Ngày Chúa lại đến - Ngày tận thế - Ngày phán xét - Ngày của Chúa.
Trong thời gian gần đây, đó đây trên thế giới, có những tin đồn về cái ngày quyết liệt nầy. Có người còn quả quyết, khẳng định chính xác thời gian, ngày giờ, cùng những dấu hiệu nghiêm trọng báo trước. Điều đó làm nhiều người hoang mang, thậm chí có kẻ còn mê hoặc, xúi giục nhiều người nhẹ dạ đi đến chỗ tự sát tập thể, như nhóm « Cổng Trời » bên Mỹ, hay nhóm « Đền Thờ Mặt Trời » ở Âu Châu...
Về vấn đề nầy, chúng ta nghĩ thế nào ?-
Trước hết, Chúa Giêsu cho biết, chắc chắn là ngày đó sẽ đến, và sẽ có những dấu hiệu báo trước. Đó cũng chính là những dấu hiệu xảy ra trước khi thành Giêrusalem bị tàn phá bình địa vào năm bảy mươi, nhưng ở một mức độ trầm trọng hơn rất nhiều. Sẽ có những tiên tri giả xuất hiện, những người tự xưng là Đấng Cứu Thế để dụ dỗ, đánh lừa dân chúng. Chiến tranh, giặc giã, loạn lạc nổi lên khắp nơi. Đói khát, mất mùa tràn lan trên mặt đất. Bách hại, hành hạ, khốn quẩn, thiên tai đầy dẫy...Đó là điều chắc chắn.
Tuy nhiên, điều không chắc chắn là, chúng ta không thể biết ngày giờ chính xác của chính biến cố quyết định nầy. Khi nào Chúa lại đến ?- Khi nào là lúc tận cùng của thế giới ?- Chúa Giêsu nói rõ: không ai biết trước được, ngoại trừ Đức Chúa Cha. Do đó, đừng tin vào những lời đồn đại, đừng đi theo những kẻ lừa dối, đừng trông đợi nơi những lời hứa hão huyền. Bởi vì, Ngày Của Chúa sẽ đến vào lúc không ai ngờ tới.
Như thế trong khi chờ đợi, đâu là thái độ đúng đắn, cần phải có của chúng ta ?-
Thiết tưởng, trước hết cần phải tỉnh thức, bởi vì sớm hay muộn thì ngày đó cũng sẽ đến. Tỉnh thức ở đây có nghĩa là luôn luôn sống trong tư thế sẵn sàng đón tiếp Chúa đến, bằng một cuộc đời phù hợp với Lời Chúa dạy về đức Bác Ai Yêu Thương. Yêu mến Chúa, yêu mến anh em, nếu được thực hiện trọn vẹn trong cuộc sống hằng ngày, thì chắc chắn ngày Chúa lại đến sẽ không làm chúng ta hoang mang, hụt hẫng, mà là một ngày vui mừng, phấn khởi và hy vọng.
Thứ đến, chờ đợi, nhưng chúng ta không chờ đợi một cách thụ động, mà phải chuẩn bị bằng chính việc làm của chúng ta. Đừng bắt chước một số người thời thánh Phaolô, vì nghĩ rằng, Chúa sắp trở lại, cho nên không làm việc nữa, và ở không, chờ đợi. Vì thế, thánh Phaolô lên tiếng nhắc lại sự cần thiết và giá trị của việc làm, nhất là việc lao động, chân tay. Tạo dựng nên chúng ta, Chúa đã làm cho chúng ta trở thành những người cộng tác với ngài để sắp xếp, hoàn thiện và làm đẹp công trình sáng tạo của ngài trên trần gian. Lao động thực sự là vinh quang, vì có mục đích làm cho thế giới nầy tốt hơn, làm cho con người hạnh phúc hơn, phát triển hơn và giàu kiến thức hơn. Hành động như thế là chờ đợi một cách tích cực và có ý nghĩa.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đừng quên chuẩn bị cho những anh em chung quanh, bằng cách giúp họ nhận biết Thiên Chúa và tình yêu thương vô biên của ngài. Và cách giúp đỡ hữu hiệu nhất trong lúc nầy chính là đời sống gương mẫu của chúng ta với những tâm tình, lời nói, thái độ, hành động đầy yêu thương bác ái. Chính tình yêu sẽ giúp nhận ra tình yêu và đáp lại lời mời gọi của tình yêu. Tình yêu luôn luôn được thể hiện bằng việc làm.
Cuối mùa Phụng Vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Chúa nói về thời gian tận cùng của thế giới và của chúng ta, cụ thể là giờ chết của chúng ta. Điều đó không làm chúng ta hoảng sợ, trái lại sẽ đem lại cho chúng ta niem hy vọng, tin tưởng, nếu chúng ta biết kiên trì sống theo Lời Chúa, bởi vì, Chúa Giêsu đã khẳng định: « ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát ».