Bài Phúc Âm hôm nay đặt Tôma ra trình diễn, vị tông đồ được gọi là cứng lòng tin. Những sự hoài nghi được thú nhận của ông, cuộc gặp gỡ của ông với Đức Kitô, rồi sau đó là sự gắn bó hoàn toàn với ngài, có thể giúp chúng ta những dấu mốc cho một con đường đức tin chân chính.
Trước hết là, đón nhận một chứng từ. Tôma lẽ ra đã không đi đến niềm tin, nếu ông đã không đón nhận chứng từ của các tông đồ khác. Thử hỏi sự khơi dậy niềm tin riêng của chúng ta đã được thực hiện như thế nào ?- Rất thường khi, chúng ta đã thừa hưởng chứng từ của cha mẹ, thầy cô giáo lý viên, của những người đang sống niềm tin của họ một cách chân thành. Không có sự giúp đỡ đó, thì một mình chúng ta, có lẽ rất khó lòng mà khám phá ra Đức Kitô. Chắc chắn, chứng từ này không đủ. Cần phải thiết lập những nền tảng của một đức tin riêng của mình, nhưng những chứng nhân đã giữ một vai trò quyết định. Thừa hưởng sự trung gian này, đến lượt chúng ta, thử hỏi chúng ta đã trở thành những chứng nhân chưa ?-
Thứ đến là tìm kiếm cùng với những người khác. Tôma đã có thể bày tỏ sự nghi ngờ của ông trong nhóm các tông đồ. Chính họ cũng mỏng dòn trong đức tin, cho nên họ đã không kêu lên phẫn nộ. Họ không xua đưổi ông ra ngoài.. Để tiến triển trong niềm tin, chúng ta cần một cộng đoàn, một nhóm đối thoại, ở đó mỗi người có thể chia sẻ những sự chắc chắn cũng như những hoài nghi của mình. Những người tân tòng đã có nhiều kinh nghiệm này với nhóm tháp tùng của mình. Chúng ta đừng có giả vờ cho rằng, tất cả mọi người đều ở trên cùng một làn sóng trên bình diện đức tin. Người ta sẽ không bao giờ nói cho đủ rằng, chúng ta cùng tiến triển trong đức tin, trong Giáo Hội.
Đồng thời, chính là đích thân gặp gỡ Đức Kitô. Đức tin chỉ trở nên sống động từ lúc mà, sớm hay muộn, nó trở thành một cảm nghiệm sống động của Đức Kitô hằng sống. Không có gì có thể thay thế sự tiếp xúc trực tiếp này. Tôma đụng chạm đến Chúa Giêsu, hay đúng hơn, ông được Chúa Giêsu đụng chạm đến. Nếu chúng ta không đích thân đi đến với Đức Kitô, nếu chúng ta không đụng chạm đến ngài trong khi cầu nguyện và trong các bí tích, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, đức tin của chúng ta sẽ vẫn còn là lý thuyết và không sức sống. Làm thế nào thực sự trở thành người tín hữu mà không thực sự gặp gỡ Đức Kitô cho được.
Sau cùng là loan báo Tin Mừng. Tôma nói: “ Lạy Chúa tôi và Thiên Chúa tôi !”. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh làm cho ông trở thành tông đồ, và đồng thời nó là nội dung của công việc tông đồ của ông. Ông sẽ ra đi loan báo sự phục sinh, và xây dựng Giáo Hội. Nếu đức tin là một sự biểu lộ tình yêu tha thiết, thì ngay lập tức nó làm cho chỗi dậy, và lên đường để đem chứng từ cho người khác là, Đức Kitô hằng sống và làm cho sống.
Cuộc sống, ơn gọi và sự hy sinh dâng hiến của Tôma, từ chỗ hoài nghi đi đến chỗ vững tin và dấn thân bước theo Đức Kitô có một lộ trình chắc chắn. Đó là con đường chung của hầu hết mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là mỗi người phải biết mở rộng lòng ra, đón nhận tình yêu, lòng thương xót và ơn tha thứ không điều kiện của Chúa, để hưởng nhận hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn, trong Vương quốc tình yêu của Chúa.
Đó là vấn đề của chúng ta.