Việc cử hành cái chết của Chúa Giêsu chắc chắn phải thúc đẩy chúng ta giữ thinh lặng, như người ta thường làm bên cạnh người chết. Thế nhưng, vấn đề rõ ràng là ở chỗ này: Chúa Giêsu Nagiarét không phải là một người chết bình thường. Thực vậy, cái chết của ngài đã không ngừng được cử hành, và ca tụng khắp nơi trên thế giới.
Ở mỗi thánh lễ, “ chúng ta tuyên xưng cái chết của ngài”. Cử hành bí tích rửa tội, và tất cả các bí tích khác, là những cách thế liên kết chúng ta với cái chết này: Thánh Phaolô viết: “ nhờ bí tích rửa tội, chúng ta đã được an táng trong cái chết của Đức Kitô”. Cũng chính thánh Phaolô đã lấy thập giá làm lý do hãnh diện của ngài và là mục đích duy nhất của việc rao giảng của ngài.
Chắc chắn chúng ta không né tránh cái chết của Chúa Giêsu ; tuy nhiên, chúng ta tưởng nhớ cái chết đó ở giữa niềm tin vào sự sống lại của ngài.
Bài trích sách tiên tri Isaia trộn lẫn việc loan báo sự thành công và tán dương của đầy tớ Thiên Chúa, với việc gợi lại những đau khổ và sự tự hủy của ngài. Chính là vào lúc cuối của lời tiên tri mà những lời giải thích xuất hiện: “ Bởi vì đã chịu đau khổ, đầy tớ của Ta sẽ làm cho nhiều người nên công chính”.
Chính cái vấn nạn này mà những người Do thái thời tiên tri Isaia đặt ra, chúng ta sẽ gặp thấy nó trên môi miệng của các môn đệ trên đường Emmaus, sau cái chết của Chúa Giêsu: “ Chúng tôi đã nghĩ rằng, ngài sẽ cứu độ dân tộc; thế nhưng, đã ba ngày ngài bị giết chết”. Và Chúa Giêsu phải lấy lại từng chi tiết sấm ngôn của các tiên tri, khi chỉ cho thấy rằng, cái chết và những đau khổ thì đều nằm trong cái “ logique” của các sự việc, nếu người ta muốn cứu chuộc con người.
Hôm nay chúng ta ca tụng, biểu dương Đức Giêsu Kitô chịu chết trên thập giá, và chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ của ơn cứu độ trong tất cả những người đau khổ giống như ngài, hay với ngài.
Thế nhưng, Thứ Sáu Tuần Thánh không phải chỉ là ngày tang chế. Giống như ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, nó là một ngày chờ đợi. Trong kinh nguyện của chúng ta, khi sống lại những đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta chờ đợi thời điểm mà ngài bày tỏ sự sống mới, được nhận lãnh từ Chúa Cha vào sáng ngày Lễ Phục Sinh. Bởi vì, chính ánh sáng Phục Sinh trao ban cho những đau khổ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ý nghĩa đặc biệt cao quý của nó. Chính niềm hy vọng của một thế giới mới sẽ trao ban ý nghĩa cho tất cả những đau khổ của con người ngày nay.
Trong những ngày thánh này, Giáo hội chúng ta nhớ đến sự đương đầu ghê gớm, đã đặt sự sống và cái chết đối đầu nhau: sự chết và sự sống đã song đấu với nhau ác liệt. « Chủ sự sống đã chết đi; bây giờ hằng sống, ngài thống trị”.
Thực vậy, nếu Sự Dữ không phải là thụ tạo của Thiên Chúa, là Đấng Thánh Thiện tối cao, như thánh Basiliô thành Cesarê nhắc nhớ, thì cần phải hất cẳng Sự Dữ ngay trên sân nhà của nó. Không phải là bằng cách diệt trừ nó, hay không biết nó, bởi vì nó là hoa quả của tự do con người, mà là bằng cách đương đầu với nó, để đưa nó quay về với chính nó.
Không có ai xuất sắc hơn Con Một Thiên Chúa đã có thể thành công chiến thắng sự Dữ ngay trên sân nhà của mình, không chỉ trong sự vâng phục ý định tốt lành của Chúa Cha và trong vụ xét xử lịch sử do thái và Roma, nhưng cũng trong “ hỏa ngục”, nơi mà rể của chúng ăn sâu vào.
Ngày nay, chúng ta cần nhớ rằng, chúng ta cần phải đi qua cái chết cho tội lỗi để đạt tới sự bình an của sự phục sinh.
Mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, chúng ta chỉ có thể đón nhận, bởi vì theo lời của thánh Phaolô, đó là một sự điên rồ thực sự về phiá Thiên Chúa. Chiêm ngưỡng Đấng Chịu đóng đinh, nhớ đến những người, ngày nay vẫn còn tiếp tục chia sẻ những đau khổ của ngài do bệnh tật, do bị bách hại, do cô đơn hay hận thù, nhưng nhất là vì sự xa lià tình yêu Thiên Chúa, chúng ta được thúc đẩy cầu xin Đức Kitô sức mạnh để tiếp tục cuộc chiến đấu dẫn đến sự phục sinh vinh quang.
Chiều nay, suy ngẫm về Đức Kitô trong ngôi mộ, chúng ta muốn lặp lại rằng, từ sáng sớm ngày Phục Sinh, ngôi mộ này và tất cả các ngôi mộ khác đều đã trở nên những dấu chỉ của niềm hy vọng. Xa hơn cuộc khổ nạn của Đức Kitô trải dài cho đến ngày tận thế, chính là ánh rạng đông Phục Sinh được loan báo, ánh sáng rạng đông của sự giải thoát dứt khoát của các tạo vật và của công cuộc sáng tạo.