Phúc Âm kể lại câu chuyện một người bị bọn cướp tấn công, trấn lột, đánh nhừ tử và để nửa sống nửa chết, ngay tại chỗ, bên vệ đường, lại được một người khách qua đường săn sóc như thế nào… Từ những gì có thể xem như chuyện rao vặt, câu chuyện trở thành Tin Mừng cần phải sống. Cho mọi người, cách đặc biệt cho người kitô hữu chúng ta.
Đó là một người Samariatanô. Một người dân ngoại, đối với người Do Thái, lại là một gương mẫu của tình yêu và lòng thương xót.
Trong khi đó, thầy tư tế và trợ sĩ của dụ ngôn không có một vai trò tốt đẹp. Những tu sĩ này vội vàng và bận rộn bởi những luật lệ về sự tinh sạch trở nên thủ phạm của điều mà ngày nay gọi là « không cứu giúp người đang gặp nguy hiểm ».
Còn người Samaritanô, lại xa lạ với những tính toán này. Ông ta dừng lại, mở rộng lòng ra, săn sóc, di chuyển người bị nạn đến quán trọ, và chi cấp không tính toán cho những nhu cầu cấp bách của nạn nhân. Chính ông ta, bị coi như là không tuân theo Lề Luật về sự ô uế khi tiếp xúc với người bị coi như là đã chết, lại là người thực hành thực sự Lề Luật Yêu Thương một cách triệt để.
Sự đảo ngược hoàn cảnh này chất vấn chúng ta. Những cái cớ thoái thác nào, những lý lẽ tốt đẹp nào và dưới những bình phong đạo đức nào mà đôi khi chúng ta viện dẫn ra để tránh qua một bên, rồi tiếp tục con đường chúng ta, và miễn trừ cho chúng ta thực hiện lòng nhân ái huynh đệ Phúc Âm ?- Chúng ta bị xốc khi nhìn thấy một tư tế và một thầy trợ sĩ xử sự một cách vô cảm như thế. Những người vô tín ngưỡng nghĩ gì về những người kitô hữu thực hành đôi khi quá ít sự cứu giúp cần thiết này ?-
Người anh em thực sự. “ Ai là anh em tôi ?-“, vị tiến sĩ luật đã hỏi Chúa Giêsu như thế. Trong cái đầu óc chuyên môn về sự biện luận tinh tế của mình, chắc chắn ông ta hy vọng rằng, Vị Thầy đáng kính này sẽ thiết lập cho ông một phẩm trật đúng thể thức giữa những người gần gũi cần phải giúp đỡ và những người xa lạ không cần biết, và không cần thiết phải cứu giúp.
Điều gây ngạc nhiên là, Chúa Giêsu đảo ngược hoàn toàn câu hỏi. Người anh em, chính là người mà tôi trở thành trong hành động, người mà tôi đến gần gũi, cho dù họ là ai, và cho dù cái khoảng cách của anh ta có xa như thế nào đi nữa.
Thử hỏi, trong đời của tôi, tôi gần gũi với ai ?- Gần gũi với những người thân là những người mà tôi có trao ban những gì tốt đẹp nhất của tôi ?- Gần gũi với những người mà tôi cùng làm việc với họ, và tôi cố gắng kính trọng và giúp đỡ họ ?- Gần gũi với những người bị thương tổn trong cuộc sống, những bệnh nhân, những người sa sút tinh thần, những người bị cô lập và những người tuyệt vọng ?- Tôi có phải là người anh em tốt với những người chung quanh không ?-
Gương mặt của Chúa Giêsu. Dụ ngôn gây ngạc nhiên và quấy rầy này nói với chúng ta về Chúa Giêsu hai cách :
Trước hết, ngài chính là con người rơi vào tay những tên trộm cướp trong cuộc Thương Khó đau thương và cái chết thảm khốc của ngài.
Thứ đến, lòng thuơng xót của người Samariatanô là mẫu mực cho đến nỗi, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội đã nhìn nơi ông ta là hình ảnh của Đức Kitô cúi xuống nhân loại bị thương tổn và trao ban chính mình một cách không tính toán, để cứu độ và đem lại cho họ hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn trong Vương Quốc Tình Yêu của ngài.
Và, Chúa Giêsu mời gọi vị tiến sĩ luật :“ Và anh, anh hãy đi và làm như thế, thì anh sẽ được sự sống đời đời !”
Hôm nay, Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta : hãy đi và làm như thế, để được hưởng hạnh phúc với ngài.