Các bài đọc được công bố vào các ngày Chúa nhật trong nhà thờ thường thì rất quen thuộc. Chúng ta đã nghe, suy ngẫm năm, mười, có thể là hai mươi lần. Giáo Hội biết điều đó. Tuy nhiên, Giáo Hội tha thiết nhắc lại cho chúng ta nhớ, bởi vì các bài đọc luôn luôn mang đến sự sống, ánh sáng và bình an. Chúng mở ra sự hiểu biết về Thiên Chúa, Đức Kitô, và Chúa Thánh Thần. Chúng vạch lại cho chúng ta những con đường trao ban sự sống.
Đó chính là trường hợp bài Phúc Âm hôm nay; chúng lôi cuốn sự quan tâm của chúng ta về hai khẳng định căn bản không được quên, Tình yêu và giới răn – Tình yêu và Chúa Thánh Thần, nếu chúng ta muốn sống đời sống kitô hữu tương hợp với những gì mà Đức Kitô chờ đợi nơi chúng ta.
- Lời khẳng định thứ nhất liên hệ đến tình yêu và các giới răn. Không chỉ có tình yêu. Không chỉ có các giới răn. Cả hai phải đi đôi cùng một lúc. Đỉnh điểm của bản văn hướng về sự kiện là, để yêu mến Đức Kitô, thì cũng phải trung thành với những giới răn của ngài. Không trung thành với các giới răn, tình yêu sẽ không là đích thực. Đó là chăn lý căn bản mà chúng ta có khuynh hướng lãng quên.
Thực ra, chúng ta thường nghĩ rằng, chúng ta yêu mến Thiên Chúa và Đấng ngài sai đến là Đức Kitô, một cách sâu đậm, bởi vì chúng ta đã nghiên cứu Phúc Âm, bởi vì chúng ta là thành phần của Giáo Hội, bởi vì chúng ta cầu nguyện thường xuyên, bởi vì chúng ta đến với bí tích Thánh Thể đều đặn vào ngày Chúa nhật… Tất cả những việc đó đều đáng khen ngợi, cần thiết, nhưng không đủ để đáp lại tất cả những sự mong đợi của Thiên Chúa trên chúng ta.
Để yêu mến Thiên Chúa thực tình, và như ngài mong muốn được yêu mến, thì tất cả những gì vừa được chỉ định trên kia, như hiểu biết Phúc âm, cầu nguyện.v.v.. còn cần phải bỗ sung thêm bằng việc đem ra thực hành các giới răn, và, cách đặc biệt, là thực hành giới luật yêu thương, tương thân tương ái, là giới răn tóm tắt tất cả những giới răn khác. Ai không yêu mến anh em thì tự lừa dối mình khi nghĩ rằng mình yêu mến Thiên Chúa.
Việc đem ra thực hành giới răn yêu thương nhau là một yêu cầu cao. Yêu cầu cao đến nỗi đôi khi chúng ta có cảm giác như là vượt ra khỏi sức lực của chúng ta. Là những con người đáng thương, bất toàn, làm thế nào chúng ta có thể yêu mến như Đức Kitô đòi hỏi, nghĩa là phân phát một cách quảng đại những của cải của chúng ta, quan tâm liên lỉ đến những người bé mọn và nghèo khó, có một sự quan tâm linh động đối với những người bị giam cầm và bệnh hoạn, những người vô gia cư và đói khát ?- Làm thế nào mà chúng ta có thể yêu mến đến nỗi tha thứ đến bảy mươi lần bảy ?- Làm thế nào chúng ta có thể yêu thương cả những kẻ thù địch và cầu nguyện cho họ ?- Đó có phải là đòi hỏi quá đáng hay không ?-
Chúa Giêsu không phải là người ngây thơ. Khi ngài kể dụ ngôn đứa con hoang đàng, khi ngài đưa ra những ví dụ về việc chúng ta phải làm khi gặp người phụ nữ Samaritana, hay khi kéo người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình ra khỏi cảnh bế tắc, khi ngài mời gọi tha thứ bảy mươi lần bảy, khi ngài giảng phải yêu thương kẻ thù, và bạo gan hơn hết, khi ngài tóm tắt tất cả những giáo huấn của ngài bằng cách yêu cầu chúng ta hãy nên hoàn thiện như Chúa Cha trên trời là Đấng hoàn thiện ( Mt 5 ), thì ngài ý thức rắng, ngài đặt cái đỉnh điểm phải đạt đến quá cao, và ngài biết rõ, để một mình chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ vươn tới đó.
- Lời khẳng định thứ hai: Tình yêu và Chúa Thánh Thần. Khi tuyên bố sự cần thiết phải đem ra thực hành các giới răn, Chúa Giêsu đã loan báo, và hứa ban Đấng Phù Trợ, Thần Chân Lý. Việc loan báo và lời hứa hẹn này thay đổi tất cả. Bởi vì Thánh Thần ở đây không phải là một nhân vật bất kỳ nào đó sẽ đem đến cho chúng ta sự trợ giúp bất kỳ nào đó. Ngài là Thiên Chúa, bằng với Thiên Chúa Cha và Chúa Con, điều khiển công trình sáng tạo thế giới. Ngài là Thánh Thần tha thứ tội lỗi. Chính ngài biến đổi bánh và rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô.
Không chắc chắn là chúng ta thực hiện trọn vẹn tất cả những gì mà chúng ta có thể làm trọn trong sức mạnh và dưới hơi thở của Thánh Thần. Chính vì thế mà Giáo Hội thường lấy lại những đoạn Phúc Âm nhấn mạnh việc cần thiết phải mở rộng tâm hồn chúng ta cho tác động của Chúa Thánh Thần. Sự hiện diện và giúp đỡ của Chúa Thánh Thần là không thể thiếu, để sống thực sự như là môn đệ của Đức Kitô.
Trong giây lát nữa đây, giữa kinh nguyện Thánh Thể, sau lời truyền phép trên bánh và rượu, chúng ta nài xin Thiên Chúa đặt vào trong chúng ta Thánh Thần để “ tập họp thành một thân thể duy nhất”, và để có thể sống như những môn đệ chân chính của Đức Kitô. Xin Chúa cho lời cầu xin của chúng ta được thực hiện, vì hạnh phúc lớn lao của chúng ta và vinh quang của Thiên Chúa.