Gần đến Lễ Giáng Sinh, mừng Con Thiên Chúa, xuống thế, nhập thể làm người, thực hiện On Cứu Độ cho nhân loại, Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta một vài nét chính yếu liên quan đến việc sinh ra của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của chúng ta.
Trước hết, bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe mang theo một sứ điệp cho đức tin. Sứ điệp đề cập đến nguồn gốc của Chúa Giêsu. Nguồn gốc này là nguồn gốc kép.
Đầu tiên là bởi Đức Maria. Ngài chỉ cho chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa có một cái gì đó cần phải nhìn thấy nơi Chúa Giêsu. Đó là do tác động của Thánh Thần mà Chúa Giêsu thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria;
Thứ hai là bởi Giuse. Sứ điệp cũng thật rõ ràng. Nhờ sự đón nhận làm con của Giuse, mà Chúa Giêsu chính thức và hợp pháp, thuộc về gia đình bác thợ mộc Nagiaret; và cũng nhờ đó, mà ngài thuộc dòng dõi vua David. Nhờ Giuse, Chúa Giêsu có một lịch sử nhân loại; thuộc về một gia phả loài người.
Một cách kỳ lạ, bản văn này trở thành một cái cớ để khám phá một điều gì đó về cội nguồn của chúng ta, để giúp ý thức những cái được thua, những thách đố của sự hiện hữu riêng tư của mỗi người chúng ta.
Thực vậy, khi nghiêng mình trên chiếc nôi của một em bé sơ sinh, chúng ta thường tìm kiếm khám phá những nét đặc trưng của người cha hay của người mẹ nơi đứa bé hơn là chiêm ngắm chính mầu nhiệm của sự sống.
Khi chúng ta nghe thấy ai đó nhận xét: đứa bé này có những nét giống cha, hay những nét giống mẹ của nó, thì chúng ta hiểu thấu sự bén rễ của nó, nguồn gốc của nó, lịch sử nhân loại của no, dòng tộc của nó.
Tuy nhiên, khi nhìn thấy nơi em bé là một sinh linh mới ra đời, một sự sống mới xuất hiện, là chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm của sự sống. Khi ngỡ ngàng, thán phục, chiếm ngắm sự sống là chúng ta đứng về phía Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa.
Và như thế, nguồn gốc kép của sự hiện hữu của chúng ta được bày tỏ ra. Một đàng, chúng ta là hoa trái của một đôi vợ chồng, của cha mẹ của chúng ta; một đàng, đó là sự diễn tả của mầu nhiệm của tình yêu là chính Thiên Chúa. Ngài đã trao ban cho chúng ta sự sống. Ngài cho chúng ta xuất hiện trong cuộc đời.
Từ đó, suy nghĩ thứ hai đến với tâm trí chúng ta, xuất phát từ thái độ của Giuse. Đó là nhận Chúa Giêsu làm con.
Bởi vì, trên thế giới hiện nay, có những đứa trẻ sinh ra dưới cái lý lịch là “ cha, hay mẹ vô danh”, do bị bỏ rơi bởi cha, hay bởi mẹ. Bởi vì có những đứa trẻ sinh ra với một người mẹ, mà không có cha. Bởi vì có những người cha người mẹ, quá nghèo đến nỗi không thể nuôi nấng, dạy dỗ con của mình được, buộc lòng phải lìa xa nó, bõ rơi nó, hay giao nó cho người khác. Bởi vì có những người đàn ông chấp nhận đón tiếp đứa trẻ của người phụ nữ mà mình yêu mến, mặc dù đúa trẻ này không phải là con chung của hai người. Bởi vì có những đôi vợ chồng nhận một đứa trẻ làm con nuôi để trao ban cho nó một con tim cần phải chia sẻ. Bởi vì cũng có những người cha, người mẹ “ đón nhận nuôi ” những đứa con của riêng họ, là những đứa con không phải luôn luôn được họ mong đợi, chẳng hạn như: do dị tật bẫm sinh, do tự kỷ, do chậm phát triển, hay là do quái thai...Thực vậy, sinh ra trong thế giới với một thân xác, trong mối liên hệ xác thịt, thì không đủ; cũng cần phải sinh ra trong thế giới, trong một mối liên hệ tình yêu, thương mến, thiêng liêng.
Chúng ta trở thành cha mẹ, trong việc nhận làm con thường xuyên, liên tục của con trẻ, suốt mỗi ngày trong cuộc đời. Người đàn ông hay là đôi vợ chồng nhận làm con là giúp đứa trẻ bị bỏ rơi bước vào trong một lịch sử, là trao ban cho đứa trẻ bị bỏ rơi một căn cước, một lý lịch, một gia đình.
Tuy nhiên, sự nhận làm con này, cũng chính là sự khẳng định rằng, sự sống đến từ một nơi khác. Từ Thiên Chúa là nguồn sự sống, là nguồn tình yêu.
Như thế nguồn gốc kép của Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta cái nguồn gốc kép của chúng ta. Chúng ta ở giữa cái khớp nối của hai dòng lịch sử, xác thịt và thiêng liêng. Và giống như Giuse, chúng ta được mời gọi đón nhận sự sống, với những sự vượt qua chính mình mà rất nhiều khi, điều đó đòi hỏi.
Giống như Giuse, chúng ta có thể đọc thấy, trong đức tin, những biến cố gây hoang mang, gây bối rối của sự sống, của sự hiện hữu và của tình yêu vô biên, liên quan mật thiết đến cuộc đời chúng ta.
Và, cũng có thể như thế mà Chúa Cứu Thế sinh ra hôm nay, cho chúng ta. Chúng ta hãy sẵn sàng đón tiếp ngài, mỗi ngày trong cuộc đời chúng ta, cách đặc biệt là trong ngày lễ Giáng Sinh sắp tới. Để đón nhận Ơn Cứu Độ của ngài.