Đoạn Tin Mừng hôm nay, rất quan trọng trong lịch sử nhân loại, nhưng lại rất là bình dị, giản đơn. Không phải chỉ vì đã không miêu tả biến cố Phục Sinh, mà còn vì không có gì phi thường, kỳ lạ: Thiên Chúa không hiện ra, Chúa Giêsu Phục sinh cũng không xuất hiện.Thế nhưng sau đó, lại cho biết: Gioan thấy và tin.
Vậy thì, đâu là con đường đưa Gioan đến Đức Tin ?-
Trước hết, niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu không phát xuất từ « ảo giác », do trí tưởng tượng quá mạnh gây ra. Bởi vì ở đây toàn là những con người bình thường, những con người như chúng ta, đứng trước những sự kiện cụ thể, thực tế, không chối cải được. Chẳng hạn như Maria Madalena, người đầu tiên phát hiện ra ngôi mộ trống, đã không nghĩ gì về sự sống lại. Bà ta chỉ có một giả thuyết duy nhất là: « người ta đã lấy mất xác Thầy ». Không hề có một chút ý gì tin tưởng, cũng không có một chút gì là ảo giác, bà ta vội chạy đi báo tin cho các tông đồ là: « người ta đã lấy xác Thầy ra khỏi mồ ».
Dĩ nhiên, ngôi mộ trống không phải là bằng chứng về sự phục sinh. Thế nhưng, đó lại là một đối tượng thực tế, cụ thể mà người ta đụng phải, mà người ta không chờ đợi.
Phêrô cũng vậy. Ong nhìn thấy ngôi mộ trống, ông đặt ra trăm nghìn câu hỏi, nhưng không nghĩ là Chúa Giêsu sống lại. Cho nên, ông bối rối đi ra, mà không hiểu gì.
Còn Gioan thì sáng suốt hơn. Ong thấy và ông tin. Ong đã nhìn thấy gì ?-
Ông cũng đã nhìn thấy giống như Phêrô và Maria Madalena. Thế nhưng, Gioan tin là, Chúa đã sống lại. Sở dĩ Gioan thấy và tin, là vì ông có đôi mắt của con tim, đôi mắt của tình yêu, nên đã có thể mau mắn đón nhận niềm tin.
Phải chăng vì thế mà, khi nói về chính mình, Gioan luôn nhấn mạnh cái biệt danh: « người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến ». Phải chăng chính nhờ tình yêu đã liên kết Chúa Giêsu và Gioan, mà Gioan luôn luôn là người đầu tiên nhận ra Thầy mình ?- Cũng như sau đó, trên bờ hồ Galilea, sau một đêm vất vả thả lưới, các tông đồ đã không thu được gì. Nhưng khi một người lạ xuất hiện trên bờ, hướng dẫn thả lưới bên hữu thuyền, thì các ông lại được một mẻ lưới kỳ diệu. Ngay lúc đó, cũng chính Gioan, « người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến » đã nhận ra Thầy mình trước tiên, trước cả Phêrô.
Hơn nữa, ngoài ngôi mộ trống ra, dường như là các khăn liệm được xếp đặt ngăn nắp, gọn gàng, chứ không lộn xộn, mất trật tự, cũng là một dấu chỉ đưa đến niềm tin của Gioan. Ngay lúc bấy giờ, Gioan kết luận là thân xác Chúa Giêsu không bị trộm cướp đem đi, theo như giả thuyết của Maria Madalena, bởi vì những tên gian phi không có thì giờ để sắp xếp trật tự gọn gàng như thế. Trái lại, ông xác tín là Chúa đã sống lại. Trong khi đó, những dấu hiệu nầy không nói với Phêrô điều gì cả, mặc dù ông bước vào trong mộ trước, một ngôi mộ trống không và được xếp đặt gọn gàng.
Như thế, Phải vượt qua cái trông thấy để đi đến niềm tin. Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy, đối với những ai không phải là người đang yêu, thì một bó hoa tươi không có ý nghĩa gì cả. Cũng vậy, chúng ta không bao giờ trông thấy tình yêu của những kẻ yêu nhau. Chỉ có những dấu chỉ bên ngoài dẫn đưa chúng ta đến chỗ nhận biết mà thôi. Nhưng đó lại là những dấu chỉ mơ hồ, bàng bạc, mà chỉ có những người trong cuộc mới biết giải mã, mới hiểu được ý nghĩa của chúng. Hai người phải yêu nhau thắm thiết thì mới hiểu được những sứ điệp trao đổi cho nhau trong tất cả ý nghĩa của chúng.
Do đó, những ai được Chúa yêu mến, và yêu mến Chúa nhiều hơn sẽ đễ dàng nhận ra Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ngoài ra, để đi đến niềm tin, vai trò của Chúa Thánh Thần là một yếu tố không thể thiếu. Thực vậy, Gioan chỉ có thể hiểu được ý nghĩa phục sinh, khi ông để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn; bởi vì, chính Thánh Thần là Đấng đã linh úng Kinh Thánh theo như truyền thống Do Thái giáo và Kitô giáo. Với các sự việc xảy ra trước mắt, Gioan lần trí nhớ lên các đoạn Kinh Thánh mà Chúa Giêsu đã trích dẫn để nói trước về cuộc Khổ Nạn và sự Phục sinh của ngài. Nhớ đến lòng trung tín của Thiên Chúa là Đấng luôn ban sự sống cho dân của ngài; nhớ đến đời sống bị bách hại, khốn khổ của các tiên tri, nhớ đến những lời sấm loan báo một thế giới mới, về những hạt giống gieo xuống đất, chết đi, để có thể phát triển, lớn lên và sinh nhiều hoa trái.
Chúa Giêsu đã sống lại thực sự cách đây hơn hai ngàn năm. Ngài hằng sống và đang hành động nơi mỗi người chúng ta, trong cuộc đời và trong thế giới của chúng ta. Ngài hiện diện một cách vô hình, nhưng rất thiết thân. Ngài hướng dẫn và điều khiển lịch sử loài người một cách tuyệt hảo. Ngài trao ban cho chúng ta ơn cứu độ mà ngài đã thực hiện qua cái chết tủi nhục và sự phục sinh vinh quang của ngài.
Thế nhưng, để có thể nhận ra ngài, để có thể đón nhận ơn phục sinh của ngài, thì cần phải có một sự thân thiết nào đó, một mức độ gần gũi nào đó, một sự đồng cảm nào đó với ngài. Và dấu chỉ của sự kết hợp nầy, chính là sự hiểu biết ngài, sống và thực hành Lời dạy của ngài, nhất là đức bác ái yêu thương, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần bằng những việc làm cụ thể với những anh em bất hạnh chung quanh.
Sống được như thế, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra Chúa Phục Sinh nơi những ai mà chúng ta biết đem đến niềm tin, sự bình an, hy vọng, niềm vui, hạnh phúc và tình yêu thương. Sống được như thế, chúng ta sẽ đón nhận được ơn cứu độ muôn đời của Chúa Phục Sinh.