Thứ Năm, 21 Tháng Bảy, 2022 00:00
Chúa Nhật XVII Quanh Năm C ( Lc 11, 1-13 ) năm 2022

Chúa Giêsu luôn luôn cầu nguyện. Ngài dạy và khuyến khích các môn đệ cầu nguyện. Cầu nguyện là một trong những sinh hoạt chính yếu của đời sống Kitô giáo. Thế nhưng ngày nay, trong một thế giới tiến bộ vượt bực về khoa học kỹ thuật, việc cầu nguyện đang gặp khủng hoảng. Người ta chỉ trích, chê bai việc cầu nguyện, vì cho rằng: - Cầu nguyện là trốn tránh trách nhiệm, đáng lẽ phải xắn tay áo làm việc, thì lại đòi hỏi Thiên Chúa làm thay cho mình. Cầu nguyện là một thái độ ma thuật ấu trỉ thời sơ khai, là mê tín dị đoan, không biết đến những qui luật chính xác, chặt chẽ của thiên nhiên: tại sao lại cầu xin trời mưa khi đã biết chắc chắn là khí tượng rất đẹp ?- Cầu xin là một sự vong thân, tha hoá, đánh giá thấp con người...

Trước tình trạng đó, chúng ta phải hiểu thế nào ?-

Kinh nghiệm cho thấy, hầu như ai ai cũng có lúc phải cầu nguyện; tất cả các tôn giáo đều biết đến cầu nguyện, cầu xin. Con người rất thường quay về với Thượng đế khi thấy thiếu thốn, gặp nguy hiểm, hay khó khăn. Chẳng hạn như tại Ai Cập, kiếp sống nô lệ và lao động khổ sai đã thúc đẩy người Do Thái kêu cầu lên Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, khi vừa thấy một nguy hiểm quan trọng đe dọa đất nước Israel, thì người ta ăn chay, cầu nguyện, cầu xin Thiên Chúa ban cho khả năng chiến thắng.

Chúng ta cũng vậy. Bệnh tật, chiến tranh, một tai họa, hay cần phải thành công trong một kỳ thi.. tất cả đều có thể khiến chúng ta có một thái độ đạo đức sốt sắng bất thường. Gần giống như là các em bé, lời cầu nguyện của chúng ta lúc bấy giờ là một đòi hỏi, yêu sách, thậm chí đôi khi chúng ta đe dọa sẽ bỏ Chúa, không tin Chúa nữa, nếu ngài không nhậm lời chúng ta.

Đó là cách cầu nguyện của dân ngoại. Người dân ngoại cũng là người tin có trời đất, có tôn giáo. Nhưng đối với họ, Thiên Chúa trước hết chỉ là một người cung phụng; ngài là Đấng toàn năng có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề cho tín đồ. Đối với người dân ngoại, điều quan trọng không phải là Thiên Chúa, mà là những giải đáp thỏa đáng của những vấn đề, nhưng khó khăn của họ, được đặt ra cho ngài.

Còn đối với người Kitô hữu, Thiên Chúa có một chiều kích khác. Ở đây, không phải là nhu cầu của con người, mà là thánh ý Thiên Chúa cần phải được thực hiện. Vai trò của con người rõ ràng là đón nhận lời Thiên Chúa, lắng nghe và thuận theo thánh ý ngài. Chẳng hạn như, Thiên Chúa đã mời gọi Abraham: ‘’ Hãy lìa bỏ quê hương ngươi, và đi đến xứ mà Ta sẽ chỉ cho ngươi ‘’. Abraham đã làm theo lời đề nghị của Thiên Chúa. Như thế, Thiên Chúa không còn được kêu cầu để phục vụ con người, mà trái lại, con người tìm phụng sự, tuân theo thánh ý Thiên Chúa.

Abraham, là cha của các kẻ có lòng tin, đã dâng lên Thiên Chúa một lời cầu nguyện, một lời nài nỉ van lơn cho dân thành Sodoma đang sắp lãnh nhận cơn thịnh nộ tiêu diệt của Thiên Chúa, vì quá tội lỗi : ‘’Nếu trong thành Sodoma có năm mươi người công chính, rồi bốn mươi lăm, bốn mươi, ba mươi, hai mươi, hay chỉ có mười thôi, thì xin Chúa cũng đừng thiêu hủy cả thành’’. Rõ ràng lời cầu nguyện nầy không giống với lời cầu nguyện của dân ngoại. Bí quyết nầy, chính Chúa Giêsu sẽ chỉ cho các môn đệ khi ngài dạy các ông cầu nguyện với kinh Lạy Cha.

Sự khác biệt nằm ở chỗ, lời cầu nguyện của người Kitô hữu luôn luôn bắt đầu bằng Thiên Chúa, chứ không bao giờ bắt đầu bằng chính chúng ta và những nhu cầu của chúng ta. Gọi Thiên Chúa là Cha, tức là nhìn nhận ngài hiện hữu thực sự như người cha của mọi kẻ sinh ra trên đời. Gọi Thiên Chúa là Cha, thì điều đó có nghĩa là, chúng ta không bao giờ để đức tin tùy thuộc vào việc được nhậm lời hay không. Khi thưa với ngài: ‘’xin cho ý Cha được thể hiện’’, thì điều đó cũng có nghĩa là, cả khi không thấy được nhậm lời như chúng ta mong muốn, thì chúng ta cũng chắc chắn rằng, ngài luôn luôn muốn ban điều tốt đẹp nhất cho chúng ta, và trong rất nhiều trường hợp, có thể chúng ta không biết rõ điều chúng ta cầu xin là tốt, hay xấu. Ví dụ như, nếu một đứa bé đòi vuốt ve con rắn độc, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ đồng ý, bởi vì chúng ta biết rõ cái nguy hiểm mà nó không biết.                                         

Do đó, lời cầu nguyện của người Kitô hữu luôn luôn được khởi đầu bằng lời tạ ơn, vì biết rõ Thiên Chúa là Cha, hằng yêu thương và ban mọi ơn lành cho con người, trong khi người dân ngoại chỉ nói cám ơn khi nào thấy mình được nhậm lời mà thôi.

Trong cuộc sống hằng ngày, thường chúng ta chỉ biết cầu xin. Cầu nguyện chỉ là để cầu xin. Dĩ nhiên, cầu xin không phải là xấu, bởi vì cầu xin hàm ý nhìn nhận tất cả đều tùy thuộc Thiên Chúa. Và Thiên Chúa chắc chắn sẽ nhậm lời, nếu điều đó không làm chúng ta xa cách Chúa, không làm hại chúng ta. Hơn nữa, cần phải cầu xin, bởi vì Thiên Chúa không hoang phí những ơn huệ quý báu của ngài cho những người không mong muốn, ước ao, hay chỉ xin một cách chiếu lệ, lơ là, không tha thiết. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng, ngài không hứa là sẽ ban cho chúng ta tất cả những của cải đời nầy theo như chúng ta yêu cầu, mà chỉ hứa ban những của cải đích thực, của cải thiêng liêng, là chính Chúa Thánh Thần, là tình yêu của ngài..

Với kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện đưa dẫn chúng ta vào mối liên hệ thân tình với Thiên Chúa, uốn nắn chúng ta thành hình ảnh của người Con duy nhất của ngài, chia sẻ cho chúng ta những tình cảm nối kết Chúa Giêsu với Cha ngài.. Lời cầu nguyện nầy khơi dậy nơi chúng ta cũng chính lòng yêu mến danh thánh Chúa, mong muốn cho Nước Chúa mau lan rộng trong các tâm hồn. Đồng thời cũng tỏ cho biết những điều tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa muốn trao ban cho con cài loài người. Lương thực hằng ngày là tất cả những gì cần thiết cho thân xác và linh hồn, cho đời sống vật chất và thiêng liêng mà nhiều khi chúng ta thờ ơ quên lãng, nhất là ơn tha thứ tội lỗi, tránh xa và đủ sức vượt qua các cơn cám dỗ,.

Ngóài ra, lời cầu nguyện đích thực luôn luôn có tính cách vị tha, liên đới với người khác. Abraham không cầu xin cho chính mình, mà là cầu xin cho cả dân thành Sodoma đang bị đe dọa tiêu diệt. Kẻ quấy rầy trong dụ ngôn không vay mượn bánh cho mình, mà là cho người bạn lỡ đường. Chúa Giêsu dạy chúng ta thưa: ‘’ Lạy Cha chúng con’’, chứ không: ‘’ lạy Cha của riêng con’’, ‘’ Xin cho chúng con’’, chứ không: ‘’ xin cho riêng mình con ‘’...

Như thế, một khi đã vững tin vào Thiên Chúa là Cha toàn năng, thì cầu nguyện chính là tâm tình yêu mến, tạ ơn, tin cậy và phó thác vào tình phụ tử bao la không bờ bến. Hiểu được bí quyết đó, chúng ta sẽ vững tin vào lòng quảng đại của Chúa, nghĩa là, khi cầu xin, chúng ta chắc chắn sẽ được nhậm lời, sẽ được lãnh nhận tình yêu Thiên Chúa, lãnh nhận chính Thiên Chúa, lãnh nhận hạnh phúc muôn đời trong Nước Chúa.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com