Đức Kitô đang ở giữa chúng ta. Ngài ngự trong tâm hồn chúng ta. Thế nhưng, trong Mùa Vọng, chúng ta lại khẩn khoản xin ngài lại đến. Không chỉ trong ngày tận thế, mà còn đến mỗi ngày trong cuộc sống chúng ta.
Thực ra, điều đó không có gì mâu thuẩn. Đang sống trong chúng ta, Đức Kitô khao khát sống trong chúng ta một cách thân mật hơn, sâu sắc hơn. Mối liên hệ giữa chúng ta với ngài luôn luôn có thể được đào sâu, làm cho phong phú và đổi mới. Vì thế, trong suốt Mùa Vọng, khi nghĩ đến lễ Giáng Sinh sắp tới, và khi nghĩ đến ngày hôm nay trong cuộc sống, chúng ta có thể cất lời cầu nguyện: “Lạy Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa, xin hãy đến”.
Hơn nữa, chúng ta biết rằng, mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Kitô không phải là một thực tại tĩnh lặng, mà là năng động, sống động. Đó là mối liên hệ thuộc phạm vi tình cảm, tình bạn và tình yêu. Ngài đến với chúng ta để yêu mến chúng ta, và ngài hy vọng chúng ta luôn luôn đáp lại tình yêu của ngài càng ngày càng thắm thiết hơn.
Kinh nghiệm cho thấy, tình yêu là một cái gì sống động. Nó có thể lớn lên, ngưng đọng, hay phai nhạt. Nó có thể khi lên khi xuống, khi thăng khi trầm. Có những ngày thật là phấn khởi, nhiệt tình, nhưng cũng có những hôm lạnh lùng, nặng nề hay nhàm chán. Nó có thể bị tổn thương khi bị từ chối, nhưng cũng có thể làm cho tăng cường sức sống khi được đáp trả trọn vẹn. Nó có thể hoàn toàn bị đổ vỡ, nhưng cũng có thể được hồi phục, tái sinh.
Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu chúng ta đối với ngài cũng giống như vậy. Nơi Chúa Giêsu nhập thể, Thiên Chúa cũng yêu thương chúng ta theo cách thế nhân loại. Nghĩa là ngài quan tâm đến bản tính con người chúng ta, tâm lý chúng ta, và tính khí chúng ta.
Ngài đến với chúng ta tùy theo các phản ứng của chúng ta, tùy theo sự đáp ứng của chúng ta trước tình yêu mà ngài bày tỏ cho chúng ta. Khi thì ngài tiến tới, khi thì ngài dừng lại, khi thì ngài rút lui. Bởi vì tình yêu chỉ có giá trị thực sự khi biết quan tâm đến người mình yêu, khi biết tôn trọng sự tự do của người ấy.
Nên nhớ là, Chúa Giêsu luôn muốn đến với chúng ta. Ngài luôn muốn sống mật thiết hơn với chúng ta. Và dĩ nhiên, để Chúa Giêsu có thể sống thân mật và trọn vẹn trong chúng ta, sự cộng tác của chúng ta là điều cần thiết.
Chúng ta phải mở rộng lòng ra với ngài. Phải xắn tay áo để chuẩn bị con đường, và phải san bằng lối đi để giúp chúng ta đến với ngài, và ngài đến với chúng ta. Điều đó có nghĩa là phải ăn năn thống hối, phải quay trở lại để đón nhận ơn tha thứ. Trước hết hãy dành cho Chúa một khoảng không gian và thời gian để cảm nghiệm được mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa.
Đồng thời để nhìn lại chính mình để thấy rõ những lỗi lầm, khuyết điểm, và quyết tâm từ bỏ chúng. Phải điều chỉnh và sửa đổi từ trong tấm lòng tất cả những gì làm cản trở con đường đi đến với Chúa.
Hãy tinh luyện con tim khỏi những tính hư nết xấu làm vẫn đục bản tính con người. Đó có thể là tính kiêu ngạo, ích kỷ, hay dửng dưng thờ ơ với những người cùng sống chung quanh. Đó có thể là sự dính bén tiền bạc quá đáng, hay hà tiện bủn xỉn. Đó có thể sự bướng bĩnh, khô khan, nguội lạnh hay bất trung dối trá… Hãy dừng lại đôi chút để nhìn ra, và xin Chúa giúp chúng ta tìm ra phương thức thích hợp để sửa đổi.
Nếu chúng ta đón nhận một cách nghiêm túc lời mời gọi của Chúa, nếu chúng ta có thể bước thêm một bước, cho dù rất nhỏ, trong việc san phẳng lối đi để Chúa Kitô có thể đến với chúng ta và chúng ta có thể đến với ngài, thì rõ ràng là chúng ta đang sống trong một Mùa Vọng đẹp nhất đời ta vậy.