Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống còn được gọi là lễ Ngũ Tuần. Lý do là vì biến cố Chuá Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ xảy ra vào ngày thứ năm mươi, sau khi Chuá Giêsu phục sinh, là ngày những người Do Thái mừng lễ Ngũ Tuần theo truyền thống từ thời Môisen. Trong dịp nầy, những người Do Thái mừng kỷ niệm, một đàng là lễ dâng những hoa trái đầu mùa lên Thiên Chuá sau lễ Vượt Qua, để tỏ lòng biết ơn yêu mến; một đàng là việc Thiên Chuá thiết lập Giao Ước với dân riêng của ngài, trao ban Mười Giới răn, sau khi đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai-Cập, để họ được tự do phụng sự ngài.
Từ khi Chuá Thánh Thần hiện xuống, lễ Ngũ Tuần cũng là lễ của chúng ta, nhưng không còn là để tưởng niệm một Giao Ước cũ đã qua, bởi vì Giao Ước Mời đã được ký kết nơi Đức Giêsu Kitô trong cuộc Vượt Qua của ngài. Ý nghĩa chính yếu đối với người Do Thái trong lễ nầy là sự ra đời của một Dân Mới. Còn đối với chúng ta, lễ Ngũ Tuần hay lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống biểu dương sự thiết lập một Dân của Giao Ước Mới, dân được thành lập bởi Thần Khí Thiên Chuá, dưới sự hướng dẫn của Đức Giêsu Kitô chịu chết và sống lại cho tất cả mọi người.
Theo Kinh Thánh, Chuá Thánh Thần là ngôi vị bí nhiệm nhất nơi Thiên Chuá; ngài tỏ mình ra dưới nhiều hình thức, như: một luồng gió mạnh, một ngọn lửa, nhưng cũng rất nhẹ nhàng và nội tâm như hơi thở, cần phải được lắng nghe và làm theo.
Tuy nhiên, cho dù là mặc lấy hình thức nào đi nữa, thì ngài cũng là Đấng Truyền Đạt do Đức Kitô gởi đến, để giúp các môn đệ hiểu rõ chính ngài, lời ngài, cuộc đời và cuộc khổ nạn của ngài. Chúa Thánh Thần là thần chân lý, nhờ sự can thiệp của Chúa Giêsu, Đức Chúa Cha đã gởi đến cho các tín hữu.
Và để có thể đón nhận Chúa Thánh Thần, cũng như Thiên Chuá Ba Ngôi, điều kiện cần thiết phải có chính là Tình Yêu: tình yêu Thiên Chuá và tình yêu đối với nhau. Yêu thương và tuân giữ các giới răn của Chuá, mà giới răn quan trọng nhất là hãy yêu thương nhau: đó là điều Chuá Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ ngài.
Chúa Thánh Thần đến như một luồng gió mạnh chứng tỏ sự tự do của ngài. Chuá Thánh Thần thổi đâu tùy ý; nghe tiếng ngài, nhưng không ai biết ngài từ đâu đến và đi đâu. Hơn nữa, nếu ngài đến dưới hình lưỡi lửa, đậu trên từng người là để biến lưỡi của những chứng nhân thành lửa thiêng liêng, có thể đốt nóng tâm hồn những người nghe loan báo Tin Mừng. Với Chuá Thánh Thần, những hiện tượng bên ngoài đều có ý nghĩa bên trong: luồng gió mạnh của ngài thúc đẩy đám đông cử toạ, và lửa của ngài làm cho mỗi người hiểu rõ sứ điệp cứu độ của Thiên Chuá.
Thật vậy, trước đó, các tông đồ không tiếp thu được bao nhiêu lời giáo huấn của Chúa Giêsu, bây giơ, lãnh nhận Thần Chân Lý, các ông đã hiểu rõ Lời ngài hơn. Trước đó, các tông đồ rất sợ những người Do Thái, nhất là sau khi Thầy đã ra đi; bây giờ, lãnh nhận Thần Sức Mạnh, các ông không còn sợ gì cả: các ông rao giảng công khai cho người Do Thái giáo huấn của Chúa Giêsu, Đấng mà họ đã đóng đinh trên thập giá...
Điều đáng để ý là, Chuá Thánh Thần không chỉ tác động trên các tông đồ, mà còn tác động trên những người lắng nghe các ông. Những người Do Thái tin vào lời các tông đồ, và đã ăn năn trở lại. Trong ngày đầu tiên, có khoảng ba ngàn người trở lại với Chúa. Chúng ta nên nhớ rằng, lễ Ngũ Tuần là một trong ba lễ trọng của người Do Thái; cho nên, tất cả những ai có khả năng, đều phải về Giêrusalem. Đó là lý do giải thích tại sao lúc bấy giờ, có rất nhiều người Do Thái đạo đức từ khắp các nước đến Giêrusalem; nghe tiếng động mạnh, họ liền tụ họp lại. Điều đáng ngạc nhiên là mỗi người nghe các tông đồ công bố những kỳ công Thiên Chúa bằng thứ ngôn ngữ riêng của mình, và họ đã đáp lại lời mời gọi yêu thương của ngài.
Có lẽ sẽ có người đặt câu hỏi: tại sao thời nay lại không còn có những phép lạ như thế ?- Thực ra, Chúa đã đặc biệt giúp đỡ Giáo Hội trong thời gian đầu. Cần phải có phép lạ để chứng minh thiên tính của Đấng sáng lập. Những phép lạ nầy được các nhân chứng trực tiếp truyền lại cho chúng ta. Và ngày nay, không có lý do gì để tái diễn liên tục các phép lạ như thế. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần vẫn luôn luôn hoạt động trong Giáo Hội.
Thực ra, tất cả được bắt đầu từ lễ Hiện Xuống. Là hơi thở, luồng gió mạnh và lửa, Chuá Thánh Thần đốt nóng các môn đệ, biến các ông thành những tông đồ, những chứng nhân trung thành của Chuá Kitô, hăng say rao giảng Phúc Âm. Từ đó, Giáo Hội sinh ra và lớn lên. Từ đó, trong Giáo Hội luôn luôn là lễ Hiện Xuống. Chúa Thánh Thần không ngừng đến với các môn đệ Chuá Giêsu, giúp họ hiểu tất cả những gì đã lãnh hội được. Để rồi đến lượt họ, họ ra đi khắp nơi trên thế giới để viết lại Phúc Âm bằng chính cuộc sống thường ngày, cuộc sống đầy yêu thương chân thành của chính mình.
Và đối với chúng ta, mỗi ngày đều là lễ Hiện Xuống. Điều đó có nghĩa là, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong tận thẩm sâu tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta hiểu biết rằng, chúng ta được Chúa yêu thương biết bao. Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, ngài là ngôi-vị-tình-yêu. Là ánh sáng và sức nóng, tình yêu và sự sống, ngài dạy chúng ta biết đứng thẳng lên để có thể gọi Thiên Chuá là Cha. Là Thần chân lý và bác ái, niềm vui và ngợi khen, Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta về Nước Trời trong niềm tin, cậy, mến.
Chỉ có điều là, chúng ta có thường cầu xin Chuá Thánh Thần hay không ?- Chúng ta có cầu nguyện với ngài không ?- Chúng ta có cầu xin sức mạnh và ánh sáng ngài không ?- Chúng ta đã lãnh nhận ngài trong bí tích Rửa tội; chúng ta đã được trao ban các ơn lành của ngài trong bí tích Thêm Sức. Thế nhưng thử hỏi, chúng ta có đáp lại tất cả các ơn huệ của ngài hay không ?- Chúng ta có biết lắng nghe và làm theo sự hướng dẫn cuủa ngài không ?-
Xin Chúá Thánh Thần giúp chúng ta hiểu và sống Lời Chúa, để xứng đáng là môn đệ Chuá.