Thứ Năm, 13 Tháng Mười, 2022 00:00
Chúa nhật XXIX Quanh năm C ( Lc 18, 1-8 ) năm 2022

Đọc qua đoạn sách Xuất Hành và Phúc Âm, chúng ta có thể có cảm tưởng là, cầu nguyện là một phương thế phi thường được đặt trong tầm tay chúng ta, để chúng ta có thể nhận được từ Thiên Chúa tất cả những gì chúng ta mong muốn.

Chúng ta hãy nhìn Môisen. Ông đang cầu nguyện, hai tay giơ lên trời, và quân Israel trở nên mạnh mẽ nhất. Khi Môisen mệt mỏi, lỏng lẻo đôi chút trong việc cầu nguyện, thì kìa, kẻ thù lại lấn lướt. Vì thế người ta cắt đặt hai người, và nâng hai cánh tay của ông lên cho tới khi nào nhận được chiến thắng trọn vẹn.

Hình ảnh quá đẹp để trở thành sự thật. Thực tế thì khác hẳn. Người ta có thể cầu nguyện rất nhiều, và lại thấy những thất bại, không được như ý. Sự cầu nguyện không phải là một trò ảo thuật. Nó không giải quyết vấn đề một cách thần kỳ.

Phúc Âm cũng đặt trước mắt chúng ta một hìhh ảnh màu hồng của sự cầu nguyện. Chỉ cần gõ cửa, gõ và gõ mãi, để Thiên Chúa, vì quá bực bội, làm theo ý chúng ta.

Thế nhưng, không phải tất cả đều diễn tiến như thế.

Trước hết, bởi vì Thiên Chúa không phải là một con người mà người ta có thể làm cho bực bội. Thứ đến, ngài không phải tuân phục ý muốn của chúng ta. Chính chúng ta mới phải tùng phục thánh ý của ngài. Chân lý mà Chúa Giêsu diễn tả rất rõ trong lời cầu nguyện ở vườn Cây Dầu: “ Lạy Cha, nếu muốn, Cha hãy đem chén này xa khỏi con; tuy nhiên, xin đừng theo như ý con, mà là ý Cha mà thôi.” ( Lc 22 ). Đó là kiểu mẫu và ý nghĩa của các lời cầu nguyện. Sự cầu nguyện không nhắm tới việc bắt buộc Thiên Chúa phục vụ chúng ta, mà hướng chúng ta phục vụ ngài. Chúng ta có thể cầu xin Thiên Chúa tất cả mọi sự. Chắc chắn ngài sẽ trả lời chúng ta, trong khi trao ban cho chúng ta những gì mà ngài biết là tốt đẹp nhất cho chúng ta, và luôn luôn trao ban cho chúng ta Thánh Thần mà chúng ta cần để thực hiện thánh ý của ngài ( Lc 11 ).

Ngoài ra, thiết tưởng cũng nên nhắc lại vài chân lý sau đây liên quan đến sự cầu nguyện kitô giáo. Chúng giúp chúng ta hiểu rõ những bản văn mà chúng ta vừa nghe.

Thứ nhất, những bản văn mời gọi chúng ta kiên trì trong cầu nguyện. Lời Chúa nhắn nhủ chúng ta gần như là “ bướng bỉnh” trong khi cầu nguyện, liên lỉ tiếp tục trở lại. Không phải để lãnh nhận với bất cứ giá nào điều chúng ta mong muốn, nhưng để phân định dần dần và càng ngày càng thấy rõ hơn ý định của Thiên Chúa trên chúng ta, và để, với sự tin cậy, thuận theo những gì mà thánh ý ngài thực hiện trong chúng ta.

Như thế, một người nào đó bắt đầu cầu xin được khỏi bệnh, trong khi kiên trì trong lời cầu nguyện, sẽ có thể đến nài xin sự trợ giúp của Thiên Chúa để gánh vác thập giá của cơn bệnh của mình cho đến cùng.

Thứ đến là thánh ý Chúa. Khi nhìn thấy Môisen cầu nguyện một cách sốt sắng và kiên trì, phải hiểu rằng, nếu lời cầu nguyện của ông có hiệu quả, đó trước hết chính là vì chính Thiên Chúa muốn ban cho dân ngài chiến thắng trên dân Amalec. Như vậy có phải kết luận rằng, lời cầu nguyện của Môisen là vô ích hay không ?- Chắc chắn là không. Bởi vì lời cầu nguyện đó đã giúp các chiến binh đặt niềm tin cậy vào Thiên Chúa và nó bảo đảm rằng, Thiên Chúa chiến đấu với họ.

Đồng thời, là sự công bình. Còn về dụ ngôn trong bài Phúc Âm, để hiểu đúng, cần phải quan tâm đến những lời mà Chúa Giêsu thêm vào sau khi đã trình bày nó. Ngài nói: “ Nếu một quan tòa, không kính trọng Thiên Chúa, lại trả lại sự công bình cho người đàn bà góa bảo vệ vụ kiện một cách quyết liệt, thì làm thế nào mà, Thiên Chúa, là Đấng tốt lành và công bình, không trả lại sự công bình cho những người được tuyển chọn, đang kêu đến ngài suốt ngày đêm ?-“.

Đỉnh điểm của bản văn hướng về sự công bình được trao trả lại. Đối với những ai, trước mặt Thiên Chúa, cầu xin cho sự công bình được thực hiện, thì sự công bình sẽ được thực hiện. Đó là điều mà bản văn xác quyết. Nó không thể khác đi được, bởi vì, như thánh vịnh 102 đã khẳng định: “ Thiên Chúa thực hiện sự công bình, và ngài bênh vực quyền lợi của những người bị áp bức”.

Thế nhưng, khi nào Thiên Chúa thực hiện sự công bình ?- Chúa Giêsu trả lời:“ Ta công bố điều đó, ngài sẽ thực hiện sự công bình, không chậm trễ”. Các nhà chú giải giải thích, những lời này phải được hiểu trong một viễn tượng cánh chung, ngày tận thế. Chúng liên quan tới không phải là sự công bình phải được thực thi ngay hôm nay, trên mặt đất, nhưng là sự công bình mà chính Đức Kitô sẽ thực hiện khi ngài tỏ mình ra trong ngày tận thế. Bấy giờ,  “ điều chắc chắn”, ngài sẽ can thiệp; ngài sẽ thực hiện điều đó “một cách bất ngờ, không biết trước và dứt khoát”. Điều đó sẽ sớm được thực hiện, không trì hoãn.

Sau cùng, sự cầu nguyện và đức tin. Sau khi đã khẳng định rằng, sự công bình sẽ được thực hiện không trì hoãn cho những ai quay về với Thiên Chúa và tin cậy nơi ngài, Chúa Giêsu nói thêm: “ Thế nhưng, khi trở lại, Con Người có còn thấy đức tin trên mặt đất hay không ?-“

Rõ ràng, đức tin được nuôi dưỡng trong sự cầu nguyện, giúp đặt cuộc sống chúng ta trong bàn tay Thiên Chúa, cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Theo cái nhìn nhân loại, có rất nhiều biến cố, xảy đến trong thế giới và trong cuộc đời riêng tư của chúng ta, có thể có vẻ tiêu cực và không khôn ngoan. Một cuộc chiến bùng nổ, một căn bệnh ung thư được phát hiện: thật là điên rồ, vô lý ! Sự cầu nguyện dần dần cho phép đọc và hiểu những biến cố như thế theo ánh sáng đức tin. Bấy giờ những biến cố này có thể mang một ý nghĩa phục sinh. Thế nhưng, phải có đức tin để tin vào phục sinh, để sống và cử hành sự phục sinh, như chúng ta đang làm hiện tại.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn đức tin, giúp chúng ta nhìn thấy tất cả mọi sự theo cách thế của Thiên Chúa, và giúp chúng ta sống tất cả mọi sự, đang khi hướng về điểm chính yếu, và là những con người của niềm hy vọng.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com