Chủ Nhật, 07 Tháng Tám, 2022 00:00
Chúa Nhật XX Quanh Năm C ( Lc 12, 49-53 ) năm 2022



Chúa Giêsu, Thái tử hòa bình, luôn luôn nói về sự bình an: ‘’ bình an cho các con; Thầy ban bình an của Thầy cho các con’’.
Tất cả Tin Mừng của ngài là một sứ điệp bình an, tình yêu, bác ái, giao hòa. Thế nhưng, hôm nay, ngài lại nói: ‘’ Thầy đã đến đem lửa và, không phải là sự bình an, mà là sự chia rẽ trên trần gian’’.

Phải chăng có điều chi mâu thuẫn trong lời giáo huấn của ngài ?-

Trong Kinh Thánh, lửa là một biểu tượng thần học chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Chẳng hạn như, với ngọn lửa trong bụi gai, Môisen đã gặp gỡ Thiên Chúa để lãnh nhận sứ mạng đưa dân Israel ra khỏi đất Ai-Cập. Lửa cũng là hình ảnh sức mạnh giải thoát thần thiêng của Thiên Chúa, ví dụ như: cột lửa sáng rực trong sa mạc để bảo vệ và đưa dẫn dân riêng của Chúa tiến về Đất Hứa; hay, lửa của tiên tri Elia đã đấu tranh cho sự thật Lời Chúa. Lửa cũng là hình ảnh của sự tinh luyện và thánh hóa: các tư tế dùng lửa để hiến tế lễ vật dâng lên Thiên Chúa. Lửa còn chính là dấu chỉ của Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần đến với các tông đồ trong ngày lễ Hiện Xuống dưới hình lưỡi lửa..

Như thế, ở đây, Chúa Giêsu không nói về ngọn lửa thiêu hủy, tiêu diệt, tàn phá, mà là ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa, ngọn lửa chiếu sáng, sưởi ấm, thanh luyện, thánh hóa, đốt cháy những gì xấu xa; ngọn lửa tình yêu thiêu đốt chính ngài và những ai muốn bước theo ngài. Ngọn lửà nhiệt tình thúc đẩy các môn đệ hoạt động, thiết lập Nước Thiên Chúa trên trái đất. 

Như thế, chúng ta dễ dàng hiểu được sự nôn nóng, khao khát của Chúa Giêsu muốn cho ngọn lửa tình yêu, thanh luyện, giải phóng và ban sự sống đó mau bùng cháy, lan tỏa khắp nơi. Và để thực hiện chương trình cứu độ hồng phúc nầy, phương tiện cần thiết được dùng lại là cuộc Khổ Nạn và cái chết thảm khốc trên thập giá của ngài, qua những đau khổ và máu đổ lai láng trong cuộc thương khó, qua phép Rửa của ngài.

Phép Rửa, theo nguyên nghĩa, chính là sự nhấn chìm trong nước. Chúa Giêsu biết rõ là ngài sẽ bị nhấn chìm trong đau khổ và chết chóc, như người chết đuối bị chìm trong làn sóng mênh mông. Trước khi lửa Thánh Thần làm cho thế giới năng động bằng chính năng lượng thần thiêng, trong ngày lễ Hiện Xuống, thì điều kiện tiên quyết cần phải có là, Chúa Giêsu sẽ bị nhận chìm trong cơn thử thách của cuộc Thương Khó; phải có một cuộc tắm máu trên thập giá, trước khi được đầy tràn Thánh Thần. Như thế, Chúa Giêsu đã trả một giá rất đắt cho việc cứu độ nhân loại, cho việc thiết lập Nước Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa là Nước hóa bình, hòa giải con người với Thiên Chúa, hòa giải giữa con người với nhau. Nước Thiên Chúa đụng phải sự đối kháng của sự dữ và những ý hướng xấu của con người. Tin Mừng Phúc Âm gieo rắc những tương phản và những nghịch cảnh không hợp lý theo nghĩa thông thường. Đấng Cứu Thế đến như người tôi tớ tầm thường, khiêm hạ. Ngài rao giảng tình yêu trên tất cả. Sự tha thứ, hy sinh và lòng khoan dung là biểu hiện của con cái Thiên Chúa. Lập trường đó, không phải ai ai cũng chấp nhận. Người theo, kẻ chống, gây nên sự chia rẽ.

Chia rẽ ngay trong bản thân, như thánh Phaolô đã có kinh nghiệm: có những điều lành muốn làm, lại không làm; có những điều xấu, không muốn làm, tôi lại làm. Chia rẽ trong gia đình, giữa cha con, chồng vợ, anh em với nhau do vấn đề tôn giáo... Chia rẽ trong thế giới, bây giờ cũng như trước kia; trong thời Chúa Giêsu, sứ điệp tình thương của ngài đã đem lại sự chống đối, đưa ngài đến cái chết. Trong thế giơi hôm nay cũng thế, những cuộc bách hại, đàn áp, khủng bố, gây khó khăn dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn luôn tiếp diễn khắp nơi.

Chúa Giêsu đến thế gian như men trong bột. Bao lâu men còn ẩn dấu, thì con người ở trong một sự bình an, yên tĩnh, thinh lặng như mặt nước tù ngưng đọng; nhưng khi men hành động, thì quả là một sự sinh sản, biến đổi. Mà con người không thể tránh gặp gỡ Thiên Chúa. Không thể tránh né. Chỉ có một sự lựa chọn: hoặc là chấp nhận Thiên Chúa thiêu đốt cuộc đời, bằng niềm vui lớn lao chan hòa đau khổ khi thấy con người kiêu ngạo, ích kỷ, tự mãn của mình tiêu tan, biến mất; hoặc là tìm đủ mọi cách để tránh né, dưới bình phong là ý ngay lành, hay thờ ơ, dửng dưng, không biết... đi vào chỗ hư vong.

Điều quan trọng là mỗi người phải thay đổi não trạng, thay đổi cái nhìn, thay đổi cách sống trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Sống trong thế gian, nhưng chúng ta phải theo một tinh thần khác, một lý tưởng khác: trở về với Chúa, hoán cải tâm hồn, đổi mới con tim, để đón nhận niềm vui, bình an và hạnh phúc trong Nước Chúa.

                                    

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com