Chúa Giêsu không bao giờ nói về Thiên Chúa Ba Ngôi, càng không nói gì về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính những người tín hữu rất mực trực giác và đạo đức đã tạo ra từ ngữ nầy. Thế nhưng trong Phúc Âm, ngài không ngừng nói với chúng ta về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn như:
- Vào lúc mười hai tuổi, khi Đức Maria và thánh Giuse tìm thấy ngài sau ba ngày lạc mất tại Giêrusalem, ngài đã nói: ‘’ Cha mẹ không biết là con phải làm công việc của Cha con sao ?-’’. Rồi trên thánh giá, lời sau cùng ngài nói với Chúa Cha: ‘’ Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha ‘’. Ngoài ra, ở rất nhiều chỗ khác, ngài cũng thường nhắc nhở, tỏ cho các môn đồ biết Cha trên trời. Đặc biệt, có hai lần Chúa Cha đã tỏ rõ sự ưu ái với Chúa Giêsu: một lần sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan, ngài phán: ‘’ Đây là Con ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng ‘’; lần khác, khi Chúa Giêsu biến hình trên núi cao, trước cuộc khổ nạn, ngài phán: ‘’ Đây là Con ta yêu dấu, hãy nghe lời ngài ‘’.
- Còn về Chúa Thánh Thần, thì vào lúc từ biệt các người thân yêu để trở về với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói ‘’ ngài sẽ sai Chúa Thánh Thần đến từ Chúa Cha ‘’, Chúa Thánh Thần ‘’ sẽ dạy các tông đồ tất cả mọi sự ‘’, ‘’ ngài sẽ ở lại với các tông đồ ‘’. Chúa Thánh Thần sẽ là ‘’ Đấng an ủi ‘’, ‘’ Đấng bênh vực ‘’, ‘’ Đấng bảo vệ ‘’ các ông. Ngài sẽ ban cho các ông sự thông biết, ‘’ sẽ đưa dẫn các ông về chân lý toàn vẹn ‘’.
Khi hứa ban Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu kêu mời hãy chờ đợi trong sự cầu nguyện. Sự chờ đợi nầy được kết thúc vào buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống với một luồng gió mạnh, rải rác đậu trên từng người dưới hình ‘’ lưỡi lửa ‘’: lúc đó, Giáo Hội của Chúa Giêsu đã ra đời trước mặt mọi người. Nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, tất cả mọi người được rửa tội đều thông phần vào đời sống Thiên Chúa và Đức Kitô của ngài. Tất cả mọi người được rửa tội đều được thông công, hiệp thông một cách mầu nhiệm với Thiên Chúa duy nhất ( Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ).
Như thế, thái độ và lời nói của Chúa Giêsu cho chúng ta cảm nghiệm được một sự tương giao thường xuyên của ‘’ ba ngôi vị ‘’ vừa hoàn toàn riêng biệt, nhưng lại vừa kết hợp một cách rất thân mật. Mối liên kết dựa trên tình yêu nguyên thủy được đáp trả bằng chính tình yêu hỗ tương trọn vẹn, làm phát sinh hoa trái tình yêu. Tình yêu ấy được thể hiện qua việc tạo dựng vạn vật vũ trụ của Thiên Chúa Cha, qua công trình cứu chuộc của Chúa Con, và qua sự dìu dắt Giáo Hội trên đường lữ thứ trần gian của Chúa Thánh Thần. Nơi chúng ta, Chúa Cha ban lương thực hằng ngày và luôn tha thứ những xúc phạm lỗi lầm; nơi chúng ta, Chúa Con tự hạ làm đầy tớ, rửa chân cho các môn đệ, không nhân nhượng trước những bất công, nhưng luôn luôn động lòng trắc ẩn đối với tội nhân; nơi chúng ta, Chúa Thánh Thần gìn giữ ngọn lửa Phúc Âm luôn rực sáng cho hết mọi người.
Chúng ta hãy dùng hình ảnh một mái ấm gia đình để có thể hiểu phần nào mối liên kết tình yêu độc đáo nầy: đôi thanh niên nam nữ yêu nhau tha thiết, kết hợp thành một tổ ấm. Cả hai ước muốn trở nên một. Nhưng, họ vẫn luôn luôn là hai, và đôi khi lại ở xa nhau. Thế rồi, họ cho ra đời một đứa con. Đứa bé nầy, chính là nàng hoàn toàn, và cũng chính là chàng trọn vẹn. Đứa bé nầy, chính là tình yêu của cả hai người đã thực sự trở nên ‘’ một ‘’. Họ là hai. Họ muốn trở nên một. Và bây giờ họ thấy mình là ba, nhưng lại hiệp nhất hơn trước, trong hoa trái của tình yêu. Tình yêu đã làm cho họ vừa là ba, vừa là một.
Câu hỏi đặt ra là, biết được Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị luôn luôn hiện diện nơi chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần có ích lợi gì cho chúng ta không ?-
Xin thưa, chúng ta đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có nghiã là, nhờ tình yêu, chúng ta là những tạo vật, những con người hiệp nhất, thông công, và yêu thương. Được tạo dựng do tình yêu, theo khuôn mẫu của tình yêu, chúng ta phải cố gắng nỗ lực sống, thể hiện và trở thành tình yêu cho anh em chung quanh chúng ta. Thánh Gioan đã nói: ‘’ Kẻ nào không yêu mến, thì không biết Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu ‘’. Khi nào những mối liên lạc của chúng ta thực sự được phát xuất từ tình yêu, thì bấy giờ Thiên Chúa hiện diện một cách mầu nhiệm nơi chúng ta.
Chẳng hạn như khi người cha, người mẹ làm việc vất vả khó nhọc để bảo đảm tương lai cho con cái; khi đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết và kính trọng nhau thật lòng; khi anh chị em hay bạn bè xích mích, giận ghét nhau, nay tìm ra được những lời lẽ hàn gắn những vết thương đau; khi chúng ta biết nhường nhịn người khác; khi chúng ta vui mừng nhìn thấy người khác nhận được điều may mắn; khi chúng ta đón nhận cuộc sống như là quà tặng của Thiên Chuá, khi chúng ta biết làm cho người khác hoà thuận với nhau; khi chúng ta là những người kiến tạo hoà bình và hiệp nhất; khi chúng ta biết chia sẻ chân lý được tìm thấy cho những người đang hoài nghi; khi chúng ta biết trao cho nhau những nụ cười tươi tắn, những cái bắt tay thân mật thật lòng, khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa như là Cha và người khác như là anh em bằng những việc làm cụ thể... thì lúc đó chúng ta thực sự là hình ảnh củaThiên Chúa Ba Ngôi.
Nói khác đi, qua chúng ta, Chúa Cha có thể tỏ ra sự âu yếm phụ tử, Chúa Con tỏ mình ra bằng sự phục vụ, và Chúa Thánh Thần biểu lộ bằng ngọn lửa tâm hồn. Lửa tâm hồn, ý muốn phục vụ và tình âu yếm: đó là điều chúng ta cùng cầu xin cho chúng ta, trong thánh lễ nầy, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.