Ngày xưa, có rất nhiều người bị chết trên thập giá. Và người ta không nhắc đến nữa. Đối với Chúa Giêsu, thì hoàn toàn khác. Người ta vẫn còn nói đến những gì xảy ra cho ngài. Người ta bái gối trước thập giá của ngài. Chính là vì trong cây thập giá này có một sự phong phú, một mầu nhiệm, một ánh sáng, một sự sống chạm đến vô biên. Vô biên của tình yêu. Vô biên của sự tự hiến.
Bài thương khó mà chúng ta vừa nghe đã khởi đầu bằng bữa tiệc ly. Chúa Giêsu ngồi vào bàn. Ngài cầm lấy bánh và rượu trong đôi tay của ngài, sau đó, trao lại cho các bạn hữu của ngài, và nói: “Bánh này, chính là thân thể của Thầy được trao ban cho anh em. Rượu này.. Chén này là Giao ước mới trong máu của Thầy, đổ ra cho anh em”.“ Thân thể Thầy.. cho anh em, máu Thầy.. cho anh em, cuộc sống của Thầy, cuộc sống trọn vẹn của Thầy… cho anh em”. Cho anh em và cho Giao ước. Để anh em lại trở thành đồng minh với Đức Kitô.
Người ta có thể giải thích theo cách của con người tại sao Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá. Ngài bị bắt nơi Đền Thờ. Ngài đã thường gieo vãi những tư tưởng gây khó chịu cho các nhà lãnh đạo tôn giáo. Người ta nhìn thấy nơi ngài là một người xúi giục gây rối loạn. Đó là những lý do chính đáng để dẹp ngài qua một bên.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã có thể thoát khỏi việc này bằng cách không đi lên Giêrusalem. Điều đó ngài đã không làm. Bởi vì số phận của ngài là đi về Giêrusalem. Nhân danh Thiên Chúa, ngài phải trao ban dấu chỉ của tình yêu cao quý nhất.
Sự sống của ngài, ngài trao ban, để đem lại Ơn Cứu Độ. Thập giá, ngài tự ý đón nhận và gánh vác. Những cử chỉ ngài làm trong bữa Tiệc ly đã nói lên những cử chỉ ngài bằng lòng của ngày hôm sau. “ Thân thể của Thầy… cho anh em. Máu của Thầy… cho anh em. Cuộc sống của Thấy, Thầy trao ban cho anh em. Thầy tự hiến cho anh em. Vì anh em, Thầy đồng ý chịu đóng đinh vào thập giá”. Chúa Giêsu sẵn sàng chấp nhận số phận nghiệt ngã này, vì tình yêu thương.
Vụ án của ngài thật bất công. Chính Philatô biết điều đó: “ Ta không tìm thấy nơi người này một lý do nào để kết án” ( 23,14 ). Chúa Giêsu có tất cả lý do để tranh cãi, gào thét, phản ứng, kêu gọi đến công lý của Thiên Chúa và ngay cả công lý của loài người. Thế nhưng, ngài đã không làm gì cả. Ngài ym lặng. Tuy nhiên, ngài không cúi mặt xuống như những tội nhân thường làm một cách tự nhiên. Ngài không chịu đựng cuộc khổ nạn một cách thụ động, nhưng ngài sống cuộc Thương khó một cách mãnh liệt. Đối với ngài, đó là sự chu toàn trọn vẹn của một số phận cứu độ, sự thực hiện của giờ cứu độ nhân loại mà ngài đã đến trong thế gian.
Chúa Giêsu làm trọn những gì được nói về Người Tôi Tớ Đau Khổ mà tiên tri Isaia báo trước: “ Tôi đã không nổi loạn, tôi không lẫn tránh. Tôi đã đưa lưng cho những người đánh tôi, và đưa má cho những kẻ giật râu. TôI đã không che mặt khỏi những sự lăng nhục và khạc nhổ” ( Is 50, 5-6 ).
Sự bất bạo động của ngài không phải là sự cam chịu trước những gì không thể tránh khỏi. Nó không có gì là buông xuôi. Nó là cuộc đấu tranh sau cùng của ngài chống lại sự dữ, chống lại sự hận thù, chống lại sự bất công. Một cuộc chiến như thế chỉ có thể chiến thắng khi mang trong tay vũ khí tình yêu, khi làm cho cả con người của ngài thành một lễ vật mà tình yêu là động cơ thúc đẩy. Đó là điều Đức Kitô đã thực hiện.
Cho đến sự tha thứ. Bằng chứng cuối cùng của tình yêu mà Chúa Giêsu trao ban không phải là bằng chứng của đau khổ, mà chính là bằng chứng của sự tha thứ ngài trao cho những người kết án ngài, hành hạ ngài, chế nhạo ngài, rồi đóng đinh ngài vào thập giá. “ Lạy Cha, xin tha cho chúng: chúng không biết việc chúng làm” ( 23,34 ). Lời nói tuyệt vời mà chỉ có tình yêu thánh thiêng mới có thể thốt lên.
Như thế, lòng thương xót và thiên đàng cho tất cả lý hình trên thế giới được van xin. Như thế, trong những cử chỉ yêu thương của Chúa Con, chiều cao, chiều sâu và chiều rộng vô cùng của tình yêu Thiên Chúa Cha được tỏ lộ ra.
Được thốt ra trong thời điểm, vào ngày thứ sáu trước khi cử hành lễ Vượt Qua của người Do thái, lời của Đức Kitô van nài sự tha thứ đã trở thành lời vĩnh cửu. Cho đến ngày tận thế, lời cầu xin tha thứ luôn vang lên trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhân loại.
Tất cả sự công bố cuộc Khổ nạn của Đức Kitô phải đưa dẫn đến sự thinh lặng và quỳ gối. Thinh lặng trước một tình yêu cắt đứt hơi thở. Quỳ gối trước một cái chết là một quà tặng sự sống. Thinh lặng trước gương mặt của một Thiên Chúa không còn là gương mặt nữa. Quỳ gối trước một con người bị biến dạng đang tỏ lộ gương mặt thật của Thiên Chúa Tình Yêu.
Chúng ta hãy thinh lặng. Chúng ta hãy quỳ gối xuống. Cung kính. Thờ lạy. Chúc tụng và cảm tạ. Đến muôn đời.