Khi nói về ơn cứu chuộc, hay rộng hơn, về ơn cứu độ, một số người vẫn nghĩ là, nhờ những đau khổ và cuộc thương khó, qua cái chết và thập giá của ngài, mà Chúa Giêsu đã làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Từ đó, đi đến hai hệ luận sau đây:
Một đàng, Chúa Giêsu càng chịu đau khổ, thì ngài càng làm hài lòng Thiên Chúa. Đàng khác, chúng ta càng muốn đáp lại thánh ý cứu độ của Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta càng muốn thông phần vào ơn cứu độ của chúng ta, thì chúng ta càng phải chiụ đau khổ nhiều hơn. Như thế, đau khổ tự nó có giá trị cứu độ.
Nếu lý luận như thế thì dường như Chúa Giêsu đứng về phía chúng ta; nhưng đồng thời, Thiên Chúa không đứng về phía chúng ta, mà rõ ràng là chống lại chúng ta, chỉ chờ đợi sự sỉ nhục của chúng ta, và lấy làm thỏa mãn vì chúng ta đau khổ. Và như thế là, nhờ sự đau khổ và cái chết, Chúa Giêsu đã làm Thiên Chúa thay đổi thái độ: đi từ chỗ loại bỏ và kết án đi đến chỗ khoan dung và nhân từ.
Hiểu như thế là người ta đã quên đi điểm chính yếu của Tin Mừng kitô giáo được bày tỏ trong thập giá Chúa Giêsu: Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa. Qua đau khổ, ngài không làm nên ý muốn giao hoà và cứu độ của một Thiên Chúa là thù địch của con người, nhưng ngài đã mạc khải thánh ý đó. Ngài thể hiện thánh ý đó trên mãnh đất của chúng ta, thậm chí trong cuộc đời của chúng ta, chết cái chết của chúng ta. Qua đó, ngài bày tỏ rõ ràng trước mắt chúng ta.
Thực ra, Thiên Chúa không có liên hệ gì đến một vị chúa tể khát máu, hay với một người làm sáng tỏ công lý bằng cách tra tấn. Ngài là Cha nhân từ, đã sai Con Một ngài đến với chúng ta trong thân phận một Hài nhi để sống một cuộc sống hoàn toàn giống chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. Những lời nói của ngài không phải là những lời kết án, mà những lời ban sự sống đời đời. Đó cũng không phải là những lời đòi phải tăng cường sự đau khổ, mà là những lời kêu mời trở về với tình yêu.
Con Thiên Chúa đi đến cái chết với một sự ý thức hoàn toàn và tự nguyện. Ngài chết đi không phải để làm thỏa mãn ý muốn trả thù của Thiên Chúa, tự trút lên mình ngài cơn thịnh nộ đó, để tránh cho chúng ta khỏi những hậu quả tai hại. Ngài đi đến cái chết như thế với lý do hoàn toàn đơn giản là vì ngài ý thức, nhận biết. Điều ngài thực hiện đó, không phải ai ai cũng chấp nhận. Có một số người đã nhắm mắt, bịt tai trước lời mời gọi của ngài. Họ loại trừ ngài và giết chết ngài.
Điều có ý nghĩa mạc khải là, dù phải đượng đầu với cách đối xử bất công và sỉ nhục, Chúa Giêsu đã không kết án một người nào, mà trái lại, tiếp tục làm chứng cho ý muốn cứu độ của Thiên Chúa, hiện thân với khuôn mặt tha thứ.
Qua lời nói và thái độ của Chúa Giêsu trên thập giá, tình yêu Thiên Chúa mặc lấy khuôn mặt tha thứ. Ngài đã van xin: “ Lạy Cha, xin tha cho chúng.” Như thế, qua cái chết của ngài, Thiên Chúa không giận ghét con ngừơi, mà trái lại, trước sự từ chối không đón nhận Đấng Thiên Sai, Thiên Chúa vẫn giữ lòng nhân từ, thương xót và tha thứ. Như thế, Chúa Giêsu không bày tỏ điều gì khác hơn là một tình yêu có sức mạnh vạn năng và ý muốn yêu thương cho đến cùng. Nói khác đi, Thiên Chúa là tình yêu.