Thứ Năm, 07 Tháng Ba, 2024 00:00
Chúa nhật IV Mùa Chay B ( Ga 3, 14-21 ) năm 2024

Bạn đã lãnh nhận bí tích Hòa Giải chưa ?- Trong Mùa Chay, chuẩn bị đón mừng Lễ Phục Sinh, câu hỏi này càng có nhiều ý nghĩa và giá trị, càng khẩn thiết và cấp bách, khi cần phải nhìn lại, cần phải xét mình, cần phải ăn năn thống hối, để đón nhận Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.

Trước hết, kinh nghiệm cho thấy, chúng ta thường được nhắc nhở, không được quên quá khứ. Thậm chí người ta nói rằng, một dân tộc quên quá khứ, thì tự kết án phải sống lại cái quá khứ đó. Tuy nhiên, nhớ lại, không phải là để nhắc đi nhắc lại chuyện đã qua, cũng không phải là chạy trốn nó vì sợ tương lai.. Nhưng là để có thể “ đọc lại”, “ kiểm tra lại, xem xét lại”, để có thể hiểu hơn những gì mà chúng ta đã sống, để khám phá ra ở đó, những điểm mạnh mà chúng ta có thể trông cậy, cũng như để nhận ra những lỗi lầm đã phạm, để tránh xa, để canh tân, đổi mới. Điều đó giúp chúng ta nhìn thấy rõ hơn để giúp chúng ta tiến lên trong cái hướng tốt đẹp nào.

Thứ đến, “ nhớ lại và giao hoà”. Nhớ lại quá khứ của dân tộc mình, để khám phá ở đó những lỗi lầm và yếu đuối của nó. Những lỗi lầm yếu đuối đó có những hậu quả trên diễn tiến lịch sử của dân tộc, bởi vì đó là do những con người gây ra, thực hiện, hay ít nhất là cách sống của con người ảnh hưởng trên những biến cố đó.

Cách diễn tả trong quan niệm này có thể làm người ta ngạc nhiên, hay làm người ta chưng hửng: nó làm cho người ta nghĩ rằng, chính Thiên Chúa đã gây nên cái thảm hoạ cho dân ngài .. để trừng phạt họ. Vào thời điểm xa xưa đó, hầu như tất cả mọi người đều nghĩ là, mình bị chi phối bởi các vị thần thánh, bị các vị đó thao túng, và tất cả những gì sẽ xảy đến đều là do thần thánh gây nên. Họ xác tín rằng, các thần thánh can thiệp trực tiếp trong dòng biến chuyển của các biến cố lịch sử con người.

Trong cái não trạng đó, Dân Thiên Chúa đến xứ Palestina, tuy đã chọn Giavê như Thiên Chúa duy nhất, nhưng vẫn bị thấm nhuần cách suy nghĩ và cách diễn tả những biến cố của các dân tộc thời bấy giờ. Họ dùng những từ ngữ đương thời để nói lên điều đó.

Chúng ta nên nhớ rằng, cách suy nghĩ này vẫn còn rơi rớt lại trong cách sống của chúng ta. Chẳng hạn như khi chúng ta nói: Thiên Chúa phạt mày; điều đó phải xảy ra thôi… hay điều đó đã được viết rồi… là chúng ta đã dùng những cách diễn tả này, như một bản tóm tắt những tư tưởng và lời nói. Như thế, những kiểu diễn tả này thuộc về ký ức vô thức xa xưa của chúng ta. Chúng ta phải ý thức điều đó, bởi vì điều đó nhào nắn, tạo nên cách suy nghĩ và cách diễn tả của chúng ta.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Kinh thánh cũng nhấn mạnh: “ Thiên Chúa đã làm tất cả mọi sự để dân ngài có một hạnh kiểm tốt hơn, và tránh được các thảm hoạ.” Từ đó, đưa đến cái hệ quả là “ Thiên Chúa đã không thể ngăn cản tại họa xảy đến”. Bởi vì, rõ ràng là, do hành vi tự do của mình, chính con người đã gây nên những biến cố đó.

Phúc Âm nói với chúng ta, cần phải làm trong sáng trong chúng ta. Cần phải biết mình thực sự. Ngay cả đôi khi, chúng ta từ chối nhìn lại chính mình. Thế nhưng, điều đó không thể thiếu. Thực vậy, điều rất rõ ràng là, khi chúng ta làm điều gì đó, tốt hay xấu, thường xuyên, thì điều đó đào tạo, nhào nắn nên cá tính, phong cách và thái độ của chúng ta. Những hành động của chúng ta luôn luôn đi theo chúng ta, và biến đổi chúng ta.

Làm cho trong sáng trên chính mình, điều đó không thể thiếu để có thể thay đổi cái gì đó trong chúng ta, trước khi có thể thay đổi cái gì đó ở chung quanh chúng ta. Nếu chúng ta muốn thực hiện công trình thống hối ăn năn, điều đó giả thiết rằng, chúng ta đã xác định vị trí những gì mà chúng ta phải thay đổi. Nếu chúng ta muốn thực hiện việc giao hoà với Thiên Chúa, với những người khác và với chính mình, điều đó giả thiết rằng, chúng ta ý thức được sự dữ nào ở trong chúng ta, rồi tìm cách để giải thoát chúng ta ra khỏi những sự dữ đó.

Bổn phận nhớ lại này luôn luôn liên quan đến từng người chúng ta, và chúng ta cũng gọi điều đó là “ xét mình”. Thực hiện điều đó mỗi ngày thì rất tốt, nhất là thực hiện điều đó để chuẩn bị cho bí tích Giải Tội, bí tích Giao Hoà.

Xin cho những tuần lễ sau cùng của Mùa Chay này, với những nghi thức giao hoà và thống hối, trở nên cho chúng ta phương tiện chiếu sáng trong chúng ta. Chúng ta sẽ ở trong ánh sáng của Đức Kitô. Từ khi Phục Sinh từ trong kẻ chết, ngài chiếu soi tất cả mọi người, trong đó có cả chúng ta, miễn là chúng ta biết lắng nghe, thực hiện thánh ý của ngài, chấp nhận đi theo con đường của ngài, để hưởng nhận cứu độ hồng phúc của ngài.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com