Phụng vụ và thời sự hôm nay trình bày hai chủ đề có mối liên hệ sâu sắc.
Loan báo Tin Mừng là gì ?- Gương mẫu của Chúa Giêsu, trong Phúc Âm, và của thánh Phaolô, trong công việc tông đồ của ngài, có thể giúp giải đáp cho chúng ta không ?- Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn một chút.
Trong các Phúc Âm, nhất là Phúc Âm theo thánh Marcô, điều gây ngạc nhiên và thậm chí kỳ lạ, là Chúa Giêsu liên tục từ chối trở thành một ngôi sao, từ chối để người ta nói về chính ngài, từ chối được hoan hô bởi những đám đông. Chắc chắn là ngài không thể ngăn cấm họ những điều đó, bởi vì giáo lý của ngài thì mới mẻ, những dấu chỉ chữa lành bệnh tật và giải thoát mà ngài thực hiện để làm vơi nhẹ gánh nặng cho con người.. thì phi thường, ngoạn mục. Tuy nhiên, Phúc Am cho thấy, ngài nổi giận về những điều đó.. thậm chí ngài còn muốn trốn xa ồn ào náo nhiệt này..
Đám đông lại đến. Chúa Giêsu không thể lẩn tránh. Có biết bao nhiêu nỗi khốn khổ thể lý và tinh thần cần phải làm vơi nhẹ đi ! Ngài chữa lành rất nhiều, nhưng không tất cả, bởi vì chính đức tin mới cứu chữa: Phúc Âm không phải là một sự thành công theo kiểu“ đo lường số lượng thính giả”. Nó chỉ được đón tiếp trong sự kín đáo của con tim. Chúa Giêsu không muốn bị lẩn lộn với một Đấng Cứu Thế chữa bệnh và trừ tà, như ma quỷ muốn làm cho người ta tin như vậy. Vì thế, Chúa Giêsu đã bắt chúng phải ym lặng. Ngài đã đến, ngài đã ra đi, để bày tỏ cho con người một bí mật sâu xa hơn nhiều và rất tuyệt diệu.
Chính trong sự kín đáo của con tim, trong sự cầu nguyện, xa cách đám đông, mà thánh Marcô tỏ cho chúng ta biết Phúc Âm Chúa Giêsu, cái nguồn làm cho ngài sống và đem lại ý nghĩa cho sứ vụ của ngài. Đó là: sự hiệp thông phụ tử với Chúa Cha của ngài mà ngài muốn tỏ cho chúng ta như là “ Cha chúng ta”. Khi cầu nguyện như thế, ngài có thể trả lời cho các tông đồ và các bạn hữu đang tìm kiếm ngài: “ Chúng ta hãy đi đến nơi khác, trong những làng mạc chung quanh, để Thầy cũng loan báo Tin Mừng ở những nơi đó nữa; bởi vì, chính vì việc đó mà Thầy đã ra đi”.
Như vậy, cái nhìn của chúng ta về Chúa Giêsu đặt tất cả chúng ta trước chiều sâu, nhưng đồng thời cũng trước cái khó khăn của việc Loan báo Phúc Âm. Phúc Âm không phải là việc quảng cáo, hay tệ hơn nữa, cũng không phải là một sự tuyên truyền và tuyển mộ. Nó chất vấn từng người ở tận thẩm sâu lương tâm, trong cái điều mà con tim khao khát. Đó chính là một lời chân lý: chân lý của người nói, chân lý của người đón nhận nó.
Thánh Phaolô đã hiểu điều đó rất rõ. Tranh cãi với những kitô hữu cộng đoàn Corintô, Phaolô cố gắng nói với họ trong chân lý. Thật vậy, Chúa Giêsu mời gọi chính Phaolô. Phaolô không thể lẩn tránh sứ mạng của mình, sứ mạng sau này đã trở thành “ nỗi đam mê”, tình yêu và thập giá của Phaolô. Thật vậy, thánh Phaolô chỉ là một người phục vụ, Phaolô phải chu toàn công việc với một sự vô vị lợi hoàn toàn và một sự tự do trọn vẹn. Thật vậy, loan báo Phúc Âm, chính là nhìn nhận, tôn trọng và gặp gỡ mỗi người trong chân lý, “ trở nên tất cả mọi sự cho tất cả mọi người, để cứu độ với bất cứ giá nào ( ngay cả với cái giá của mạng sống ) một vài người ( ngay cả khi chúng ta chỉ có thể đến với một vài người mà thôi )”.
Một lời nói chân tình, với một sự kính trọng và tự do, một chứng từ đích thực đến từ con tim, nói với con tim và trao ban sự ước muốn tìm biết bí mật của Tin Mừng. Đó là thái độ sống mà chúng ta có thể loan báo và chuyển thông Ơn Cứu Độ cho những người chung quanh chúng ta.