Thứ Ba, 26 Tháng Ba, 2024 00:00
Thứ Năm Tuần Thánh ( Ga 13, 1-15 ) năm 2024

Trong bữa tiệc ly vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, cùng với việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ gây kinh ngạc và bỡ ngỡ : đó là ngài rửa chân cho các môn đệ.

Sở dĩ mọi người bỡ ngỡ kinh ngạc là vì hai lý do sau đây:

Thứ nhất là, Chúa Giêsu rửa chân “ trong bữa ăn “, trong khi luật hiếu khách của người Do Thái qui định phải làm trước bữa ăn, để tỏ lòng tôn trọng vị khách đến thăm gia đình gia chủ. Bữa ăn nói lên sự thân mật, hiệp thông, chia sẻ. Cho nên cử chỉ được thực hiện trong bữa ăn nói lên một tình yêu tha thiết đặc biệt giữa những người tham dự.

Thứ hai là vì, cử chỉ đó lại do chính Chúa Giêsu thực hiện, mà ngài là Thầy và là Chúa, trong khi theo tục lệ trong dân Israel, việc làm nầy thường được dành cho nô lệ ngoại giáo.

Điều đáng để ý là, trái với thói quen của con người duy lý thời nay, thường muốn giải thích ý nghĩa trước khi làm một cử chỉ, còn Chúa Giêsu lại thực hiện cử chỉ tượng trưng nầy trước, một cử chỉ mang nhiều bài học ý nghĩa, rồi mới giải thích sau.

Theo đó, Thiên Chúa tỏ mình nơi Đức Giêsu Kitô, và qua cử chỉ nầy, Chúa Giêsu muốn biểu lộ trước việc ngài vui lòng nhận lấy cái chết như một dấu chỉ yêu thương đối với loài người và lòng trung thành đối với Chúa Cha. Đồng thời, để được dự phần với Chúa Giêsu, Phêrô phải theo ngài đến cùng, phải hoàn toàn gắn bó với chương trình cứu thế của ngài, cho dù phải làm chứng bằng cái chết.

Ngoài ra, cử chỉ duy nhất ngài thực hiện lúc bấy giờ tượng trưng cho cái chết ngài tự ý chấp nhận vì yêu thương, và cũng để tượng trưng cho sự sống lại của ngài, thì đồng thời cử chỉ đó cũng là một tấm gương, nêu lên cách sống mà người môn đệ phải học để đối xử với nhau. Nếu ngài là Chúa và là Thầy đã đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ, thì các môn đệ cũng phải đi theo con đường tận hiến để phục vụ anh em, theo gương của ngài.

Cũng nên nhớ rằng, nếu bí tích Thánh Thể là đỉnh cao của tình yêu thương, là nơi qui tụ các tín hữu về chung hưởng ơn phúc cứu độ, thì việc rửa chân cho nhau không chỉ là việc làm tự phát và tùy ý, mà là việc cần thiết để chứng tỏ rằng, phụng vụ tự nó chứa đầy đủ ý nghĩa, phụng vụ chỉ có giá trị khi thi hành tình yêu thương cụ thể; nếu không, nó chỉ là hảo huyền.

** Là người Công giáo, chúng ta thường xuyên tham dự thánh lễ, siêng năng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa để được kết hợp mật thiết với ngài. Thiết tưởng điều đó rất quí, rất cần thiết và rất đáng khuyến khích. Thế nhưng, việc tham dự bàn tiệc thánh chỉ có thể có đầy đủ ý nghĩa và giá trị khi mà chúng ta biết sống mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống thường ngày. Điều đó có nghĩa là, nếu Chúa Giêsu khiêm nhường tự hạ, hy sinh phục vụ, trao hiến mạng sống để cho chúng ta được sống dồi dào, thì mỗi người chúng ta cũng phải biết theo gương của ngài, yêu thương và hy sinh cho anh em. Nói khác đi, tình yêu chúng ta lãnh nhận được nơi bí tích Thánh Thể cần phải được trao ban, chia sẻ cho anh em, bằng những việc làm cụ thể. Chúng ta phải sống thế nào để cho từ lời ăn tiếng nói, cho đến những cử chỉ hành động, tiếp xúc, gặp gỡ của chúng ta có thể giúp người khác nhận ra hình ảnh thân thương, dịu hiền của Chúa, để rồi từ đó, tin Chúa, yêu mến Chúa, trở lại với Chúa. Nghi thức rửa chân mà chúng ta sắp tham dự nói lên phần nào đòi hỏi khẩn thiết của việc theo gương Chúa, yêu thương, chia sẻ, nâng đỡ và giúp nhau đạt được hạnh phúc thiên đàng muôn thuở.

 

 

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com