Vào buổi chiều mà Chúa Giêsu từ bàn ăn chỗi dậy giữa bữa ăn, rồi bắt đầu rửa chân các môn đệ, ngài đã gây ra một sự xúc động thật sự. Tất cả mọi người đang ở đó, miệng há hốc, tự hỏi xem điều gì đang xảy ra. Cử chỉ rất trái ngược với đời thường. Tông đồ Phêrô không có nhiều thời giờ để bày tỏ điều ông cảm thấy: Với cặp mắt của ông, điều đang xảy đến thật đơn giản là không thể chấp nhận được: “ Lạy Chúa, Chúa lại muốn rửa chân con sao !”
Đó là chuyện cách nay hơn hai ngàn năm. Chiều nay, chúng ta nhắc nhớ lại cử chỉ của Chúa Giêsu. Thế nhưng, cử chỉ đó không làm chúng ta ngạc nhiên nữa. Dường như chúng ta thấy là bình thường. Nó không làm chúng ta chao đảo. Không có ai trong chúng ta, khi nghe bài Phúc Âm, đã có ý nghĩ là, chỗi dậy để kêu lên: “ Điềù Chúa Giêsu làm đó, không có ý nghĩa gì cả ! Phải dừng lại ngay lập tức !”
Tuy nhiên, cũng có những lý do chính đáng để ngạc nhiên, để phản ứng và lấy làm chướng tai gai mắt một chút trước thái độ của Chúa Giêsu. Cái cách cư xử đối với chúng ta thực sự làm ngạc nhiên; nó phải kích thích sự tò mò chúng ta, chất vấn chúng ta và làm cho chúng ta suy nghĩ. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút.
Chúa Giêsu tự giới thiệu cho chúng ta như là một người muốn phục vụ, chứ không được phục vụ. Tuy nhiên, điều ngược lại cũng hoàn toàn chính đáng. Câu chuyện rửa chân xác định rõ Chúa Giêsu phục vụ chúng ta thế nào. Ngài tự hạ. Ngài nhận lấy thân phận người tôi tớ, trong khi ngài là Thầy, và là Chúa. Ngài cúi xuống, dấu chỉ sự tự hiến hoàn toàn cho những người ngài yêu mến. Cái cách phục vụ này vượt quá tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Chỉ nguyên việc Đức Kitô phục vụ chúng ta đã là rất ngạc nhiên. Việc ngài cúi xuống chân chúng ta cũng thật là gây sửng sốt.
Vì vậy chúng ta phải đặt câu hỏi: Vì lý do nào mà Chúa Giêsu đi rất xa như thế trong ý muốn phục vụ, trong ý muốn phục vụ chúng ta ?- Tại sao ngài tự trở thành tôi tớ không chỉ cho một vài người, các bạn hữu của ngài, nhưng là tôi tớ cho toàn thể nhân loại ?- Tôi tớ không chỉ cho những người đẹp, dễ thương, thông minh, có đạo, tin tưởng, đạo đức, nhưng là đầy tớ của tất cả mọi người, với một sự ưu ái rõ ràng đối với những ai không có sắc đẹp, không giàu có, không uy tín, không hấp dẫn.
Chỉ có một câu trả lời, rất đơn giản, cho câu hỏi này. Con người này yêu thương. Ngài yêu thương như chưa từng có ai đã yêu thương như thế. Theo cái nhìn nhân loại của chúng ta, một tình yêu như thế thì không thể giải thích được, nó dường như là phi lý. Thế nhưng, có sự thần thiêng trong tình yêu này. Chính vì thế mà tình yêu này đi đến chỗ tự hạ như thế. Chính vì thế mà tình yêu này đi cho đến thập giá. Chúng ta đừng lầm lẫn ở đó; cử chỉ mà Chúa Giêsu thực hiện vào buổi Tiệc Ly khai mở cử chỉ mà ngài sẽ hoàn thành vào ngày hôm sau, khi ngài dang tay ra trên cây thập giá. Chúa Giêsu trở thành người đầy tớ của chúng ta cho đến chết, dấu chỉ của tình yêu cao quý nhất.
Suy tưởng đến đây, có thể chúng ta có khuynh hướng dừng lại để bắt đầu từ bây giờ cảm tạ Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta Con của ngài, trở thành đầy tớ của chúng ta. Tuy nhiên, không nên bước qua việc cảm tạ quá nhanh. Không nên thực hiện điều đó trước khi đọc xong bài Phúc Âm hôm nay, bởi vì phần cuối của nó mới thật là chính yếu để hiểu rõ toàn bộ.
Chúng ta hãy nhắc lại câu cuối này. Chúa Giêsu nói: “ Đó là một mẫu gương mà Thầy trao cho các con, để các con cũng làm cho nhau như Thầy đã làm cho các con”. Như vậy, khâm phục cử chỉ của Chúa Giêsu thì chưa đủ; cử chỉ này cần phải được bắt chước, làm theo. Nói rằng mình rất hạnh phúc trở thành môn đệ của Đức Kitô Tôi Tớ thì chưa đủ. Chính mình cần phải trở thành đầy tớ, giống như ngài, bằng tình yêu, trong sự khiêm nhường, và cho đến dang tay trên một thập giá, nếu điều đó được đòi hỏi nơi chúng ta.
Thỉnh thoảng có một vài người cho rằng, không có gì phân biệt kitô giáo với các tôn giáo khác. Thử hỏi có thật như vậy không ?- Lời kêu gọi trở nên đầy tớ của nhau, như Đức Kitô đã làm gương, không phải là một trong những nét đặc trưng của kitô giáo hay sao ?
Chỉ có điều là chúng ta có cố gắng thực hiện lời kêu gọi khẩn thiết của Chúa hay không mà thôi !