trở thành cứng rắn như sỏi đá. Và bấy giờ, con tim không còn chỗ cho cả Thiên Chúa, cũng không còn chỗ cho cả những anh em chung quanh.
Tuy nhiên, “ Xin Chúa hãy phán một lời, thì linh hồn con sẽ được lành mạnh !” Lời cầu nguyện này, được đọc trước khi rước lễ, chúng ta có thể làm thành lời cầu nguyện của chúng ta trong khi cầu xin “ sự chữa lành” thoát khỏi bị giam hãm trong sự giàu có của chúng ta, trong tài sản của chúng ta, cho dù là vật chất hay là luân lý. Thực vậy, chúng ta có thể rất hợm mình, rất bị vướng víu trong sự tự mãn của mình đến nỗi chúng ta không có thể đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta.
Nên nhớ rằng, hạnh phúc đích thật chính là yêu mến, giúp đỡ và tự trao hiến. Hiểu được điều đó là sự khôn ngoan tối cao, và quý giá hơn tất cả những kho tàng trên thế giới. Vua Salomon đã cầu xin Sự Khôn Ngoan; lời cầu nguyện của ông đã được nhậm lời, Kinh Thánh nói lên điều đó. Chúng ta hãy nài van Đấng Cứu Độ của chúng ta giải thoát chúng ta khỏi những gì làm cản trở chúng ta đến với ngài, cách đặc biệt là của cải vật chất..
Mọi sự đều có thể, bởi vì ngài yêu mến chúng ta.