Với niềm vui, đức tin, và hy vọng, chúng ta vừa nghe lời của thiên thần: “ Các bà đừng sợ ! Các bà tìm kiếm Chúa Giêsu Nagiaret chịu đóng đinh ?- Ngài đã phục sinh !”. Với những phụ nữ thánh thiện, sứ thần Thiên Chúa đã đề nghị một cuộc hẹn ở Galilêa. Đối với chúng ta là những kitô hữu, cuộc hẹn của chúng ta với Chúa Giêsu hằng sống, trước hết chính phép Rửa tội của chúng ta đã thực hiện cuộc hẹn đó. Thánh Phaolô đã nói: “ Được Rửa tội trong Đức Giêsu Kitô, chính là trong cái chết của ngài mà chúng ta được Rửa tội, để sống lại với ngài trong cuộc sống mới”. Chính vì thế mà từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội, phụng vụ của chúng ta liên kết việc cử hành Phục Sinh của Đức Kitô và việc cử hành nước của bí tích rửa tội.
Bởi vì, để hiểu rõ cái gì là nguồn gốc của bí tích Rửa Tội của chúng ta, chúng ta cần phải nhớ lại rằng, khi kêu mời đám đông dân chúng dìm mình trong dòng nước sông Giodan, Gioan Tẩy Giả đã không sáng kiến ra một nghi thức mới. Rất nhiều người Do thái đã xem việc nhúng mình trong nước sống động này như một dấu chỉ của sự tinh luyện tâm hồn và dấu chỉ của việc bước vào một cuộc sống mới. Môisen trước tiên đã được cứu thoát khỏi dòng nước sông Nil như thế; sau đó, ông đã giải thoát dân Israel bằng cách giúp họ đi qua dòng nước Biển đỏ.
Như một Môisen mới, Chúa Giêsu đã tiến vào trong nước sông Giodan. Chính ngài cũng vậy, khi bước ra khỏi nước, đã triệu tập dân của ngài, để đề nghị cho họ một sự giải thoát và một cuộc sống mới, cuộc sống của những người con Thiên Chúa. Phép Rửa Tội của ngài đã là một dấu chỉ hiệp nhất với tất cả những ai đã đến nghe Gioan Tẩy Giả, một dấu chỉ liên đới với những người mà nhóm Biệt phái coi như là tội lỗi, và ngài thì gọi là anh chị em và bạn hữu của ngài.
Tuy nhiên, phép Rửa trong dòng nước sông Giodan, đối với Chúa Giêsu, chỉ là một điều báo trước một Phép Rửa Tội khác. Gioan Tẩy loan báo: “ Ngài sẽ làm phép Rửa anh em trong Thánh Thần và trong lửa”. Và ở chỗ khác, Chúa Giêsu đã nói: “ Phải, Ta đến để ném một ngọn lửa trên mặt đất, và Ta mong muốn biết bao cho nó được cháy sáng ! Phải, Ta sẽ nhận lãnh một phép Rửa, và Ta lo lắng biết bao cho đến khi nó được hoàn tất”. Phép Rửa Tội này, ngài đã trao ban không chỉ với nước mà thôi, nhưng còn với máu của ngài, và thánh Phaolô có lý mà nói rằng: “ Chính trong cái chết của ngài mà chúng ta được Rửa Tội…”. Nhưng, ngài đã nói thêm, và đó là điều chính yếu: “ Anh em đã được sống lại với Đức Kitô”.
Để dẫn đưa những người tín hữu vào trong sự sống của những người sống lại này, cuộc sống của các con cái Thiên Chúa, các Tông đồ đã mời gọi họ nhúng mình trong nước Rửa tội. Lời dặn dò sau cùng của Đấng Phục Sinh đã là: “ Vậy các con hãy làm cho các dân tộc trở thành các môn đệ, rửa tội cho họ, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”.
Bấy giờ, ngay từ thời các Tông đồ, người ta đã đến để được các tông đồ Rửa tội, cả gia đình, và các bậc cha mẹ đã đưa con cái của họ đến, nhỏ cũng như lớn. Chúng ta còn nhớ lời của Chúa Giêsu: “ Hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy”. Như vậy, ngày nay phép Rửa tội vẫn còn là một sự bước vào trong đại gia đình con cái Thiên Chúa, và tất cả mọi người đểu được mời đến lãnh nhận. Ngay từ đầu, những người được Rửa Tội đầu tiên đã nhìn nhận có liên đới với nhau, liên đới không phân biệt sắc tộc, quốc gia, tuổi tác, tất cả kết hợp với Chúa Giêsu Kitô, là Đấng Phục Sinh và là Đấng Cứu Độ, trong cái điều mà bây giờ chúng ta gọi là các thánh thông công, và chúng ta tóm tắt lại trong việc cử hành Thánh Thể, trong sự chia sẻ Thân Thể hằng sống của Đức Giêsu Kitô.
Chính vì thế mà, ngày nay cũng vậy, phép Rửa Tội của một người trưởng thành, phép Rửa Tội của một em bé, không bao giờ là một hành vi của chỉ một con người. Nó luôn luôn bao gồm cuộc gặp gỡ của các tìn hữu tháp tùng họ trong bước đường của họ. Người sắp lãnh nhận phép Rửa được giới thiệu bởi cha mẹ, vú bõ, các người kitô hữu khác, và tất cả nhìn nhận là có liên đới với nhau và có trách nhiệm với nhau, trong việc giáo dục đức tin của họ. Họ phải học hỏi để nhìn biết Đức Kitô và Phúc Âm của ngài; học biết cầu nguyện Thiên Chúa khi gọi ngài là Cha; học biết yêu mến anh em mình. Vấn đề quan trọng không phải là ép buộc họ phải tin, nhưng là mở ra cho họ một cái cửa hướng về ánh sáng.
Tình liên đới này của tất cả các người được Rửa tội xây dựng Giáo Hội, Dân Thiên Chúa, một dân mà tất cả các thành phần đều được mời gọi nhìn nhận là hiệp nhất trong niềm tin và tình yêu. Như thánh Phaolô đã nói: “ Chúng ta làm thành một thân thể trong Đức Giêsu Kitô, và chúng ta chỉ có một Chúa, chỉ có một đức tin, chỉ có một phép Rửa, chỉ có một Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, ngài cai trị trên tất cả, hoạt động qua tất cả và ngự ở trong tất cả” ( Ep 4,4 ).
Vì thế, bằng chính một sự nhiệt tình, chúng ta hãy vui mừng lên trong khi cử hành lễ Vượt Qua của Đức Kitô và phép Rửa Tội của chúng ta. Tất cả chúng ta hãy vui mừng lên trong khi làm mới lại những quyết tâm của phép Rửa Tội chúng ta. Thánh Gioan khi vào cuối đời, đã kêu lên với một sự thán phục và một niềm vui kỳ diệu trước những người mới được Rửa Tội tại thành Ephêsô: “ Các con hãy nhìn xem tình yêu mà Thiên Chúa Cha đã trao cho chúng ta lớn lao dường nào, để chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, và chúng ta là thế. Các con thân mến, ngay từ bây giờ chúng ta là con cái Thiên Chúa”.
Chớ gì đêm nay, tất cả chúng ta chia sẻ niềm vui các vị thánh Tông đồ được Chúa Giêsu yêu mến hơn hết, và nói như thánh Tôma trước mặt Thầy Chí Thánh đã phục sinh:“ Lạy Chuá tôi, và lạy Thiên Chúa của tôi”.