Dụ ngôn này rất quen thuộc. Nó không dạy chúng ta điều gì mới mẻ, nhưng nhắc nhớ chúng ta một vài chân lý rất thường dễ quên.
Thứ nhất, đó là một người Samaritanô. Mười người đến van xin được chữa bệnh, đều được lành bệnh. Thế nhưng sau khi được chữa bệnh, chín người trong nhóm tiếp tục con đường đến trình diện với các thầy tư tế, như Chúa Giêsu đã yêu cầu. Chỉ có một người quay lại với Chúa Giêsu ngay lập tức. Anh ta tin rằng, cám ơn thì quan trọng hơn là đến gặp các tư tế ngay tức khắc.
Mà người này lại là người Samaritanô. Đây không phải là một chi tiết không đáng quan tâm, mà là một ý muốn chắc chắn nhằm nhấn mạnh sự kiện: Chúa Giêsu đã không đến chỉ cho các đồng bào của ngài mà thôi. Sứ mạng của ngài bắt đầu nơi những thành phần dân tộc của ngài, nhưng nó phải được triển nở nơi tất cả những người cư ngụ trên trái đất. Nó có tính phổ quát.
Thứ hai là biết tạ ơn. Người Samaritanô trở lại với Chúa Giêsu “ đang khi ca ngợi Thiên Chúa”. Anh ta “ sụp lạy trước mặt Chúa Giêsu trong khi tạ ơn ngài.” Chúng ta cảm thấy được sự hồn nhiên trong con đường của anh ta. Đó chính là tận thẩm sâu con người của anh ta để anh ta nói. Con người này ngỡ ngàng trước những gì xảy đến cho anh ta. Chúa Giêsu không mắc nợ anh ta gì cả. Lòng quảng đại của ngài làm thay đổi anh ta hoàn toàn. Anh ta không thể không nói lên điều đó.
Chúa Giêsu không thể không lưu ý. Ngài không thể không nhấn mạnh là người quay trở lại để đến cám ơn ngài là một người ngoại quốc,người nước ngoài, người dân ngoại. Những đồng bào của ngài thì cứ đi theo con đường của mình. Có thể về sau họ sẽ tạ ơn ngài. Phúc Âm không xác định rõ điều đó.
Thật khó mà nói biến cố này không chất vấn chúng ta về cách thế mà chúng ta đối xử với Thiên Chúa. Để tạ ơn ngài, để cám ơn ngài tự tận thẩm sâu tâm hồn, phải ý thức những gì mà chúng ta lãnh nhận từ nơi ngài và phải biết đánh giá nó.
Thử hỏi chúng ta có thể kể ra những gì mà chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa mỗi ngày không ?- Thử hỏi đôi khi chúng ta có như những người mù lòa, những con người quá quen với những ơn lành của Thiên Chúa đến nỗi hầu như không chú ý đến chúng, đến nỗi hầu như không nhìn thấy chúng nữa. Sự sống được gìn giữ cho chúng ta, sức khỏe mà chúng ta đang có; đức tin được trao ban cho chúng ta, sự hiểu biết Đức Kitô, Lời Chúa soi sáng chúng ta, bí tích Thánh Thể giúp chúng ta thông hiệp vào sự sống của Đấng Phục Sinh, Thánh Thần ngự trong chúng ta, các phương tiện làm ăn sinh sống, kể cả tiền bạc, vật chất, tài năng .v.v. Đó là một vài ơn lành của Thiên Chúa được thực hiện cho chúng ta. Với những ơn lành này, thử hỏi có khi nào chúng ta đã biết nói lên tiếng cám ơn một cách hồn nhiên: một sự cám ơn vui tươi, phát xuất tự nhiên từ con tim của chúng ta không ?-
Là những môn đệ của Đức Kitô, thử hỏi chúng ta không phải là những chuyên viên của việc tạ ơn hay không ?- Có phải chúng ta thường khi rất khéo léo và vội vã xin xỏ hơn là tạ ơn hay không ?- Một dấu chỉ: Đâu là lợi ích của chúng ta đối với kinh nguyện Thánh Thể được đọc trong thánh lễ ?- Khi nào nó mới là sự diễn tả một sự cảm tạ thực sự đối với những gì Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, cho Giáo Hội và đối với lòng quảng đại của ngài dành cho toàn thể nhân loại ?-
Nên nhớ rằng, để biết tạ ơn và thực hiện điều đó tự đáy tâm hồn, cần phải xác tín rắng, không có gì do bởi chúng ta cả. Người tin rằng tất cả đều do mình, thì không có khả năng tạ ơn. Để tạ ơn Thiên Chúa, để thực hiện điều đó một cách hồn nhiên, và thường xuyên, cũng cần phải học biết nhìn thế giới và sự hiện hữu của chúng ta với một cái nhìn đức tin, với cái nhìn của chính Thiên Chúa.
Khi tất cả mọi sự được xem xét với cái nhìn của Thiên Chúa, thì tất cả có thể được nhìn thấy và sống trong hy vọng. Tất cả đều có thể trở thành một thời điểm tạ ơn. Tiểu thuyết gia Bernanos đã nói: Tất cả đều là hồng ân. Lời nói của tín hữu.
Liên quan đến nghệ thuật tạ ơn, Chúa Giêsu là một mẫu gương cho chúng ta. Buổi chiều tiệc ly, khi sắp đến giờ phải sống cuộc khổ nạn, ngài cầm lấy bánh, ruợu, đoạn tạ ơn Thiên Chúa Cha, dâng hiến cả mạng sống cho ngài. Mỗi lần chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể, chính là cả cuộc sống chúng ta và của thế giới, với những niềm vui và khó nhọc, trở thành lý do của lòng tạ ơn.
Điều quan trọng cần để ý, đó là chữa lành và ơn cứu độ. Khi trở lại với Chúa Giêsu, người Samaritanô sống một cuộc phiêu lưu mà chắc chắn anh ta không chờ đợi. Chúa Giêsu nói với anh ta: “ Hãy chỗi dậy và đi: đức tin của con đã cứu con.” ( 17,19 )
Chín người kia đã được chữa lành, nhưng đã không được cứu độ. Họ đã không được cứu độ, bởi vì việc chữa lành đã không mở mắt họ nhìn ra con người của Chúa Giêsu; nó không làm nảy sinh nơi họ đức tin vào ngài; nó không làm cho họ quay trở lại với ngài.
Ơn cứu độ chỉ có khi có sự gặp gỡ thực sự giữa Đấng cứu độ và người được cứu độ. Ơn cứu độ không thể được lãnh nhận mà không có sự ưng thuận tự do của người được cứu độ. Không ai được cứu độ trái với ý mình. Ơn cứu độ là một ơn huệ, mà là một ơn huệ được lãnh nhận, được nhìn nhận. Điều cứu thoát người Samaritanô, chính là sự nhiệt tình đối với Đức Kitô, chính là lời cám ơn hồn nhiên mà anh ta dâng cho ngài.
Mười người đã gặp gỡ Đức Kitô, nhưng chỉ có một người đã nhận ra ngài trong đức tin. Mười người đã van xin Đức Kitô, nhưng chỉ có một người tạ ơn ngài. Chớ gì tất cả chúng ta không những thuộc về nhóm những người được chữa lành, nhưng còn thuộc về gia đình những người được cứu độ. Biết nhận ra ơn cứu độ và biết tạ ơn. Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, trong cuộc sống đời thuờng của chúng ta.