Mừng lễ Phục Sinh, mừng Chúa sống lại. Hôm nay quả thực là ngày lễ lớn nhất trong năm, không phải chỉ riêng cho người kitô hữu, mà là cho tất cả mọi người. Bởi vì chỉ cần suy nghĩ một chút, bất cứ ai cũng phải nhìn nhận rõ ràng là, trên mặt đất của con người, có hai thứ quyền lực: quyền lực của sự chết, luôn luôn thống trị, nếu Chúa Giêsu không sống lại, và quyền lực của Chúa Giêsu hằng sống, nếu quả thực ngài đã chiến thắng sự chết vì chúng ta.
Tuy nhiên, trước hết cần phải hiểu biết rõ rệt sự khác biệt giữa sự sống lại của Chúa Giêsu và của tất cả những người khác.
Lagiarô đã sống lại sau khi đã chết bốn ngày, đứa con gái của ông Giairô đã được Chúa phục sinh sau khi đã chết thực sự, đứa con trai của người đàn bà góa thành Naim cũng đã chết đang được đem đi chôn thì gặp được Chúa.. có thể nói được là, tất cả chỉ “ hồi sinh”: tất cả những người nầy đã bắt đầu sống lại cuộc sống như trước kia, vẫn luôn luôn bị chi phối các định luật của thân phận con người, với những khổ đau mới, và một ngày kia, sẽ phải chịu cái chết một lần thứ hai.
Còn Chúa Giêsu thì trái lại, ngài bước vào một cuộc sống hoàn toàn mới, cuộc sống mà đau khổ và chết chóc không còn một chút quyền hành nào cả. Để giúp hiểu rõ trường hợp hoàn toàn độc đáo nầy, thánh Phaolô dùng hình ảnh của hạt lúa giống để so sánh: khi gieo vào lòng đất, hạt lúa mì đầy ắp bột trắng… và từ đó, nẩy sinh một thân cây xanh. Cũng thế, Chúa Giêsu đã không lấy lại thân thể xác thịt của ngài, mà ngài sống lại trong một thân xác thiêng liêng. Qua việc Phục sinh, Chúa Giêsu không trở lại cuộc sống của ngài trước kia, mà ngài bước vào trong vinh quang của Thiên Chúa Cha. Do đó, ngài không còn bị chi phối bởi các giới hạn của thời gian, của không gian, của nơi chốn, của trọng lực …
Vấn đề là, dựa vào đâu, chúng ta có thể xác định được những chi tiết rõ ràng như thế ?- Xin thưa, dựa vào những dãi băng, khăn liệm còn để lại. Thông thường người ta thích nói đến ngôi mộ trống. Điều đó rất đúng. Tuy nhiên, cần phải quan tâm nhấn mạnh ở những dãi băng, khăn liệm.
Thực vậy, chính cách xếp đặt những dãi băng đã khơi gợi lên nơi Gioan cái trực giác là Chúa đã sống lại. Trong ngôi mộ nầy, đã không có ai bước vào, không có điều gì đã được di chuyển. Giả thuyết của bà Maria Madalena cho rằng, người ta đã đem Thầy ra khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta để ngài ở đâu, rõ ràng là sai. Bởi vì các dãi băng không tách rời khỏi chỗ, không có một dấu vết gì cho thấy, có ai đó đã đụng chạm đến. Đơn thuần là thân xác của Chúa Giêsu không còn ở đó nữa. Không còn ở bên trong những dãi băng. Những dãi băng được gấp lại tại chỗ. Chi tiết hơn một chút, khăn liệm ở đây là một thứ khăn quấn chung quanh khuôn mặt để giữ cho cái miệng luôn luôn khép kín; khăn liệm đó, bây giờ trống rổng, đã được cuộn lại tại nơi đã đặt cái đầu của Chúa Giêsu, ngay bên trong quan tài… làm thành một vòng couronne dưới tấm vải. Chắc chắn là những tên ăn trộm các xác chết không bao giờ thận trọng như thế. Những dãi băng và chiếc khăn liệm, tuyệt nhiên không có ai đụng chạm đến. Và xác chết cũng đã không được dựng dậy. Chỉ có cơ thể biến mất, như là bốc hơi, trở nên thiêng liêng.
Thực ra, với những giác quan, lý trí, óc tưởng tượng của mình, con người không có cách nào để có thể kiểm chứng một cách khoa học một biến cố khác thường như thế. Với Gioan, ông đã khiêm nhường nhìn nhận: ông đã thấy và ông đã tin. Chúng ta nên nhớ rằng, lúc bấy giờ Gioan chưa nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh. Chính nhờ đức tin mà ông đã tin. Chỉ nhờ đức tin mà con người đạt tới mầu nhiệm phục sinh theo nghĩa sít sao của nó. Nói như thế không có nghĩa là đức tin thì phi lý, hay vô lý. Phúc Am đã nhắc nhở chúng ta về những “dấu chỉ” cụ thể, lịch sử đã giúp những người chứng kiến tận mắt đi đến niềm tin. Ong đã thấy. Ong đã thấy dấu chỉ của những dãi băng được xếp lại. Dĩ nhiên, đối với Gioan, ngoài những dấu chỉ bên ngoài, còn có tấm lòng, tình thương mến, sự đồng cảm giữa ông với Chúa, đã giúp ông dễ dàng nhận ra Chúa đã phục sinh.
Chắc chắn là Gioan rất xúc động trước biến cố hoàn toàn mới nầy, biến cố đã xây dựng niềm hy vọng cho chúng ta. Đó là, không phải sự chết có tiếng nói sau cùng trong cuộc sống, mà chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa toàn thắng, đã phục sinh Đức Kitô, và làm cho sống lại những ai tin tưởng và bước theo ngài, trong chương trình cứu độ hồng phúc của ngài.