Trong các Phúc Âm, thỉnh thoảng Chúa Giêsu và các Tông đồ dường như “ không cùng một tần số ”.
Trong đoạn Phúc Âm thánh Gioan vừa nghe, chính Philipphê đặt ra những câu hỏi không đúng chỗ… Nếu lúc đó là thời điểm ít quan trọng hơn, chúng ta có thể hình dung Chúa Giêsu với một nụ cười vừa châm biếm, vừa vỡ mộng về sự không có khả năng của các môn đệ để hiểu biết, ngài đích thực là ai. Thế nhưng, sự trao đổi này được diễn ra trong bữa ăn sau cùng với các Tông đồ, cho nên nó mang một ý nghĩa đặc biệt.
Trước hết, Chúa Giêsu hiểu rõ mối lo lắng sâu sắc của các ông, khi nghĩ rằng, các ông sẽ còn lại một mình trong một thế giới thù địch. Chính ngài biết rằng, ngài sẽ phải chạm trán với đau khổ và cái chết. Do đó mà cuộc nói chuyện sau cùng này có tầm ảnh hưởng quan trọng, trong đó Chúa Giêsu để lại cho các bạn của ngài di chúc tinh thần của ngài. Ngài cố gắng giải thích cho các ông lý do ngài đã đến trần gian, sứ mạng ngài đã thực hiện, và bây giờ các ông sẽ phải tiếp tục theo đuổi. Ngài cũng khẳng định với các ông rằng, sự ra đi của ngài sẽ cho phép các ông bước vào sự hiệp thông với ngài và Chúa Cha. Từ nay, niềm tin vào Thiên Chúa cũng sẽ là niềm tin vào ngài, Đức Giêsu Kitô, Chúa Con nhập thể làm người, nơi ngài, Thiên Chúa tỏ mình ra hoàn toàn.
Đồng thời, ngài trao cho các ông chiếc chìa khóa để bước vào đời sống mới này: “ Thầy là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Không ai đi đến với Cha mà không qua Thầy”. Qua những lời nói, những cử chỉ của mình, Chúa Giêsu tỏ ra cho con người sự thật về Chúa Cha. Sự hiệp thông hoàn toàn liên kết Chúa Cha với ngài diễn đạt sự sung mãn của đời sống chân thật. Chính vì lý do đó mà ngài là Đường dẫn đến Chúa Cha.
Ngoài ra, Chúa Giêsu rửa chân cho các ông. Sự phục vụ trước hết phải là sự quan tâm ưu tiên cho những người nghèo, yếu đuối, bị bạc đãi… Bởi vì làm thế nào người ta có thể loan báo Tin Mừng cho những người mà nhân phẩm của họ không được nhìn nhận ?- Đâu là ý nghĩa của việc cùng cầu nguyện và chia sẻ bữa ăn của Chúa, nếu có một số người tham dự ăn không đủ no ?-
Lịch sử Giáo hội cho thấy, ngay từ đầu, các Tông đồ đã quan tâm cái chiều kích phục vụ này. Thế nhưng, bởi vì các ông phải ưu tiên cho việc loan báo Lời Chúa, cho nên các ông đã ủy nhiệm công việc phân phối sự giúp đỡ vật chất hằng ngày cho những người đáng tin cậy, được cộng đoàn các môn đệ ở Giêrusalem chọn lựa. Nếu họ chưa có danh hiệu là Phó Tế, thì họ cũng đã chu toàn chức năng đó.
Ngày nay cũng vậy, trong các giáo xứ của chúng ta, các phó tế được ủy thác một sứ mạng đối với những người bị bạc đãi, về vật chất, về thể lý, và về tâm lý. Bên cạnh những người đó, các ngài là những dấu chỉ của một Giáo hội phục vụ nhân loại; và đối với cộng đoàn kitô hữu của chúng ta, các ngài có một vai trò của người đánh thức trước những thực tại thường không được biết đến.
Tuy nhiên, việc phục vụ không chỉ được dành riêng cho các phó tế, mặc dù sự hiện diện của họ là dấu chỉ hữu hình. Chính mỗi người trong chúng ta phải phục vụ người khác.
Một thái độ như thế nằm trong tầm tay chúng ta. Chỉ cần ít nghĩ đến mình hơn một chút, ít nghĩ đến sự yên tĩnh, sự thỏa mãn hoàn toàn những khát vọng bản thân, và mở rộng lòng ra một chút với anh em khác. Bấy giờ, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy người đàn bà hàng xóm đang chờ đợi một cách vô vọng được viếng thăm. Hay ngươi vô gia cư này khao khát ít nhất một chút tình người cũng bằng đồng tiền mà đôi khi người ta ném cho anh ta mà không thèm nhìn đến anh ta. Hay người đồng nghiệp này, nạn nhân của sự quấy rối mà tất cả mọi người quay lưng lại vi sợ bị quấy rầy hay vì “ sự khôn ngoan”. Hay những đứa trẻ này không tìm được một giáo lý viên để tháp tùng trong việc khám phá ra Chúa Giêsu… Còn biết bao nhiêu ví dụ khác chúng ta có thể tìm thấy ở chung quanh chúng ta.
Bất kỳ ai, cho dù điạ vị xã hội, văn hóa, thu nhập có thế nào đi nữa, cũng đều có thể trao ban một cái gì đó, chẳng hạn như chỉ một nụ cười, một cái bắt tay thân mật, một nét mặt tươi vui, một sự giúp đỡ cỏn con…để phục vụ người nghèo hơn mình.
Chính như thế mà chúng ta sẽ đi theo những con đường của Chúa; chính qua những cử chỉ và cách sống của chúng ta, mà chúng ta sẽ loan báo những kỳ công của Thiên Chúa, như tông đồ Phêrô đã khuyến khích những người tín hữu của ngài. Và cũng như trong những tòa nhà kiên cố, ở đó, tất cả, dù những viên đá nhỏ nhất, cũng tìm thấy chỗ của mình để bảo đảm sự vững chắc của toàn bộ, thì tất cả chúng ta, với những phẩm chất và ngay cả với những yếu kém lỗi lầm của chúng ta, chúng ta sẽ là những viên đá sống động của Vương quốc Tình yêu của Thiên Chúa.