Thứ Sáu, 24 Tháng Ba, 2023 00:00
Chúa Nhật V Mùa Chay A ( Ga 11, 1-45 ) năm 2023

Được tin Lagiarô bệnh nặng, gần chết, Chúa Giêsu còn trì hoãn, chưa đến ngay. Vì thế, khi ngài có mặt ở Bêtania, thì Lagiarô đã chết, và đã được an táng trong mồ bốn ngày. Trước một thân xác đang bắt đầu phân hủy, Chúa Giêsu đã dùng quyền phép Thiên Chúa, trả lại sự sống cho người bạn thân yêu, trước sự chứng kiến của hai chị em gái và đám đông dân chúng bỡ ngỡ, xúc động.

Điều đó có ý nghĩa gì với chúng ta ?-

Trong khi rao giảng về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu dạy về sự bất tử của linh hồn và sự phục sinh của thân xác. Bằng nhiều phép lạ, ngài chứng minh, ngài là Đấng do Thiên Chúa Cha sai đến; do đó, lời ngài là lời chân thực. Tuy nhiên, nhiều người còn chưa tin. Vì thế, qua phép lạ nầy, ngài muốn cho thấy, không những thân xác loài người có thể sống lại, mà ngài còn có thể thực hiện được điều đó.

Bởi vì, đối với Chúa Giêsu, sự sống đích thực, chính là sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Chết thực sự là cái chết thiêng liêng, một sự xa cách dứt khoát với Thiên Chúa do tội lỗi gây ra. Người có đức tin sẽ đi từ cái chết thiêng liêng đến sự sống vĩnh cửu. Cái chết của thân xác không thể nào hủy diệt sự sống vĩnh cửu.

Qua đó, Chúa Giêsu cũng cho thấy là, sự chết không phải do Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn có sự chết, và cũng không tạo ra sự chết. Đó chỉ là hậu quả và hình phạt của tội lỗi.

Vì thế, khi Chúa Giêsu động lòng thương ông Giairô có đứa con gái vừa mất, khi ngài xúc động trước người đàn bà goá thành Naim có đứa con trai vừa qua đời, hoặc khi ngài thổn thức trước cái chết của Lagiarô, là ngài xúc động, thương cảm những đau khổ và cái chết của nhân loại tất cả. Và ngài muốn cứu giúp, giải thoát hết thảy mọi người thoát khỏi những bất hạnh cùng cực đó bằng việc trao hiến chính mạng sống ngài. Qua cuộc Thương khó và sự Phục sinh vinh quang, Chúa Giêsu đã đem lại cho sự đau khổ và sự chết một ý nghĩa và giá trị đặc biệt. Do đó, cái chết chỉ là giai đoạn chuyển tiếp sang một cuộc sống vĩnh cửu tốt đẹp hơn mà thôi.

Kinh nghiệm cho thấy, trước cái chết, chúng ta thường sợ hãi. Thiết tưởng đó là chuyện bình thường, bởi vì, chúng ta được dựng nên là để được sống đời đời. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự có đức tin, thì chúng ta sẽ thấy, cái chết không là một sự thất bại hay một sự phi lý, mà là một sự thay đổi cuộc sống, tái sinh trong tình yêu viên mãn.

Cũng như ở những chỗ khác, khi thực hiện một phép lạ, Chúa Giêsu muốn trao ban đức tin cho những người chứng kiến. Thế nhưng, ngài cũng đòi hỏi những người liên hệ đến phép lạ đó, trước hết phải có đức tin. Mà, chúng ta biết rằng, Đức Tin là một con đường phải theo để càng ngày càng khám phá ra tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu.

Ở trước mộ Lagiarô, thoạt đầu Maria và Matta cũng đã có niềm tin vào việc kẻ chết sống lại và sự sống đời sau trong ngày tân thế. Thế nhưng, đó chỉ là một đức tin lý thuyết, truyền thống, trong giáo lý. Điều đó chưa đu. Chúa Giêsu mời gọi hãy tin vào chính ngài và lời ngài. Bởi vì ngài chính là sự sống lại và là sự sống. Chính nhờ đức tin đó, mà chúng ta được cứu độ, ngay từ bây giờ, trong cuộc sống trần gian nầy. Với ngài, chúng ta sẽ luôn vượt thắng những nỗi sợ hãi, tìm thấy niem hy vọng và sự can đảm tiếp tục cuộc hành trình dương thế, đi đến bến bờ hạnh phúc sung mãn.

Cũng như với Matta, Chúa Giêsu cũng sẽ hỏi mỗi người chúng ta: « Con có tin điều đó không ?- ».

Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào cách sống niềm tin của chúng ta. Hy vọng vào sự sống vĩnh cửu đời sau sẽ thúc đẩy chúng ta dấn thân xây dựng một trái đất đầy yêu thương, công bình, hạnh phúc.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com