Thứ Năm, 25 Tháng Tám, 2022 00:00
Chúa Nhật XXII Quanh Năm C ( Lc 14, 1. 7-14 ) năm 2022


Những người biệt phái kiêu ngạo, cho mình có quyền ăn trên ngồi trước ở khắp mọi nơi: trong hội đường, những nơi công cộng, và cả trong Nước Trời.

Nhân dịp được một thủ lãnh biệt phái mời dùng bữa, nhìn thấy thái độ hợm mình, háo danh của họ, Chúa Giêsu lên tiếng nhắc nhở về sự khiêm nhường, tránh kiêu căng, để có thể đón nhận ơn cứu độ muôn đời.

Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, khiêm nhường rất gần gũi với ‘’nghèo hèn và hiền lành’’. Đó là một tình trạng, một thái độ, một nếp sống, trước khi trở thành một đức tính luân lý.

Thực ra rất khó mà định nghĩa sự khiêm nhường. Một cách đơn giản, chúng ta chỉ có thể hiểu là, người khiêm nhường không tìm kiếm bất cứ điều gì cho chính mình. Họ không tự đặt mình vào chỗ cao trọng cho người ta thấy, cho người ta để ý, cho được trọng vọng. Họ cũng không tính toán xem phải mời ai để còn được mời lại. Họ chọn chỗ cuối hết, không phải để được đánh giá là khiêm nhường, và nếu được mời lên chỗ cao hơn, thì điều đó không làm cho họ vui mừng, mà chỉ như là bằng chứng lòng khoan dung của chủ nhân mà thôi.

Người khiêm nhường ý thức về sự bé mọn của mình trước mặt Thiên Chúa. Nhìn nhận sự thật về chính mình, họ để Chúa săn sóc mình, để Chúa toàn quyền đánh giá mình. Họ không coi mình là quan trọng, bởi vì họ không tha thiết gì về thứ bậc của họ giữa loài người. Họ kinh ngạc thán phục trước những ơn lành được trao ban. Tôn trọng vinh quang cao cả Thiên Chúa, họ nhìn nhận chính Thiên Chúa mới là tác giả của việc đánh giá đích thực, nâng lên cao hay hạ xuống thấp. Vì thế, Thiên Chúa yêu thương người khiêm nhường, chăm lo, săn sóc và nâng họ lên cao. Đức Maria tự nhận mình là tôi tớ hèn mọn của Thiên Chúa, cho nên đã được tôn phong là người diễm phúc. Chúa Giêsu đã chọn lấy chỗ cuối hết. Con đường ngài đi chính là con đường khiêm nhường và tự hạ, và vì thế, ngài đã được vinh thăng.

Nên nhớ rằng, khiêm nhường không có nghĩa là nhút nhát, lười biếng, lẩn tránh trước khó khăn. Bằng chứng Chúa Giêsu luôn luôn khiêm nhường; tuy nhiên, ngài rất mạnh mẽ, cương quyết và quảng đại trên con đường yêu thương.                    

Bài học khiêm nhường, phải chăng cũng rất cần thiết cho chúng ta ?- Bởi vì trong cuộc sống, tính kiêu căng tự phu, tự cho mình hơn người, coi thường người khác cũng rất thường thấy nơi mỗi người chúng ta.

Khi tự đánh giá mình quá cao, chúng ta sẽ che dấu những khuyết điểm và phóng đại những ưu điểm của chúng ta. Giống như dụ ngôn người biệt phái cùng cầu nguyện trong Đền Thờ với người thu thuế, chúng ta luôn nhìn thấy những khuyết điểm của người khác, mà không thấy những thiếu sót của mình. Những yếu đuối, những khuynh hướng xấu, những tội lỗi, như nói dối, khinh người, ích kỷ, ghen tương, hận thù, giận hờn, đầu óc thống trị, khoe khoang, phô trương... tất cả đều có nguồn gốc từ tình kiêu ngạo, mà đáng lẽ ra, tất cả những thứ đó cũng đủ giúp chúng ta tự hạ, cũng đủ làm cho chúng ta hiểu là, chúng ta không có gì mà hãnh diện, khoe khoang.

Thiếu đức tin và thiếu tinh thần vâng lời cũng phát xuất từ tính kiêu ngạo. Chính tính kiêu ngạo thúc đẩy chúng ta muốn thấu hiểu hết mọi sự, kể cả Thiên Chúa, làm cho chúng ta nghi ngờ Lời Chúa. Nó thúc đẩy chúng ta phê bình chỉ trích tât cả, kể cả lời giáo huấn của Chúa và Giáo Hội ngài.

Chắc chắn là chúng ta không phải chỉ có những khuyết điểm mà thôi. Không ai chối cải là chúng ta cũng có một số những tính tốt. Thế nhưng, tính kiêu ngạo lại phóng đại những đức tính đó lên.

Đàng khác, thử hỏi, ai đã trao ban cho chúng ta những đức tính đó, nếu không phải là Thiên Chúa. Không có Chúa chúng ta sẽ không là gì cả. Tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa. Vì thế, phải luôn luôn cảm ơn ngài; đó mới là hợp lý và phải lẽ. Ngược lại, nếu nghĩ rằng, những đức tính tốt, những tài năng đang có là do công lao của mình, chứ không phải là ơn huệ của Thiên Chúa, là qua mặt Chúa, là làm sỉ nhục Thiên Chúa.

Hơn nữa, cũng nên nhớ rằng, nếu tất cả những ơn huệ đều phát xuất từ Thiên Chúa, thì chúng ta có bổn phận phải làm tăng giá trị chúng lên. Hãy nhớ dụ ngôn về những nén bạc được Chúa trao ban. Chúng ta cần phải làm sinh hoa kết quả, đem lại ích lợi cho chúng ta và cho anh em chúng ta. Bởi vì, chúng ta còn phải tình sổ trước mặt Chúa về cách quản ly, xử dụng những ơn huệ đó của chúng ta: ‘’ Ai đã được  cho nhiều,thì sẽ bị đòi hỏi nhiều’’

Lời Chúa trên đây về sự khiêm nhường, tự hạ để được thương yêu, cứu thoát, không phải chỉ đơn thuần là một cử chỉ lịch sự, một cách đắc nhân tâm, mà là một lối sống, một điều kiện tiên quyết, cấn phải có, để xứng đáng đón nhận lòng thương xót Chúa, xứng đáng hưởng ơn cứu độ muôn đời của Chúa.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com