Ông Tôma, hạng người cứng lòng tin ! Tuy nhiên, ông Tôma này, đối với chúng ta, thật là dễ có thiện cảm. Chúng ta yêu mến ông nhiều lắm. Chúng ta giống Tôma biết bao ! Chính vì thế mà, ngay cả khi sự cứng lòng tin của ông làm chúng ta phật lòng, chúng ta cũng không dám phiền trách ông. Đúng hơn là chúng ta có khuynh hướng bênh vực ông.
Bởi vì thực ra, Tôma đã không bao giờ nhìn thấy một người chịu đóng đinh đổ máu mình ra, một người chết thực sự đi ra khỏi mồ. Chúng ta hiểu rằng, ông có thái độ ngập ngừng để tin. Ông muốn có những bằng chứng. Không có gì bình thường hơn. Nhìn thấy để tin, thử hỏi có gì xấu đâu ?- Chúa Giêsu nghĩ gì về thái độ của ông ?- Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ sự cứng lòng tin của Tôma ?-
Sáng hôm sau ngày phục sinh, tất cả các tông đồ rất khó khăn nhận ra Đức Kitô sống lại. Thế nhưng, các ông không nghi ngờ sự sống lại của ngài. Nếu các ông sẵn sàng đương đầu với tất cả mọi chống đối, chính là vì các ông đã có niềm xác tín này. Các ông đã khoá trái các cửa lại, nhưng rõ ràng là vì, tiếp theo biến cố, các ông sợ bị trả đũa. Các ông sợ những kẻ quá khích có thể phục thù.
Thử hỏi chúng ta đã không giống với các tông đồ hay sao ?- Có thể tất cả chúng ta đều tin vào sự phục sinh. Vấn đề của chúng ta chắc chắn là: Làm thế nào để nhận ra Đấng Phục Sinh ?-
Các thứ ảnh tượng không giúp chúng ta nhận ra Đấng Phục Sinh. Thường thường các ảnh tượng mời gọi chúng ta tìm gặp ngài ở giữa trời cao, trong một vòng hào quang sáng chói. Người ta cũng có thể tìm kiếm ngài ở nơi thánh thiêng, trong khi ngài vẫn tiếp tục mang lấy những vết thương của ngài. Thật vậy, người ta vất vả nhận ra ngài. Đấng Phục Sinh này, Ngài hoàn toàn khác !
Thế nhưng, rõ ràng là không phải trong một cuộc hiện ra trên trời mà người ta sẽ tìm thấy ngài. Người ta cũng sẽ không tìm thấy ngài trong một thân xác đã được chữa lành và không có vết thương. Chúa Giêsu Phục sinh luôn luôn mang lấy những vết thương không thể xoá nhòa. Đó là những vết thương tình yêu. Những vết thương này đã có một trọng lượng và một danh hiệu vinh quang mà cả sự chết, cả sự sống lại cũng không thể hủy diệt được. Chính Chúa Giêsu Phục sinh này mà chúng ta cần phải biết nhận ra trong thế giới hiện tại của chúng ta.
Trong tất cả những lần hiện ra của Chúa Giêsu, hai nhận xét hướng dẫn chúng ta trong cuộc tìm tòi này.
Nhận xét thứ nhất, đó là những hoàn cảnh hoàn toàn bình thường của những lần hiện ra. Ở Emmaus, chính ở giữa một hành trình mà Chúa Giêsu hiện ra. Đối với Tôma, chính là ở trong một cuộc họp của cộng đoàn các tông đồ.
Nhận xét thứ hai, chính là sự phát hiện được thực hiện từ bên trong. Các môn đệ trên đường Emmaus nhớ lại rằng, tâm hồn các ông cảm thấy sốt sắng lên. Vào ngày có mẻ lưới kỳ diệu, chính người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến hơn hết nhận ra ngài trước hết và chỉ sau đó, mới đến Phêrô.
Như thế, Chúa Giêsu phục sinh tỏ mình ra cho chúng ta trong cuộc sống đời thường. Giống như các Tông đồ, chúng ta ít có khuynh hướng tìm kiếm ngài ở đó. Chúng ta thấy công việc quen thuộc nhàm chán và nặng nề. Dường như là ngài không thể có mặt ở đó, trong đời thường chúng ta. Nếu chúng ta ý thức rõ ràng ngài đang ở đó, có thể chúng ta sẽ chú tâm hơn vào công việc bình thường của chúng ta.
Điều đáng lưu ý là, Chúa Giêsu nói với Tôma : “ Bởi vì con đã xem thấy Thầy, nên con tin”. Giống như Tôma, thường khi chúng ta tin là vì chúng ta đã thấy. Thử hỏi ai trong chúng ta, một ngày nào đó, đã không có kinh nghiệm về Đức Kitô Phục sinh qua một thử thách, một đám tang, một thất bại ?- Đôi khi chúng ta sẽ nói: “ Tôi cảm thấy trong tôi có một sức mạnh vượt xa tôi”. Ai đã từng có kinh nghiệm này, thì sẽ ý thức rõ ràng rằng, đó là một sức mạnh không thể bàn cãi và rất thực: Đó là một sự hiện diện, vô hình, nhưng rất thực.
Đức Kitô phục sinh được khám phá ra ở khắp nơi, ở đâú có sự hiện diện của Thánh Thần. Như những người được Rửa tội, trước hết ngài hiện diện trong mỗi người chúng ta. Đồng thời, ngài cũng ở khắp mọi nơi, ở nơi nào có tình yêu, bình an, tình liên đới, công lý. Tóm lại, ở những nơi mà những giá trị Phúc Âm được sống. Đức Kitô Phục sinh ở giữa chúng ta mỗi lần chúng ta tụ họp nhân danh ngài, và cách đặc biệt hơn trong bí tích Thánh Thể. Chính ngài, là tấm Bánh được bẻ ra và chia sẻ, vì sự Sống của thế giới.
Một cách rất tế nhị, Chúa Giêsu nhẹ nhàng trách Tôma:“ Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Dĩ nhiên, tin sau khi đã nhìn thấy là điều tốt. Thế nhưng, nếu không thấy mà tin, thì còn tốt hơn. Chúa Giêsu tỏ ra nhạy cảm với niềm tin này. Ngài đón nhận Tôma, khi nói với ông rằng: “ Hãy tiến xa hơn nữa”.
Ngày nay, Tôma chỉ cho chúng ta một con đường đức tin. Chúa Giêsu dạy chúng ta đón nhận niềm tin đang lên đường. Ngài tin vào niềm tin của Tôma. Thử hỏi chúng ta đã khám phá ra con đường đức tin của chúng ta chưa ?- Chúng ta đang ở đâu ?- Như Chúa Giêsu, chúng ta có biết tôn trọng niềm tin của người khác hay không ?-