Thứ Năm, 02 Tháng Năm, 2024 00:00
Chúa nhật VI Phục Sinh ( Ga 15, 9-17 ) năm 2024

Chúng ta rất quen với qui luật của hiệu năng, lợi nhuận. O nhà máy, người ta sa thải người thợ không làm sinh lợi. Cũng vậy, những người công dân đòi hỏi những người cảnh sát phải làm việc có hiệu quả, để bắt những tên trộm cướp, và ngăn cản những tên tội phạm. Người làm vườn không khoan dung cho những cây hoa hồng mà không có hoa. Thử hỏi ai trong chúng ta chịu đựng được một cây chết khô trên khoảnh vườn của mình ?-

Mặc dù Tin Mừng tràn ngập những cử chỉ « nhưng không”, miễn phí, thế nhưng chúng ta cũng gặp thấy ở đó một qui luật của hiệu quả, của lợi nhuận. Chẳng hạn, Đức Kitô chúc dữ cây vả không sinh trái, kết án tên đầy tớ đã đi chôn vùi đồng bạc của chủ… Lời của ngài, hạt giống ở trong mỗi con người, phải mang nhiều hoa trái. Chính Chúa Giêsu không tránh khỏi cái qui luật hiệu quả này : «  Nếu hạt lúa rơi xuống đất chết đi, nó mới sinh nhiều hoa trái. »

Chúa nhật vừa qua, chúng ta đã đọc câu chuyện cây nho mà người ta cắt tỉa những cành không sinh trái. Chúa Giêsu đã nói : « Điều làm vinh quang Cha Thầy, chính là các con sinh nhiều trái ; và như thế, các con là môn đệ của Thầy. »

Chúa Giêsu còn khẳng định :«  Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thực hiện những gì Thầy truyền cho các con. Điều Thầy truyền cho các con, chính là các con hãy yêu thương nhau. » Như thế, qui luật hiệu quả, lợi nhuận được áp đặt cho người môn đệ, đó chính là tình yêu huynh đệ. Không có gì thay thế được điều đó. Không có vấn đề xây dựng một đền đài, hang động hay nhà thờ chánh tòa, mà là xây dựng Thân Thể Đức Kitô bằng đức bác ái. Giáo Hội có thể phát triển mà không có các nhà thờ ; thế nhưng, không thể không có mối tương giao huynh đệ. Hoa trái phải sinh để làm vinh quang Thiên Chúa, chính là xây dựng Thân Thể của Đức Kitô. Thánh Giacôbê, trong một bản tóm tắt gây ấn tượng, đã nói rằng, tôn giáo đích thực, chính là thăm viếng những góa phụ và trẻ mồ côi trong cơn quẫn bách.

Mà chúng ta biết rằng, Tình yêu huynh đệ không phải là thứ cảm tình, cũng không phải là mối thiện cảm tự nhiên, mà là vâng theo Thiên Chúa trong và qua việc phục vụ con người ở chung quanh. Sự phục vụ phải cụ thể, như : chia sẻ của cải, tiền bạc, biết nâng đỡ tinh thần, quan tâm đến những người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội, tôn trọng người khác… Đối với kẻ thù, đó là sự kiên nhẫn và cầu nguyện. Tình yêu này là «  nhưng không », vô vị lợi. Tình yêu này trao ban mà không mong được trả lại, và không cần phải xem xét những phẩm chất của người thụ hưởng có xứng đáng hay không. Nó cứu giúp tất cả mọi người, và lấp đầy những con người này với tất cả sự quảng đại cao thượng mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô.

Điều quan trọng cần ghi nhớ là, khi một người kitô hữu, môn đệ của Chúa Giêsu, thực hành việc bác ái, thì đức bác ái này được thể hiện ra nơi những cử chỉ, thái độ, lời nói, những cách nhìn và cách ứng xử với những người chung quanh. Đó là những dấu chỉ bên ngoài. Thế nhưng, thánh Gioan báo cho chúng ta biết ba dấu chỉ chính yếu bên trong của người kitô hữu.

Trước hết, người kitô hữu trở thành người môn đệ, bởi vì anh ta đón nhận tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Chúa Giêsu. Khi thực hành đức bác ái huynh đệ, anh ta đào sâu cái cảm nghiệm về tình yêu thần thiêng. Thực vậy, nơi Đức Giêsu Kitô, mỗi một cử chỉ huynh đệ, đối với anh ta, là một sự nhắc nhở, một sự nhìn nhận rằng, Thiên Chúa đã yêu thương anh ta trước hết, Như thế, anh ta luôn luôn trở nên niềm nở đối với tình yêu của Chúa Cha, bởi vì tình yêu lớn mạnh lên trong khi được biểu lộ ra.

Thứ đến một dấu chỉ nội tâm khác, chính là lời cầu nguyện được đoái nhận. Chúa Giêsu đã khẳng định: «  Tất cả những gì mà các con cầu xin Cha, nhân danh Thầy, thì ngài sẽ nhậm lời các con. » Giêsu nghĩa là : Thiên Chúa cúu chuộc. Những lời cầu xin của chúng ta được thực hiện nhân danh Chúa Giêsu, nghĩa là với mục đích để được ơn cứu độ, thì sớm hay muộn, Chúa Cha sẽ nhậm lời một cách chắc chắn. Dấu chỉ này không phải là hiển nhiên. Một số đông các kitô hữu than phiền về sự thinh lặng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta phân định câu trả lời của Thiên Chúa cho lời cầu nguyện của chúng ta, câu trả lời nhiều khi khó hiểu, hoặc làm hoang mang.

Và sau cùng là niềm vui.« Thầy đã nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và để niềm vui của các con được trọn vẹn. » Niềm vui, dấu hiệu nội tâm mới của người kitô hữu. Khi cuộc sống triển nở, thì đó là niềm vui. Thực vậy ! Mỗi khi mà tình yêu huynh đệ được tác động, thì sự sống của Thiên Chúa và ơn cứu độ của ngài chạm đến chúng ta hơn một chút, và trở nên rõ ràng hơn, có thể cảm nhận được. Vương quốc của Thiên Chúa bước thêm một bước nữa về phía trước, bởi vì những con người cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với họ thông qua tình yêu của những anh chị em chung quanh. Và bấy giờ, cách ứng xử huynh đệ của chúng ta đối với nhau là dấu chỉ mà Thiên Chúa tiếp tục hành động và cứu chuộc. Từ đó là niềm vui, ngay cả khi niềm vui này thường xuyên diện diện chung với đau khổ.

Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta sản sinh nhiều hoa trái, hoa trái của lòng bác ái. Tình yêu này sẽ thắt chặt những mối liên hệ của chúng ta với ngài, sẽ làm cho lời cầu nguyện của chúng ta trở nên phong phu, và trao ban cho chúng ta niềm vui thánh thiện.

Thử hỏi chúng ta có thể từ chối mang nhiều hoa trái không ?

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com