Với Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, hôm nay chúng ta cử hành việc khởi đầu một niên lịch phụng vụ mới. Viêc cử hành này mời gọi chúng ta một lần nữa quay về với Đấng đang đến, nghĩa là hy vọng, chờ đợi và nhận ra việc ngài đang đến giữa chúng ta. Bởi vì từ ngữ Mùa Vọng có nguồn gốc từ tiếng la tinh, có nghĩa là đến, đi đến.
Thế nhưng, việc Chúa đến và niềm hy vọng Chúa đến của chúng ta được khắc sâu trong một chuyển động liên tục, chuyển động của đức tin được tác động bởi biến cố Phục sinh và Chúa Thánh Thần hiện xuống. Thật vậy, làm thế nào mà chúng ta có thể hy vọng và nhận ra một người đang đến, nếu chúng ta đã không tin nơi người ấy, nếu chúng ta đã không biết người ấy trước ?-
Cũng như để đánh dấu vị trí của Mùa Vọng trong cái động thái của đức tin, bài Phúc Âm hôm nay đã được chọn không phải ở những trang đầu, mà là phần cuối của Phúc Âm theo thánh Luca. Chính là vì chúng ta không chỉ chờ đợi việc sinh ra của Đấng Cứu Thế, là biến cố đã xảy ra cách nay hơn hai ngàn năm, mà còn chờ mong việc ngài đến trong vinh quang; nhờ đó, cho phép chúng ta nhìn thấy thế giới trong ánh sáng toàn diện, và cho chúng ta “đứng vững trước mặt Con Người”. Vấn đề rõ ràng là, trách nhiệm và khả năng của chúng ta phải đứng vững trước mặt Chúa, bởi vì ngài cũng sẽ ở trước mặt chúng ta. Thực ra, ngài vẫn đã ở trước mặt chúng ta, như toàn bộ Phúc Âm và đức tin Kitô giáo khẳng định.
Sống Mùa Vọng, như thế không chỉ là hy vọng và chờ đợi Chúa đến. Nhưng, đó cũng là chuẩn bị nhận ra sự hiện diện của ngài ở giữa chúng ta, cho dù không nhìn thấy những dấu chỉ phi thường nơi mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Sống Mùa Vọng trong thế giới chúng ta, chính là chuẩn bị ngẩng đầu lên, cho dù quyền lực và vinh quang của Chúa không tỏ lộ hiển nhiên. Sống Mùa Vọng, chính là hy vọng Thiên Chúa luôn luôn tỏ mình ra trong cuộc sống chúng ta, không chỉ vào ngày tận thế hay ngày phán xét chung, nhưng từ hôm nay, từ ngày mai. Mà, điều đó đòi chúng ta phải biết đọc những dấu chỉ của Chúa và sự hiện diện của ngài trong chúng ta, và ở chung quanh chúng ta, ngay cả ngày hôm nay. Điều đó đòi chúng ta phải luôn luôn biết ngài nhiều hơn, và chúng ta phải biết quan tâm chú ý điều đó luôn luôn.
Những dấu chỉ phi thường chắc chắn là cần thiết khi sự quan tâm yếu dần đi. Nhưng thử hỏi, chúng ta cũng đã thấy trong cuộc đời chúng ta biết bao nhiêu dấu chỉ như thế, những biến cố lôi kéo sự chú ý của chúng ta, và đôi khi chúng ta trốn lánh chúng, bởi vì chúng ta sợ ý nghĩa và sự chất vấn của chúng; hay chúng ta coi thường chúng, bởi vì chúng ta đã nhìn thấy quá nhiều. Vì thế, cần phải tập họp lại, cùng đọc Lời Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước, và cùng nhớ lại việc Thiên Chúa hiện diện nơi Chúa Giêsu Kitô cho đến hy sinh mạng sống mình cho mọi người được sống.
Mùa Vọng, ngoài ý nghĩa mong chờ, còn có nghĩa là một cuộc phiêu lưu, phiêu lưu của Thiên Chúa với chúng ta, mà niên lịch phụng vụ mời chúng ta cử hành, từ khi Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem cho đến ngày sinh của Giáo Hội trong ngày lễ Ngũ Tuần.
Cuộc phiêu lưu này, mà Phúc Âm và tất cả Kinh Thánh làm chứng, nhắc chúng ta nhớ rằng, vần đề là sống, chứ không phải chỉ là chờ đợi. Chúng ta hãy nghĩ đến chẳng hạn điều gì xảy ra khi chúng ta chờ đợi một cú gọi điện thoại của người thân yêu; và chúng ta thất vọng, bởi vì cuộc gọi này không có. Bấy giờ chúng ta trở nên thụ động, rụng rời bởi sự chậm trễ hay dửng dưng của người mà chúng ta cảm thấy càng ngày càng gắn bó, yêu thương.
Cầu xin cho Đấng cứu thoát chúng ta mau đến, để phán xét và chỉnh đốn thế giới chúng ta. Sau cùng, xin Đấng sẽ sống thay chúng ta trong cuộc phiêu lưu của cuộc đời chúng ta, hãy mau đến. Thiết tưởng, điều cần phải làm là sống Mùa Vọng, sống cuộc phiêu lưu hay việc Chúa đến, bằng cách là phán đoán và chỉnh đốn thế giới… với ngài. Đó cũng là sự thống hối ăn năn mà Mùa Vọng mời gọi chúng ta.
Bấy giờ, chúng ta sẽ có thể nhận ra vinh quang của Đấng mà chúng ta dám gọi tên và tuyên xưng. Bấy giờ chúng ta có thể nói với tiên tri: “ Chúa là sự công chính của tôi”, và chúng ta có thể đứng vững trước mặt ngài.
Bởi vì, chúng ta đã sống bằng tình yêu của ngài.. ngay cả trong khi chúng ta chờ đợi ngài. Bởi vì, chúng ta đã sống cuộc phiêu lưu nhân loại của chúng ta dưới dấu chỉ của tình yêu ngài, cho dù có những nguy hiểm và những tảng đá ngầm trong cuộc phiêu lưu đầy thử thách nơi cuộc sống trần gian này.
Lạy Chúa, xin hãy đến. Chúng con mong chờ ngài.