Thứ Tư, 29 Tháng Ba, 2023 00:00
Chúa nhật Lễ Lá Năm A ( Mt 26, 14-27,66 ) năm 2023

Bản văn của Bài Thương Khó thật là dài. Nó sẽ kèm theo những lời cầu nguyện và suy ngẫm của chúng ta trong suốt Tuần Thánh đặc biệt quan trọng này. Chúng ta hãy cùng trích ra một vài khía cạnh riêng tư của Bài Thương Khó theo thánh Matthêu.

Trước hết là sự cô đơn của Chúa Giêsu. Chúng ta bắt đầu thánh lễ với sự nhắc nhớ việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, một sự tiến vào khải hoàn, ngồi trên lưng một con lừa con, dấu chỉ của sự khiêm nhường, và để làm trọn lời tiên tri Giacaria. Thánh Matthêu nhấn mạnh hơn các thánh sử khác về đám rất đông dân chúng, tung hô Chúa Giêsu, khi ngài đi lên Giêrusalem, sau khi xuống núi Cây Dầu.

Sau đó, chắc chắn chính là để nhấn mạnh hơn sự tương phản giữa sự cô đơn vào thời điểm của cuộc Thương Khó. Chúa Giêsu một mình phải chịu đau khổ, một mình phải chịu sỉ nhục, một mình trước sự bỏ rơi và phản bội của tất cả các bạn hữu. Và chúng ta đã cảm thấy điều đó rất rõ ràng trong bản văn: trên con đường lên núi Golgotha, đám đông đã trở nên thù địch với ngài, và hai tên gian phi cùng chịu đóng đinh với ngài cũng sỉ nhục ngài. Sau cùng, trong một lời cầu nguyện gây xúc động mà ngài sẽ kêu lớn tiếng lên Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu sẽ cảm thấy sự thinh lặng đau đớn của Thiên Chúa.

Đàng khác, Chúa Giêsu đã nói trước sự bỏ rơi toàn diện này, khi trích lời tiên tri Giacaria: “ Ta sẽ đánh chủ chăn, và đàn chiên sẽ tan tác” ( Mt 26,31 ). Chắc chắn, đồng thời cũng loan báo sự Phục Sinh của ngài; thế nhưng, các môn đệ không có khả năng hiểu được tầm quan trọng đúng mức của những lời ngài nói.

Bên cạnh đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa. Sự thinh lặng này ngày nay, dường như đối với chúng ta là một bài học rất có ý nghĩa. Biết bao nhiêu người đương thời với chúng ta cảm thấy sự bỏ rơi bên ngoài này của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ. Có biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe những suy nghĩ này: Tại sao Thiên Chúa không nhậm lời tôi ?- Tại sao ngài để tôi chịu đau khổ, trong khi tôi cần được làm vơi nhẹ biết bao nhiêu ?- Hay còn nữa: Tại sao lại có quá nhiều sự dữ như thế trên thế giới ?- Tại sao có biết bao người vô tội bị nghiền nát, và có biết bao kẻ xấu, bọn ác không bị trừng phạt.. ?-

Những vấn nạn này, chúng ta đã thường gặp trong Kinh Thánh, nhất là trong những Thánh vịnh: Tại sao những kẻ gian ác lại chiến thắng khải hoàn ?- Tại sao những kẻ hung ác luôn luôn là những người mạnh mẽ nhất ?- Hay còn nữa: “ Ôi, lạy Chúa ! tại sao Chúa ở quá xa, tại sao ngài ẩn tránh trong thời điểm khốn khổ ?-“ ( Ps 10,2 ). Dường như là tất cả những con người thời đại chúng ta, những người bị nghiền nát bởi đau khổ và hạ nhụt bất công có thể sẽ được động viên tinh thần khi đọc lại bài Thương Khó này.

Trong các Phúc Âm có bảy lời được Chúa Giêsu thốt ra trên thập giá. Thánh Matthêu và cả thánh Marcô chỉ nhắc lại có một, một lời gây xúc động nhất: “ Lạy Thiên Chúa con, lạy Thiên Chúa của con, tại sao Chúa đã bỏ rơi con ?-“ Đó chính là câu đầu tiên của thánh vịnh 21. Một lời tiên tri hiện thực đau lòng của cuộc Thương Khó của Đấng Thiên Sai sắp đến. Mỗi người trong chúng ta sẽ rút ra được ích lợi cho mình trong Tuần Thánh này, khi đọc lại toàn bộ thánh vịnh này, được kết thúc trong một bầu khí hy vọng vinh quang.

Ngày hôm nay, tất cả những ai đau khổ trong thân xác hay trong tinh thần của mình với một cảm giác cô đơn và bị nghiền nát, đè bẹp, sẽ được nâng đỡ tinh thần khi hướng nhìn về Chúa Giêsu đang hấp hối trên thập giá.

Sau cùng, sự đau khổ của Chúa Giêsu cứu thoát chúng ta bằng tình yêu của ngài. Cách đây không lâu, bộ phim của Mel Gibson về Cuộc Thương Khó của Đức Kitô đem lại một thành công thực sự nơi cử toạ, cũng như bị chỉ trích rất nhiều. Sau khi nghe bài Thương Khó sáng nay, người ta không thể không nghĩ đến bộ phim này. Đặc biệt nơi thánh Matthêu, mà từ đó, Mel Gibson đã ưu tiên lấy nguồn hứng khởi cho bộ phim của ông.

Cái ấn tượng mà chúng ta còn giữ lại, chính là một sự diễn tả thực tế và cụ thể tất cả những gì Chúa Giêsu đã chịu, với một sự nhấn mạnh đáng kể về một vài cảnh diễn độc ác như những cú đánh bằng roi và sự ngoan cố hận thù của đám đông. Phim ảnh có thể đã tỏ cho chúng ta thấy, sự Thương khó của Chúa Giêsu đã xảy ra “ thực sự” như thế nào. Thế nhưng, không nhất thiết là nằm trong tinh thần của các Phúc Âm. Bởi vì tất cả đều đồng ý với nhau rằng: cái chết của Chúa Giêsu là một “cuộc vượt qua” từ thế giới này mà về cùng Chúa Cha trên trời, và là một cái chết cứu độ, nghĩa là, do tình yêu thương, cái chết mang đến sự mở rộng về vinh quang trên trời.

Chính trong cái tinh thần này mà chúng ta, chúng ta sẽ sống Tuần Thánh đặc biệt quan trọng này. Với Chúa Giêsu đang đau khổ với chúng ta. Với Chúa Giêsu đang kêu lên sự bỏ rơi của ngài lên Chúa Cha trên trời. Và với Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta luôn luôn giữ mãi niềm hy vọng trong Nước Trời sắp đến.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com