Thứ Ba, 14 Tháng Sáu, 2022 00:00
Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chuá C ( Lc 9, 11b-17 ) năm 2022

Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu trước kia được gọi là Lễ Của Thiên Chúa. Điều đó rất có ý nghĩa, bởi vì hôm nay chúng ta cử hành bí tích tình yêu của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Phép lạ biến bánh ra nhiều tỏ rõ tình yêu tràn đầy của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đó là một bữa ăn đặc biệt do việc biến bánh ra nhiều, nhưng cũng vì nó báo trước bữa tiệc ly biệt, bữa tiệc của Giao Ước Mới, trong đó Chúa Giêsu đã tự hiến mình qua bánh và rượu, thành của ăn thức uống, thành Mình và Máu Thánh Chúa.

Thực vậy, không phải tình cờ mà Chúa Giêsu đã chọn bánh và rượu nho làm dấu chỉ Giao Ước của Thiên Chúa với con người. Bởi vì đó là dấu chỉ của sự thỏa thuê, sung túc, hạnh phúc, trong các nền văn hóa của chúng ta.-- Tại tiệc cưới Cana, khi biến nước thành rượu ngon, Chúa Giêsu đã chứng tỏ là, ngài có thể biến đổi một bản thể sự vật thành một thứ khác, và như vậy, có thể biến đổi bánh rượu thành Mình Máu thánh ngài.-- Với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã nuôi hơn năm ngàn người được no nê, và còn dư mười hai thúng đầy. Như thế, ngài chuẩn bị cho các môn đệ việc thiết lập tiệc Thánh Thể: cho tới ngày tận thế, ở khắp mọi nơi, Mình Thánh ngài sẽ được nhân rộng ra để nuôi dưỡng sự sống Thiên Chúa trong các tâm hồn; bởi vì, ngay ngày hôm sau, Chúa Giêsu đã loan báo, ngài là bánh ban sự sống đời đời, và ngài sẽ ban Mình Máu ngài làm lương thực bổ dưỡng con người.

Chúng ta biết rằng, dấu chỉ đầu tiên chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương chúng ta, chính là ban cho chúng ta sự sống và tất cả những gì cần thiết để bảo tồn sự sống đó mỗi ngày. Chúng ta sống thực sự, bởi vì Thiên Chúa đã đặt sẵn trước mắt chúng ta một bàn ăn rộng lớn mênh mông: khí trời, nước, áp suất không khí, mặt trời, muông thú.vv..nếu thiếu những yếu tố đó, thì chúng ta sẽ khó lòng tồn tại. Công trình sáng tạo là một lễ hội lớn đối với Thiên Chúa. Hàng tỷ tỷ sinh vật, lớn bé, được nuôi nấng từng giây phút một. Vì thế, khi Chúa Giêsu dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha: ‘’ Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày... ‘’ thì điều đó có nghĩa là, chúng ta cầu xin Chúa Cha tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống.

Và, bởi vì muốn yêu thương chúng ta đến cùng, Thiên Chúa đã quyết định một lễ hội mới, một cuộc sống mới. Cơm bánh và rượu, dù cho có kỳ diệu cách mấy để nuôi dưỡng cuộc sống con người, cũng không thể làm cho con người khỏi chết. Vì thế, Thiên Chúa đã mơ đến một ‘’ Giao Ước mới ‘’, trong đó ngài ban cho chúng ta sự sống riêng của ngài, sự sống của Thiên Chúa. ‘’ Nhập Thể làm người ‘’ là cả một cuộc phiêu lưu mạo hiểm Ngôi Hai Thiên Chúa, của Chúa Giêsu. Trong thân thể ngài, trong từng thớ thịt đường gân, sự sống Thiên Chúa trào dâng, tuôn chảy. Ăn và uống Mình Máu Chúa Giêsu sẽ làm phát sinh một sự chuyển đổi mầu nhiệm nơi người lãnh nhận.

Một biểu tượng tình yêu hôn nhân thời xa xưa, tại Roma, có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào sự chuyển đổi mầu nhiệm nầy: đôi bạn sắp kết hôn nhẹ nhàng cắt mạch máu ở bàn tay, áp sát lại, máu của hai người cùng ký giao ước hôn nhân hoà lẫn vào nhau, nói lên sự kết hợp mật thiết thân tình. Nghi thức nầy có thể giúp chúng ta nắm bắt được ý hướng của Chúa Giêsu khi trao ban Mình Máu ngài cho chúng ta. Chính Chúa Kitô phục sinh, hằng sống, trao ban chính mình để nuôi dưỡng sự sống đời đời trong chúng ta. Sống đời đời, có nghĩa là sống hạnh phúc trọn vẹn, đầy tràn và vô tận. Đấng Hằng Sống thông chuyển cuộc sống của ngài cho con người.

Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và nhân loại được ký kết trong máu Đức Kitô, tuôn chảy ra trên núi Sọ, để cứu độ mọi người. Chúa Giêsu muốn hiến tế nầy được hiện diện khắp mọi thời, khắp mọi nơi, để tất cả mọi người đều có thể được hưởng nhờ hồng ân cao quý đó, nên ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể. Thánh lễ tiếp nối lễ hy sinh trên thập giá. Qua thánh lễ, Thiên Chúa thông ban ơn phúc, sự sống và tình yêu của ngài cho nhân loại. Bởi vì, trong thánh lễ, chính Chúa Giêsu dâng mình cho Chúa Cha, chính Chúa Giêsu là lễ vật được hiến tế, nhưng không đổ máu, và cũng chính Chúa Giêsu là bàn thờ dâng hiến.

Cũng giống như trong phép lạ biến bánh ra nhiều, năm chiếc bánh và hai con cá là phần đóng góp cần thiết. Cũng vậy, Chúa Giêsu có thể nuôi chúng ta một cách dư dật, nhưng ngài cần đến phần đóng góp, dù rất bé nhỏ của chúng ta, để phân phát cho người khác: đó là những cố gắng, nỗ lực, hy sinh của chúng ta trong cuộc sống. Trong thánh lễ, cũng giống như vài giọt nước hòa tan trong chén rượu nho, chúng ta cũng phải góp phần bé nhỏ của chúng ta là những vui buồn, may mắn hay xui rủi, thành công hay thất bại, hợp với lễ hy sinh của Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha; xin ngài đoái nhận, thánh hóa và ban ơn phúc cho chúng ta. Chúng ta cũng phải rước lấy Mình Máu thánh ngài để được kết hợp mật thiết với ngài hơn, để được biến đổi nên giống ngài hơn.

Đồng thời, cùng với Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta cũng được nuôi dưỡng bằng chính Lời Chúa. Như chúng ta đã biết, trước khi biến bành hóa ra nhiều, Chúa Giêsu đã giảng rất nhiều về Nước Thiên Chúa; ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể sau khi nhắn nhủ những lời rất xúc động về tình yêu thương. Cũng vậy, phần đầu thánh lễ được dành riêng cho việc loan báo Lời Chúa; chúng ta hãy sung sướng, chú ý lắng nghe, và sống Lời Ngài, bởi vì, đó cũng là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta.

Sau cùng, sau khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta phải biết sống thế nào cho xứng đáng với những ơn huệ mà Chúa trao ban. Bởi vì, thánh lễ là một bữa ăn huynh đệ, hiệp nhất và chia sẻ. Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa, sức sống và tình yêu của Chúa, ơn cứu độ và hạnh phúc viên mãn được lãnh nhận cần phải đươc chia sẻ và trao ban cho người khác. Điều đó đòi chúng ta phải tự vấn lương tâm về đời sống bác ái yêu thương đối với anh em chung quanh chúng ta, với những người thân yêu trong gia đình, với những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com