Thứ Năm, 06 Tháng Tư, 2023 00:00
Thứ Sáu Tuần Thánh Năm A ( Ga 18, 1-19.42 ) năm 2023

Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh được dành để chiêm ngắm Đức Kitô trên thập giá. Cái nhìn lên thập giá này không được che giấu đi, bởi vì Đấng mà người ta treo trên đó là Đấng Cứu Thế. Không có Đấng nào khác. Đấng bị đóng đinh của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một nhân vật bất kỳ nào, ngay cả khi bị dang ra trên cây gỗ giá, ngài có vẻ hoàn toàn giống chúng ta. Ngài đau khổ giống như chúng ta có thể đau khổ. Ngài rên rỉ giống như chúng ta có thể rên rỉ. Thế nhưng, ngài là Con Thiên Chúa.

Điều đó thay đổi tất cả, bởi vì đang khi hướng cái nhìn của chúng ta về con người xứ Galilêa treo trên thập giá, là chúng ta nhìn thấy chính Thiên Chúa. Một Thiên Chúa rất trái ngược với cái ý tưởng mà chúng ta rất thường tạo ra cho chúng ta. Trên thập giá, không có gì là vinh quang, không có gì là mạnh mẽ, không có gì là thống trị, không có gì là uy quyền. Chỉ có sự yếu đuối, đau đớn, sự hạ mình. Chỉ có sự tự hiến thân mình. Chỉ có tình yêu. “ Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người trao ban mạng sống mình vì người mình yêu” ( Gn 15,13 ).

Thứ Sáu Tuần Thánh, khi nhìn Đức Kitô trên thập giá, chúng ta không nên chỉ dừng lại nơi những gì đã xảy cách nay hai ngàn năm, trên đồi Golgotha. Chúng ta cũng phải nhìn thấy thế giới chúng ta, liên kết với bản thân Đức Kitô, đang chịu treo trên thập giá.

Một mầu nhiệm kỳ lạ. Đức Kitô, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, không còn đau khổ nữa, lại vẫn còn tiếp tục đau khổ trên mặt đất. Lời khẳng định này không phải là không nghiêm túc, nếu không thì chính Phúc Âm đánh lừa chúng ta. Chúng ta hãy nhớ Phúc Âm theo thánh Matthêu, đoạn 25: “ Ta trần truồng, đau ốm, khách lạ, đói khát..” Đó chính là cuộc khổ nạn của thế giới chúng ta được miêu tả ở đây; và những người đau khổ, những người bị treo trên thập giá, Đức Kitô đồng hóa với họ.

Tại sao lại có thập giá Đức Kitô ?- Chúng ta biết rõ câu trả lời. Phải đi đến tận đó trong tình yêu để chúng ta được cứu thoát khỏi vực thẩm của sự dữ đang ở trong tâm hồn chúng ta. Phải có cái dấu chỉ tình yêu cuối cùng này để Thiên Chúa được bày tỏ ra thực sự, như chính là ngài, chứ không như chúng ta tưởng tượng.

Thế nhưng, tại sao lại có thập giá của thế giới ?- Tại sao có biết bao đau khổ bất công trong thế giới như thế ?- Tại sao có biết bao người bị chế giễu, nhạo báng, đói khát, loại trừ, xúc phạm, bị làm giảm giá trị như những đồ vật không ra gì như thế ?- Tại sao Thiên Chúa lại để làm tất cả những sự đó ?-

Xin thưa, bởi vì ngài là Thiên Chúa. Khi người ta là Thiên Chúa, người ta không thay thế chỗ con người, người ta không hủy diệt sự tự do, sự mòng dòn và hữu hạn của con người. Người ta tôn trọng chúng. Người ta chơi trò chơi tự do cho đến cùng. Cách nay hai ngàn năm, thế giới đã đóng đinh Đấng Cứu độ của mình. Thiên Chúa đã không thể ngăn cản điều đó, trừ khi rút lại ơn huệ tự do mà ngài đã thực hiện. Ngày nay, ngài không có khả năng đặt một giới hạn cho sự đau khổ của thế giới, mà chính chúng ta thường khi là có trách nhiệm.

Như thế, Thiên Chúa tôn trọng sự tự do và sự hữu hạn của chúng ta, là nguồn gốc của những gì làm cho thế giới và những người ở trên đó cảm thấy đau khổ. Ngài tôn trọng, nhưng ngài không dửng dưng đối với những gì xảy đến. Thật là sai lầm khi người ta tố cáo Thiên Chúa nhắm mắt không nhìn thấy cuộc khổ nạn của thế giới. Ngài không nhắm mắt. Ngài không tự giới hạn ở trên trời. Trái lại, ngài hiện diện ở tất cả những khổ nhục và đau đớn. Ngài có mặt ở đó, giống như ngài đã có mặt trong cuộc Khổ nạn của Con ngài.

Sự hiện diện này của Thiên Chúa trong cuộc khổ nạn của thế giới, chỉ được nhìn thấy trong đức tin, không hủy diệt đau khổ của thế giới. Thế nhưng, nó không phải là không là gì cả. Bởi vì người chịu đựng cuộc khổ nạn cần gì hơn hết, nếu không phải là bên cạnh mình, có một sự hiện diện yêu mến và thương cảm ?- Có một ai lắng nghe đau khổ của mình và cùng mang vác nó với chúng ta, thì đó đã là giảm bớt đau khổ lắm rồi.

Còn hơn thế nữa. Sự kiện biết và tin rằng, Thiên Chúa và Đức Kitô của ngài đau khổ với thế giới đang ở trên thập giá, cho phép chúng ta sống trong hy vọng. Trong niềm hy vọng này, đối với thế giới cũng như đối với Đức Kitô, con đường đau khổ sẽ là con đường phục sinh và sự sống.

Trong những dòng cuối cùng của bài Thương khó theo thánh Gioan, chúng ta đọc được những lời này: “ Tất cả đã xảy ra để làm trọn lời Kinh Thánh… Họ sẽ ngước nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu qua.” Vì thế, chúng ta hãy ngước nhìn lên Đấng đã bằng lòng để cho bị đâm thâu qua vì tình yêu.

Chớ gì cái nhìn của chúng ta là một cái nhìn của đức tin, tình yêu, cầu nguyện, thinh lặng chiêm ngưỡng và hy vọng.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com