Bài Phúc Am cho thấy, nghèo khó, đói khát, đau buồn khóc lóc... đối với Chúa Giêsu lại là có phúc. Dường như có cái gì đó có vẻ bi quan, yếm thế, nhu nhược trong lời dạy của Chúa Giêsu. Phải chăng chính vì thế mà có người cho rằng, Kitô giáo là tôn giáo của sự yếu đuối, hèn nhát, trốn lánh.
Sự thực không phải như thế.
Theo Kinh thánh, người nghèo khó là người không có của cải vật chất, không được trọng vọng, không quyền hành trong xã hội, cho nên vẫn thường bị khinh khi. Bần cùng, túng thiếu là một sự dữ. Thế nhưng một điều rất rõ là, Thiên Chúa yêu mến người nghèo, và luôn luôn đứng về phiá họ. Do đó, khi nói, phúc cho những người có tinh thần nghèo khó, Chúa Giêsu muồn nói đến những người mà sự nghèo túng không làm cho chai đá, khô cằn; trái lại, ý thức mình không có gì cả, họ luôn luôn tin tưởng, yêu mến, chờ đợi mọi sự từ Thiên Chúa.
Tại sao người có tinh thần nghèo khó lại có phúc ?-
Lịch sử của dân Do Thái là một kinh nghiệm quý báu và là câu trả lời xác đáng. Từ một nhóm dân bị làm nô lệ, Israel được Thiên Chúa tuyển chọn thành Dân riêng của ngài. Được giải thoát khỏi đất Ai-Cập, họ phải chịu đựng sự khắc nghiệt, thử thách của sa mạc trong suốt bốn mươi năm: chịu đói, chịu khát, thiếu thốn mọi thứ. Tất cả chỉ nhằm giúp họ thấu hiểu chân lý chính yếu là, tự sức mình, con người không thể làm gì cả, nếu Thiên Chúa không quan tâm săn sóc từng giây phút một.
Tuy nhiên, nên nhớ là, khốn khổ và nghèo túng không phải là một lý tưởng, mà chỉ là một phương thế giáo dục. Bởi vì, sau khi đã vào Đất Hứa, nơi chảy sữa và mật, họ có thể làm ra cơm bánh, tài sản, tiện nghi; bấy giờ, họ nghĩ là có thể tự túc, tự lập, và họ quên Thiên Chúa. Khám phá ra sức mạnh của riêng mình, họ thần thánh hoá chính mình, và quay lưng lại với Thiên Chúa, không cần Thiên Chúa. Đó chính là nỗi bất hạnh lớn nhất đã nhận chìm nhân loại khắp mọi thời.
Do đó, chính qua sự yếu đuối, thiếu thốn, nghèo khó của họ, mà Thiên Chúa chuẩn bị cho họ nhận biết chính ngài mới là Hạnh Phúc đích thực. Bởi vì trong cuộc sống thường ngày, con người cố gắng tìm hạnh phúc trong sự giàu có và tiền bạc, trong cái ăn cái uống, trong sức khoẻ và quyền lực, danh vọng và sắc đẹp... Nhưng tất cả đều không thể làm thỏa mãn khát vọng sâu xa của con người; tất cả sẽ dẫn đưa con người đi từ thất vọng nầy đến thất vọng khác.
Trong khi đó, hạnh phúc mà Chúa Giêsu loan báo, chính là Nước Thiên Chúa, chính là Tình Yêu vạn năng của Thiên Chúa. Người có tinh thần nghèo khó biết mình thiếu Thiên Chúa, mà chỉ có Thiên Chúa mới đáp ứng được nỗi khao khát thâm sâu của con người, cho nên luôn luôn đi tìm, đi kiếm Thiên Chúa. Vì chúng ta không thể đổ thêm vào một cái chén đã đầy, cho nên cái may mắn của sự nghèo khó, đau khổ than khóc, bị bách hại của chúng ta là, những tình cảnh bi đát nầy làm chúng ta “ trống rỗng” để Thiên Chúa có thể lấp đầy chúng ta bằng chính Hạnh Phúc của ngài, bằng chính Vương quốc Tình Yêu của ngài.
Phúc cho người có tinh thần nghèo khó, nhưng điều đó không có nghĩa là, Chúa Giêsu ủng hộ, đề cao sự túng thiếu, đói nghèo, đau khổ, bất hạnh... Mà ngài chỉ muốn giới thiệu, mời gọi một thái độ tinh thần luôn luôn sẵn sàng đón nhận Tình Yêu Thương của Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất. Đi theo Chúa, cộng tác với Chúa để loan truyền ơn cứu độ cho người khác. Tám Mối Phúc Thật nhắc nhở chúng ta phải nỗ lực đẩy lùi sự dữ, sự ác bằng những việc làm cụ thể trong cuộc sống, làm cho thế giới nầy tốt đẹp hơn, công bình hơn, nhân bản hơn.
Lời mời gọi đó cũng nhắc nhở chúng ta hãy luôn luôn sám hối về cách sống Tin Mừng của chúng ta trong thời gian qua; có thể vì vô tình, không để ý, mà chúng ta đã có những thái độ, lời nói, hành động không xứng hợp với Lời Chúa dạy.