Thứ Ba, 29 Tháng Ba, 2022 00:00
Chúa Nhật V Mùa Chay C ( Ga 8,1-11 ) năm 2022

Một người phụ nữ bị bắt quả phạm tội ngoại tình. Theo luật Môisen thì tội nhân sẽ phải bị ném đá chết. Còn Chúa Giêsu thì sao ?

Những người Biệt phái và luật sĩ có một cơ hội tuyệt vời để tố cáo Chúa Giêsu. Ngài bị dồn vào chân tường. Ngài phải chọn một trong hai: kết án hay là tha thứ. Kết án người phụ nữ tội lỗi nầy, thì mâu thuẩn với những lời giảng dạy về lòng thương xót và ơn tha thứ. Nhưng nếu tha cho chị ta, thì là bất tuân luật Môisen, là phạm pháp, là không tuân giữ lề luật. Trong trường hợp đó, Chúa Giêsu sẽ trở thành bị cáo. Một cái bẫy hiểm hóc do kẻ thù giăng ra để gài Chúa Giêsu.

Như chúng ta đã biết, trong vụ án này, không có sự kết án, cũng không có viên đá nào được ném ra. Chỉ với một vài lời, Chúa Giêsu đã làm thay đổi vị trí. Nguyên cáo biến thành bị cáo. Chị ta đã phạm tội. Điều đó không sai. Thế nhưng, chị ta không đến nỗi hư hỏng và tội lỗi như những người tố cáo chị. Hơn nữa, chính các ông cũng không công chính và trung tín như các ông tự phụ.

Quả thật, đây là một bài học thật nặng nề, khó chịu, nhưng cũng rất tuyệt vời. Đây là bài học về chân lý, về cách Chúa dạy dỗ, về sự công chính theo Tin Mừng, và nhất là về lòng thương xót, tha thứ. Thực ra, đây là một mạc khải, một sự bày tỏ rất sâu xa về bản chất của tội lỗi và về bản chất của sự tha thứ.. theo cái nhìn của Thiên Chúa.

Tội lỗi, trước tiên là một thực tại của con người, đồng thời cũng là một thực tại của lòng tin. Chúng ta chỉ hiểu được ý nghĩa của tội lỗi, khi hiểu được ý nghĩa về Thiên Chúa.

Chúng ta biết rằng, khi nghiên cứu cách cư xử của con người, các nhà xã hội học khám phá ra những trách nhiệm khác nhau của hành vi như sau:

Trước hết là sự phạm pháp: Xã hội bao gồm nhiều thành phần, nhiều yếu tố, như: nam nữ, gia đình, cộng đồng… sẽ không thể vận hành nếu không có một số luật lệ, cấm đoán. Không được trộm cắp. Không được nói dối. Không tôn trọng đời sống lứa đôi. Không được ngoại tình v.v. Không tôn trọng những qui định, đó là phạm pháp.

Thứ đến là khái niệm về sự lỗi phạm. Sai lỗi trong những điều cấm, chưa trưởng thành trong nhận thức về điều cấm, về điều được phép. Khi đó, con người khám phá ra rằng: những điều cấm là những điều tác hại đến chính bản thân mình. Khi tôi nói dối, trộm cướp, ngoại tình…, là tôi hủy hoại một điều gì đó về nhân tính nơi tôi. Lỗi phạm ví như một con sâu gặm nhấm một trái cây, làm hư hỏng cả trái cây.

Sau cùng là ý niệm về tội lỗi. Ở một mức độ cao hơn, theo nghĩa đúng đắn nhất, tội lỗi là làm gián đoạn mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Kinh Thánh ví tội lỗi của dân Israel như hành vi ngoại tình, phản bội Giao Ươc giữa Chúa và dân riêng của ngài. Các ngôn sứ thì ví con người tội lỗi như một người vợ bất trung đối với chồng luôn luôn yêu thương, trung tín. Cắt đứt giao ước tình thương. Xúc phạm một người luôn luôn yêu thương mình.

Do đó, các thánh là những người sáng suốt nhất, vì các ngài nhận ra, hành vi phạm pháp và lỗi lầm sẽ làm tổn thương tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng sinh dựng nên chúng ta, và yêu thương chúng ta vô cùng. Khi phạm tội, chúng ta làm tổn thương “diện mạo” của ngài nơi chúng ta, bởi vì chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh ngài.

Chính trong sự tha thứ mà tình yêu Thiên Chúa mới được tỏ lộ ra với mức độ cao vời khôn ví. Lòng thương xót của Chúa luôn luôn đi trước sự hối hận của chúng ta. Chúng ta không chắc là người phụ nữ ngoại tình có hối tiếc tội lỗi của mình hay không, khi bị điệu đến trước mặt Chúa Giêsu. Thế nhưng, điều chắc chắn là Chúa Giêsu đã động lòng thương xót chị ta, và đã cứu thoát chị ta. Ngài nói: “ Tôi không kết án chị đâu !”

Thật vậy, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu không điều kiện. Thiên chúa không giống như một người chồng chỉ thương mến người vợ khi vợ mình dễ mến, dễ thương, và bắt đầu ghét nàng khi nàng không còn dễ thương, dễ mến, hoặc khi nàng không chung thủy, lừa dối anh ta… để rồi sau đó, sẽ không tha thứ khi nàng quay trở về. Không ! Thiên Chúa cứ tiếp tục trìu mến người vợ ngoại tình. Ngài luôn luôn sẵn sàng tha thứ, ngay cả khi nàng cố chấp, bướng bỉnh. Thiên Chúa không bao giờ cắt đứt Giao Ước của mình.

Chúng ta đừng tưởng rằng, Thiên Chúa chỉ tha thứ, nếu chúng ta thống hối ăn năn. Quan niệm đó không đúng. Tha thứ tội lỗi không đi theo sau, mà là đi trước sự hối hận. Đứa con hoang đàng đã được tha thứ trước, đã được yêu mến trước, trước khi trở về. Con chiên lạc được chủ chăn yêu mến và tìm kiếm trong sự lầm đường lạc lối của nó. Người phụ nữ ngoại tình đã được Chúa Giêsu yêu mến cách riêng, dù cho tội ngoại tình phải bị lên án; bởi vì ngài thương xót chị ta: tội lỗi đã hủy diệt chị và làm hư hỏng chị.

Tình yêu Thiên Chúa thì không có điều kiện. Để tha thứ, Thiên Chúa không chờ đợi chúng ta. Ngài đi trước chúng ta. Thế nhưng, để hòa giải, cần phải có cả hai phía. Thiên Chúa chỉ có thể ôm hôn người vợ ngoại tình, nếu nàng trở về với ngài một cách tự do. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ. Nhưng để có thể đón nhận ơn tha thứ, nhất thiết chúng ta phải ăn năn thống hối, phải quay trở về với Chúa. Lãnh nhận Bí tích Hòa Giải là dấu chỉ nói lên thiện chí và lòng ăn năn thống hối của chúng ta.

Đó là vấn đề của chúng ta.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com