Sau khi chịu đựng những cực hình tàn khốc, đánh đòn, đóng đinh vào thập giá, lưỡi đòng đâm thâu qua trái tim, Chúa Giêsu đã chết. Ngài đã chết thưc sự. Kẻ thù của ngài đắc chí chiến thắng.
Tuy nhiên, họ vẫn còn lo lắng: nếu các môn đệ đến lấy xác khỏi mộ và hô hoán là ngài đã phục sinh thì sao ?- Dĩ nhiên, đó là mối lo vớ vẩn. Bởi vì, do sợ bị bắt, ngay cả việc bước ra ngoài, các ông cũng không dám nữa. Huống hồ là tính toán đến việc tổ chức lấy xác Chúa đem đi. Còn về việc Phục sinh, các ông cũng không tin gì hơn các kẻ thù của Chúa Giêsu. Thế nhưng, để cho chắc ăn, các thượng tế, những người biệt phái và luật sĩ đến gặp Philatô, xin niêm phong lối vào ngôi mộ, và đặt binh lính canh gác nghiêm ngặt. Làm như thế, họ cảm thấy an tâm: chiến thắng đã trọn vẹn, và sẽ mãi mãi trọn vẹn.
Thế rồi, vào rạng sáng Chúa Nhật, mặt đất rung chuyển, những người lính gác thấy một thiên sứ sáng láng xuất hiện. Họ tự hỏi có phải mình năm mơ không ?- Rõ ràng là không. Thiên sứ tan biến mất, nhưng ngôi mộ lại mở ra, và xác chết cũng không còn đó nữa. Họ vội báo tin cho các thượng tế. Những người nầy cho họ một số tiền lớn, và bảo họ phao tin là, trong khi họ đang ngủ, các tông đồ đã đến lấy xác Chúa. Đó là một lời nói dối thô thiển: Làm sao có thể mở cửa mồ bằng tảng đá to lớn mà không đánh thức họ được ?- Hơn nữa, nếu không làm tròn bổn phận canh giữ, họ sẽ bị trừng phạt, nhốt tù..
Maria Madalena đi đến mộ. Bà thấy ngôi mộ mở ra và trống rỗng. Bà chạy về báo tin cho các tông đồ. Bà Maria Cleopha và Salomê cũng đến, và cũng thấy như thế. Một thiên thần báo cho các bà biết là, Chúa Giêsu đã sống lại, và xin các bà báo lại cho các môn đệ của ngài. Các môn đệ không muốn tin các bà. Dù vậy, Phêrô và Gioan cũng đến xem, và thấy, ngôi mộ trống trơn, các dãi băng nằm dưới đất và khăn liệm được xếp vào một góc. Bấy giờ Gioan mới nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói là, ngài sẽ sống lại. Còn Phêrô thì không hiểu gì cả..
Các bà trở lại ngôi mộ. Các bà gặp Chúa Giêsu. Ngài sai các bà đến nói với các tông đồ hãy đi về Galilêa, và sẽ gặp ngài ở đó.
Thế nhưng, các tông đồ cứ mãi cứng lòng tin. Buổi chiều hôm đó, dưới hình dáng một khách lữ hành, Chúa Giêsu cùng đi đường với hai môn đệ trên đường Emmaus, giải thích cho họ biết, Kinh Thánh đã loan báo cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đấng Cứu Thế như thế nào. Cả hai đã nhận ra ngài trong bữa ăn. Và Chúa Giêsu biến mất. Họ vội vàng trở về Giêrusalem, kể lại cho các bạn câu chuyện của mình. Mọi người ngồi vào bàn ăn, các cửa được đóng kín cẩn thận. Bỗng chốc, Chúa Giêsu hiện đến, ngài trách các ông cứng lòng tin; ngài chỉ cho các ông tay chân ngài bị đinh xuyên thấu, cạnh sườn bị đâm thâu, mời các ông đụng chạm tới; rồi, ăn uống với các ông…Sau cùng, các ông đã tin. Tôma lại vắng mặt. Ong chỉ tin tám ngày sau đó, khi Chúa Giêsu bảo ông hãy đặt tay ông vào những vết thương của ngài.
Sau đó, Chúa còn hiện ra với các ông nhiều lần. Chẳng hạn như bên bờ hồ Tibêriade, trao cho Phêrô quyền tối cao trên cộng đoàn các tín hữu, hay trên một ngọn đồi xứ Galilêa, ngài yêu cầu các ông đi giảng dạy và làm phép Rửa, hoặc ở một nơi khác với sự chứng kiến của hơn năm trăm người; rồi, ở tại Giêrusalem ngài hứa sẽ sai Chúa Thánh Thần đến, và sau cùng, đưa các ông lên núi Cây Dầu, nơi ngài lên trời trước mắt các ông.
Chúa Phục Sinh là nền tảng đức tin của chúng ta. Nền tảng nầy thật vững chắc. Số đông những nhân chứng và sự cứng lòng tin của các tông đồ cho thấy, đó không phải là chứng ảo giác, cũng không phải là các tông đồ đã lấy sự khao khát của mình làm thực tại, bởi vì thực tại tự nó cũng khó lòng mà thuyết phục được các ông. Như thế, Chúa Giêsu thực là Con Thiên Chúa, và giáo huấn của ngài là thánh thiêng. Việc phục sinh của ngài là bảo chứng cho sự sống lại của chúng ta. Phép Rửa tội đã trao ban cho chúng ta sự sống của Đấng phục sinh. Sự sống nầy tiềm ẩn, nhưng sẽ bừng nở trong vinh quang trong ngày sau hết của chúng ta. Sự sống mới nầy, là sống theo gương của Đức Kitô đã đến phục vụ và thời gian để làm việc lành. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta phải chiến đấu chống lại sự dữ, và đấu tranh cho hạnh phúc, công bình, hoà bình, tình yêu, mà không mất định hướng quê trời vinh phúc của chúng ta.
Tin vào thiên tính của Chúa Giêsu, sống theo lời giảng dạy tỉnh yêu thương của ngài, và theo gương của ngài, bằng những việc làm cụ thể thiết thực và hiệu quả trong cuộc sống đời thường, để được sống lại vinh quang và vĩnh viễn trong hạnh phúc thiên đàng.
Đó là điều mà lễ Phục Sinh muốn nhắn nhủ chúng ta.