Thứ Năm, 30 Tháng Sáu, 2022 00:00
Chúa Nhật XIV Quanh Năm C ( Lc 10, 1-12.17-20 ) năm 2022

Thống kê mới nhất cho biết, dân số trên thế giới hiện nay là khoảng 8 tỷ người. Trong số đó, những người tin vào Đức Kitô, gọi là Kitô hữu, chỉ vào khoảng 2 tỷ. Ở khắp nơi, người Kitô hữu chỉ là một thiểu số rất nhỏ, giữa một số rất đông những người chưa biết Chúa. Nếu hiểu cánh đồng thiêng liêng là toàn thể thế giới, thì Lời Chúa hôm nay chắc chắn không khỏi gây nên nơi chúng ta một bức xúc nhức nhối về sứ mạng truyền giáo được ban.

Phúc Âm cho biết, ngoài mười hai tông đồ, Chúa còn sai bảy mươi hai môn đệ đi trước dọn đường cho Chúa. Trong Kinh Thánh, bảy mươi hai là con số biểu tượng, có ý nói là tất cả, toàn thể. Như thế, Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta, không phải chỉ có các Giám mục và linh mục mới có trách nhiệm xây dựng Nước Thiên Chúa, mà là tất cả các kitô hữu. Mỗi người đều là tông đồ, được Chúa sai đi, góp phần loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho anh em. Mỗi người có một vai trò không thể thay thế được. Mỗi người phải ý thức trách nhiệm của mình trong Giáo Hội, trong việc mở mang Nước Trời. Cũng với cuộc sống đời thường, cũng với những công việc hằng ngày, nhưng họ phải từ bỏ sự thinh lặng thụ động, sự nhút nhát, nể nang, lười biếng... để làm việc cho Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, được sai đi, nhưng những người được chọn phải là những người tự do: tự do chấp nhận lời mời gọi ra đi, và tự do, không vướng bận bởi những lo lắng ưu tư trần tục, bởi những hành trang cồng kềnh, cản trở. Chúa muốn họ phải thanh thoát khỏi những trói buộc vật chất trần gian. Điều đó không có nghĩa là tuyệt đối không sử dụng những phương tiện nhân loại như tiền bạc, của cải, cơ cấu, tổ chức...nhưng hãy xem chúng như là những phương tiện, chứ không phải là nguồn mạch hay mục đích. Bởi vì, nguồn mạch thành đạt của sứ mạng tông đồ, chính là sức mạnh của Thiên Chúa và Thánh Thần; mục đích của sứ mạng, chính là vinh quang của Thiên Chúa, chứ không phải danh dự hào nhoáng của người môn đệ.

Đòi hỏi sự tự do của người môn đệ, Chúa cũng tôn trọng tự do của người được loan bào Tin Mừng. Tin Mừng cần phải được loan báo; còn chấp nhận hay từ chối là việc của người nghe. Vì thế, không nên chấp nhất những lời chỉ trích, không được bận tâm đến những thái độ dửng dưng, cũng đừng ngã lòng nản chí trước những thất bại. Chúa không bắt buộc người tông đồ phải thành công; Chúa chỉ cần những nỗ lực, những cố gắng làm tròn sứ mạng. Và như thế là đủ để được Chúa ghi tên trên trời.

Mùa màng thiêng liêng thì phì nhiêu, mênh mông, phong phú, đòi hỏi sự cộng tác của nhiều người, của mọi người; cho nên Chúa Giêsu xin các môn đệ hãy cầu nguyện, xin Chúa Cha sai đến nhiều chứng nhân khác. Cầu nguyện là nhiệm vụ chính yếu của người tông đồ; bởi vì, việc tông đồ là một công trình thiêng liêng, một ơn huê, chứ không phải là sự quảng cáo, tuyên truyền; nó không tùy thuộc ở các điều kiện nhân loại, hay ở tài năng riêng tư của chúng ta. Cầu nguyện cũng là để mở lòng ra trước chương trình của Thiên Chúa, và cũng để biểu tỏ sự sẵn sàng của mình trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Như vậy, cầu nguyện phải đi trước sứ mạng được trao phó. Cầu nguyện cũng là việc tông đồ nằm trong tầm tay của mọi người, kể cả những bệnh nhân, già cả, yếu liệt... Cầu nghuyện như thế cũng đã là loan báo Tin Mừng Phúc Âm.

Được sai đi, người tông đồ loan báo, trao ban bình an và niềm vui của Chúa cho mọi người. Làm việc thiện và đẩy lùi sự dữ là dấu chỉ của sự cộng tác với Thiên Chúa. Sống thoải mái, hạnh phúc là hình ảnh sống động của con cái Chúa. Để đạt được mục đích, cần phải có một thái độ, phong cách thích hợp. Không có bình an thì không thể có niềm vui, cũng không thể sống hạnh phúc. Làm sao có thể yêu đời và giúp người khác yêu mến cuộc đời khi mà khuôn mặt chúng ta lại hằn lên những nét buồn phiền ?- Làm sao có thể được yêu mến khi mà gương mặt chúng ta không có nét gì đáng yêu cả ?- Làm sao có thể sống mà không được yêu ?- Là sứ giả của hòa bình đòi chúng ta phải là những con người có sự bình an và sống hạnh phúc trước. Chúng ta chỉ có thể loan báo cho người khác sự bình an khi mà tâm hồn chúng ta thực sự có bình an. Làm thế nào có thể đem bình an cho người khác, khi cái nhìn và gương mặt chúng ta lại đầy những dấu ấn của bạo lực và gây hấn ?- Lám sao mời gọi người khác đến với niềm vui, khi mà chúng ta có những cái nhìn nghiêm khắc, cứng rắn, đóng kín và căng thẳng ?-

Thực ra, khi gởi gắm thao thức nầy cho các môn đệ, Chúa Giêsu cũng đã cho thấy trước một niềm vui lớn lao và một sự tin tưởng chắc chắn về kết quả của ơn cứu độ. Bởi vì ngài đã nói: Lúa chín đầy đồng, mà thiếu thợ gặt, chứ không nói: cánh đồng cần phải canh tác thì mênh mông. Như thế phải hiểu là, giống đã được gieo vãi, lúa đã mọc lên, hạt đã chín, chỉ còn chờ được thu hoạch mà thôi. Như thế, trước khi gặp gỡ Chúa Giêsu, nhân loại cũng đã có sẵn một tiềm năng lớn lao đáng kể hướng về Nước Trời. Chỉ cần có những tâm hồn thiện chí, càng nhiều càng tốt, sẳn sàng cộng tác với Chúa, để cho mùa gặt được nhanh chóng kết thúc một cách tốt đẹp.

Những suy nghĩ trên đây đặt mỗi người chúng ta trước một câu hỏi căn bản: Chúng ta đã đáp lại thế nào trước lời mời gọi của Thiên Chúa ?- Chúng ta đã sống thế nào để xứng đáng là sứ giả bình an, vui mừng và hy vọng của Thiên Chúa ?- Chúng ta đã làm gì để cộng tác với Chúa, đem ơn cứu độ hồng phúc của Chúa đến cho anh em chung quanh chúng ta ?-             

Hỏi tức là đã trả lời vậy.                               

 

 

 

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com