Những con người quảng đại và liêm chính, những nhà lãnh đạo có ý thức về sứ mạng của mình, những người có trách nhiệm lo lắng đến công ích, đó là tất cả những gì mà những người công dân trong tất cả mọi thời đại và trong tất cả các dân nước mong muốn. Thế nhưng, quá thường khi, đã có biết bao nhiêu thất vọng !
Vào thế kỷ thứ bảy trước kỷ nguyên của chúng ta, tiên tri Giêrêmia đã than vẵn về những nhà cầm quyền trong thời đại của ông, về những vị mục tử của dân tộc ông, Israel. Thực vậy, không ai đã có khả năng đem lại hòa bình, sự công lý. Đến với những người hướng dẫn bất lực này, Lời của Thiên Chúa, qua môi miệng của tiên tri, được tỏ ra nghiêm khắc một cách đặc biệt: “ Khốn cho các mục tử làm tản mác và xâu xé đàn chiên Ta. Tại vì các ngươi mà các chiên của Ta bị thất lạc. Các ngươi đã không trông nom đàn chiên của Ta. Vì vậy, Ta sẽ xét xử hành động gian ác của các ngươi !”
Thế nhưng, Giêrêmia cũng là vị tiên tri của niềm hy vọng. Cái nhìn tiên tri của ông xem xét kỹ càng dòng dõi của David: ông loan báo một mầm non, một vị vua sẽ đồng nhất hóa với luật, mà tên của ngài là sự công lý. Ngài sẽ là vị mục tử đích thực tập họp đàn vật bị phân tán trở lại.
Đấng mà tiên tri Giêrêmia toan báo, thì thành Phaolô giới thiệu ngài với tín hữu thành Ephêsô: đó là Đức Kitô, giao hòa con người với Thiên Chúa và giữa họ với nhau, trong khi làm cho những người Do thái và những người dân ngoại trở thành chỉ một dân tộc. Qua thân xác ngài chịu đóng đinh trên thập giá, ngài đã làm sụp đổ bức tường của hận thù, trong khi tạo dựng nên, nơi ngài, một con người mới. Và Chúa Giêsu này, Đấng qui tụ và hòa giải, thánh Marcô đã giới thiệu cho chúng ta trong Tin Mừng của ngài, đầy tràn nhân tính đối với các tông đồ của ngài đang cần nghỉ ngơi, và cùng một lúc, cũng quan tâm đến tất cả những người đi đến với ngài, như những con chiên không có người chăn.
Trước sự thiếu trách nhiệm hay sự chểnh mãng của nhà cầm quyền tôn giáo hay dân sự, thì rất thường khi, chính những người bé mọn, những người nghèo khó là những người dễ bị tổn thương hơn hết, bởi vì họ đơn sơ, ho không nghi ngờ. Chính những con người đó đã lôi cuốn sự quan tâm và lòng thương xót của Chúa Giêsu. Vì thế, ngài dùng thời gian dạy dỗ họ nhiều điều, bởi vì ngài yêu mến họ. Ngài tôn trọng họ: ngài bày tỏ cho họ biết nhân phẩm của họ: ngài không cho phép người ta lạm dụng lòng tin cậy của họ, ngài không cho phép người ta khinh bỉ họ, không cho phép làm cho họ lạc đường, chia rẽ họ.
Chính vì những lý do này mà Thiên Chúa rất nghiêm khắc đối với những người cầm giữ cái quyền chuyển thông Lời của Chúa, và dẫn đưa những đám đông đi đến ánh sáng của ngài.
Cần phải không được quên là, những vị mục tử của Israel cũng là những người mang Lời của Chúa, những người hướng đạo, những người gìn giữ Giao Ước.
Ngày nay, trong nơi ưu tiên của Giáo Hội của ngài, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục dạy dỗ chúng ta nhiều điều. Ngài biết sự quan trọng của Lời Chúa, sự tác động của nó trên cuộc đời chúng ta, tinh cách thời sự vĩnh viễn của nó, quyền lực của sự biến đổi, của sức mạnh, của ánh sáng của nó.
Là linh mục, là tu sĩ, là người giáo dân, tất cả chúng ta cùng là những người có trách nhiệm của sự rao giảng mênh mông này, của chứng từ phổ quát này. Chớ gì ngày nay, chúng chạm tới những đám đông của thời đại chúng ta, nhất là những người bé mọn nhất, những người khao khát công lý và hòa bình.
Lời của Thiên Chúa, trải qua nhiều thiên niên kỷ, không phải là ở sau lưng chúng ta. Lời Chúa đi trước chúng ta. Lời Chúa lấp đầy những sự chờ đợi của chúng ta.
Từ ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu luôn luôn là người đương thời của người biết lắng nghe Tin Mừng Phúc Âm.