Nhiều khi chúng ta nhìn thấy cuộc sống rất khó khăn. Điều đó không phải là không có lý do: nào là những khó khăn về sức khỏe, về thiếu thốn tiền bạc, về nthất vọng trong những mối liên hệ gia đình, về những dự định bị phá sản, mất công ăn việc làm, bầu khí sinh sống với những người thân cận chung quanh không giúp chúng ta trọn vẹn, thiếu cởi mở với người khác. Và còn biết bao nhiêu điều khác nữa.
Trên bình diện kitô hữu, nếu chúng ta nghiêm túc giữ lấy lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thì nhiều lần chúng ta nhận thấy là, chúng ta không ở đúng tầm cao của lý tưởng được đề ra. Chúng ta hãy nghĩ đến người khác hơn là chính mình, đón tiếp những người nghèo khó, những người nghèo nhất, chia sẻ quảng đại những gì mình có, yêu mến chân thành, yêu thương đến độ tha thứ, và đến độ tha thứ cho cả kẻ thù: quả thực, không có gì dễ dàng trong tất cả những điều đó.
Khi chúng ta nhìn thấy cuộc sống khó khăn, một vài tư tưởng đạo đức có thể nâng đỡ chúng ta. Chúng ta có thể nói chẳng hạn, Thiên Chúa nhìn thấy những nỗ lực của chúng ta, và ngài sẽ ân thưởng một ngày nào đó. Một ngày nào đó, ngài sẽ ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu; một ngày nào đó, chúng ta sẽ sống lại, như Đức Kitô, và lúc đó, chính là hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn.
Đó là những ý nghĩ thật tốt đẹp. Thế nhưng, thử hỏi chúng ta có thể gắn bó với chúng một cách chắc chắn không ?- Chúng ta sẽ thực sự sống lại hay không ?- Ai trong chúng ta đã chưa từng đặt câu hỏi như thế ?-
Vấn đề không phải là mới mẻ. Vào thời Chúa Giêsu, những người thuộc phái Saducêô đã thẳng thừng đặt câu hỏi với Chúa Giêsu. Những người này cho rằng, không có sự sống lại. Sự khẳng định khá quan trọng; bởi vì, nếu điều đó là thật, thì không có gì còn bền vững với chúng ta, và chúng ta là những người đáng phàn nàn hơn hết, bất hạnh hơn hết. Sự sống lại có thực hay không, hay đó chỉ là sáng tạo của con người ?-
Để trả lời câu hỏi này, điểm quy chiếu của chúng ta, những người kitô hữu, là Lời của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, trong bài Phúc Am hôm nay.
Đáp lại lời chất vấn của những người phái Saducêô, Chúa Giêsu trả lời qua ba điều khẳng định sau đây:
Trước nhất, sự sống lại là có thực. Chúng ta sẽ sống lại. Sự sống lại là có thực, bởi vì Thiên Chúa mà chúng ta tin thờ là Thiên Chúa của người sống. Ngài muốn sự sống, chứ không mong muốn sự chết.
Thừ hai, Chúa Giêsu không công bố gì về tình trạng rõ ràng của những người sống lại. Họ ở bên Thiên Chúa như những thiên thần, nghĩa là, ở bên cạnh ngài, họ sống bằng chính sự sống đích thực, sự sống của Thiên Chúa, một sự sống khác với sự sống hiện tại của chúng ta.
Thứ ba, không phải tất cả nhất thiết đều đương nhiên được vào vương quốc của những người phục sinh. Để vào trong đó, “ phải được xét xứng đáng tham dự vào thế giới tương lai này.” Đồng thời, để đạt được mục đích này, cần phải kiên trì, bền vững cho đến cùng. Hãy vững tin vào Lời Chúa và bền đỗ, cho đến cùng, cho dù có việc gì xảy ra đi nữa.
Trường hợp của bảy anh em nhà Macabêô là một ví dụ điển hình. Họ đã tỏ ra trung tín cho đến việc tử đạo trong niềm hy vọng “ một ngày nào đó, Vua Vũ Trụ sẽ phục sinh họ trong một cuộc sống vĩnh cửu.” Đây là một mẫu gương rất có ý nghĩa cho chúng ta trong những giờ phút khó khăn của cuộc sống. Bảy anh em Macabêô cũng được xem là hình ảnh xa xa của Đức Kitô. Chính ngài sẽ phải trải qua cuộc khổ nạn, để đi đến sự sống lại vinh quang.
Cũng trong chiều hướng đó, thánh Phaolô đã ngỏ lời khuyến khích tín hữu thành Corinthô, một cộng đoàn non trẻ, chuyên chăm sống theo những đòi hỏi của Phúc Am trong một thế giới thù địch. Ngài mời gọi họ cầu nguyện sốt sắng với Chúa, là Đấng sẽ nâng đỡ, sẽ làm cho họ nên vững mạnh, và sẽ giúp họ bền đỗ đến cùng, trong khi chờ đợi Đức Kitô sẽ phục sinh họ từ trong kẻ chết.
Dĩ nhiên là không bảo đảm là, chúng ta cầu nguyện đủ để bền đỗ trên con đường đi đến sự sống lại. Cũng không bảo đảm là chúng ta cầu nguyện đủ để đức tin vào sự sống lại của chúng ta tiến triển. Chính Thiên Chúa làm cho chúng ta trở thành những người tín hữu, chính ngài gìn giữ chúng ta trong đức tin.
Điều lưu ý sau cùng. Niềm tin vào sự sống lại không bao giờ bắt chúng ta trở nên dửng dưng, hay thờ ơ, với cuộc sống mà chúng ta phải sống mỗi ngày. Nó sẽ không đưa dẫn chúng ta đến sự cô lập với thế giới bên ngoài, với những thách đố của nó, với những cái được thua của nó. Ngược lại, chính đang khi đảm đang những trách nhiệm chúng ta trong cuộc sống đời thường hằng ngày, một cách tốt đẹp nhất, mà chúng ta có thể hướng về thế giới những người phục sinh một cách tốt đẹp nhất.
Tin vào sự phục sinh, chính là sống một cuộc sống theo một ý hướng. Chính là, ngay từ bây giờ, đem lại cho sự sống của mình một chiều kích vĩnh cửu. Chính là liều mạng để chỉ nhắm vào một mình Thiên Chúa và lời của ngài. Một sự liều mạng đẹp đẽ mắt. Một sự liều mạng cho sự Phục sinh. Một sự liều mạng của các thánh. Của Đức Kitô.
Và đó là hạnh phúc của chúng ta.