Chính trong bối cảnh long trọng của bữa Tiệc Ly, với bí tích Thánh Thể và việc rửa chân cho các tông đồ, mà Đức Kitô đã chuyển giao cho các môn đệ di chúc của ngài. Đó chính là điều răn mới của ngài: “ Như Thầy đã yêu mến các con, các con hãy yêu thương nhau.”
Điều răn này có mấy nét đáng lưu ý như sau :
Trước hết là điều răn mới. Thực ra, giáo huấn yêu thương tha nhân không phải là mới mẻ, cả nơi các nhà hiền triết, cả trong Kinh Thánh. Giao Ước đầu tiên lấy đó làm một luật lệ, nhưng thường khi lại bị chết ngạt trong đám rừng của những điều qui định chi li bắt buộc khác.
Có hai đặc tính làm nền tảng cái mới mẻ của điều răn Chúa Giêsu.
Một là, ngài đã làm cho nó trở thành một điều răn giống như điều răn phải yêu mến Thiên Chúa; nó liên hệ đến tất cả mọi người được xem như là anh, là chị, là em, không giới hạn và phân biệt.
Thế nhưng, cái mới mẻ độc đáo nhất của điều răn của Chúa chính là đòi hỏi yêu mến tha nhân theo cách thế của Chúa Giêsu, với cũng chính một sự khiêm nhường, với cũng chính một ý chí muốn phục vụ, và với cũng chính một sự tự hiến như ngài.
Nên nhớ là, chúng ta không thuộc về những người có khuynh hướng đa cảm tính mơ hồ, hay lòng bác ái thơ mộng. Như vậy, điều đó có nghĩa là yêu mến những người không nói chung cùng một ngôn ngữ với chúng ta, yêu mến những người vô gia cư, yêu mến những người ngụp lặn trong sự yếu đuối và lầm lạc của mình, yêu mến những thanh thiếu niên mất phương hướng… Chính vì thế mà Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con.”
Thứ đến, điều răn mới này là nhãn hiệu chất lượng uy tín của những ai thuộc về Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu khẳng định :“ Nơi dấu chỉ này, người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ của Thầy.” Dĩ nhiên, chúng ta có thể trình bày những dấu chỉ bên ngoài khác, có tính cách pháp lý, hay tính cách bí tích, hoặc tính các phụng vụ về việc chúng ta thuộc về Đức Kitô và Giáo hội. Tuy nhiên, thực hiện điều răn mới này là nhãn hiệu chất lượng, đich thực của người môn đệ.
Sau cùng, tất cả đều được xác thực hóa, cụ thể hóa, trong tình yêu huynh đệ. Nếu, trong Đức Kitô, tất cả mọi người đều là anh em phải yêu mến, thì những anh chị em này là những người mà chúng ta chia sẻ cuộc sống với chúng ta, những người mà rõ ràng chúng ta có bổn phận phải tháp tùng để giúp cho họ sống, để bảo vệ và để làm cho hạnh phúc: người bạn đời, con cái, cha mẹ, những người làm công, những người hàng xóm láng giềng.. những người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày trong cuộc sống đời thường của chúng ta.
Cũng là chính yếu khi các kitô hữu yêu mến nhau, nhất là ở giữa những cộng đoàn kitô hữu vẫn tập họp lại để cầu nguyện, và để chia sẻ bí tích Thánh Thể. Và điều đó là đương nhiên khi họ phải nâng đỡ nhau, giúp đỡ lẫn nhau, làm chứng về tình liên đới với nhau và khích lệ lẫn nhau. Chúng ta thích nghe những người nhìn Giáo Hội, từ bên ngoài nói về những kitô hữu, cái điều mà người ta khẳng định về những kitô hữu đầu tiên, thời các tông đồ: “ Kìa anh em hãy nhìn xem họ yêu mến nhau dường nào.”
Thực vậy, tình yêu thương đích thực phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Tình yêu thương đích thực cần phải chứng minh bằng những hy sinh, trong cuộc sống đời thường. Hy sinh thời gian, hy sinh công sức, hy sinh công việc làm ăn, hy sinh tiền bạc, vật chất… để làm vơi nhẹ những gánh nặng, những khổ đau, những thử thách, những lo toan… của cuộc sống, để đem lại hạnh phúc cho những anh chị em của mình.
Bởi vì tất cả chúng ta đều có một Cha trên trời. Mà thánh ý của Thiên Chúa là muốn chúng ta được sống, sống dồi dào, hạnh phúc, viên mãn, không chỉ ở đời sau, mà chính ngay cả ở đời này. Trong lúc này. O tại đây. Trong hoàn cảnh này.
Giúp nhau sống hạnh phúc là dấu chỉ chúng ta là môn đệ của Đức Kitô, là con một Cha trên trời vậy.