Bài học thứ nhất có thể rút ra được từ bài Phúc Am hôm nay là, Lời Chúa như những hạt giống tốt được gieo vãi một cách dư dật, hào phóng qua hết mọi thời đại, ở khắp mọi nơi, cho hết mọi tâm hồn. Điều đó cũng nói lên tính cách phổ quát của sứ mạng loan báo Lời Chúa cho đến tận cùng trái đất, được trao phó cho các tông đồ của Chúa Giêsu ngày xưa, và cần phải được tiếp tục mãi mãi cho đến ngày tận thế.
Bài học thứ hai là Nước Thiên Chúa mà Lời Chúa Giêsu gieo vãi trong tâm hồn con người sau cùng sẽ thành công mỹ mãn, nhưng phải trải qua rất nhiều thất bại, thử thách cam go.
Thực vậy, người gieo giống trong dụ ngôn, chính là hình ảnh Chúa Giêsu loan báo Lời Thiên Chúa cho nhân loại. Lúc đầu, Lời Chúa đã lôi cuốn được nhiều người; nhưng sau đó, từ khi ngài nói với họ về Mình Thánh ngài sẽ trở nên lương thực hằng sống, thì thính giả từ từ xa lánh, không theo ngài nữa. Có thể nói, Lời Chúa gặp thất bại nơi ba hạng người, ba mảnh đất đón nhận hạt giống thiêng liêng:
Trước hết là những người không có đức tin. Chim trời đến phá hại hạt giống ngay cả khi hạt giống chưa kịp nẩy mầm. Kẻ xấu, kẻ dữ chính là ma quỷ, thủ phạm trong trường hợp nầy. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó: con người lắng nghe Lời Chúa, học hỏi giáo lý, luôn luôn có kẻ thù kinh khiếp rình rập. Đằng sau những người không tin luôn luôn có một mãnh lực dấu mặt mà con người không thể khuất phục được. Chỉ có Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện, mới có khả năng giải thoát khỏi kẻ thù nguy hiểm nầy.
Thứ đến là những người không kiên trì trong đức tin. Mầm non vừa mới nhú đã bị nắng nóng thiêu đốt trước khi có thể lớn lên. Rõ ràng là thiếu chiều sâu. Sự hời hợt bên ngoài, thiếu gốc rễ có thể làm cho đời sống người kitô hữu ngừng tăng trưởng, ngay cả sau những nhiệt thành hăng hái lúc ban đầu.
Thất bại thứ ba phát xuất từ việc đức tin bị chết ngạt bởi lo lắng việc đời thái quá và sự giả trá của sự sang giàu. Nhiều lần trong Phúc Am, Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ về những nguy hiểm của những quyến rũ vật chất. Chúng ta hãy hình dung thứ cỏ được đề cập ở đất Palestine thời đó cao đến bốn thước, rộng hơn một thước, che phủ và làm chết ngạt tất cả những thảo mộc ở bên dưới chúng, để có thể thấy được những quyến rũ nầy nguy hiểm dường nào.
Thoạt nhìn qua, chúng ta có cảm tưởng như công việc của người gieo giống sẽ hoàn toàn vô ích. Thế nhưng, sở dĩ Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều đến những khó khăn, thất bại của việc rao giảng Tin Mừng là để đề cao sự thành công rực rỡ chung cuộc của Nước Thiên Chúa. Những hạt giống rơi vào đất tốt sẽ sinh hoa kết quả gấp trăm nghìn lần. Từ đó, chúng ta thấy rõ sự bình tĩnh, hào phóng của người gieo giống, là chính Thiên Chúa, vẫn kiên trì với công việc, bởi vì ngài đã nắm chắc được kết quả tốt đẹp sau cùng. Đó chính là Nước Trời dành cho những tâm hồn thiện chí.
Dụ ngôn trên đây đặt mỗi người trước lương tâm của mình, xem chúng ta thuộc hạng người nào trong bốn loại trên đây ?-
Có thể chúng ta sẽ thuộc về cả bốn loại tùy từng lúc trong cuộc đời. Tuy nhiên, đieu cần phải làm là chúng ta phải cố gắng nhiều hơn để trở nên mảnh đất tốt cho hạt giống Lời Chúa có đủ điều kiện thuận lợi phát triển, lớn lên, và sinh hoa kết quả. Lắng nghe Lời Chúa, gìn giữ, hiểu biết, và làm trổ sinh hoa trái. Bởi vì Chúa chúng ta luôn luôn gieo hạt giống Nước Trời, qua những bài đọc trong thánh lễ, những bài giảng giải của Giáo Hội. Ngài cũng nói với mỗi người cách đặc biệt qua những biến cố trong cuộc đời, qua những linh hứng của ngài. Không trừ ai.
Trổ sinh hoa trái, không chỉ là sống Lời Chúa cho chính mình, mà còn phải trở thành những người gieo giống mới theo gương Chúa Giêsu, để cho tất cả mọi người cùng được hưởng ơn cứu độ. Muốn được như thế, chúng ta không thể chỉ sống đạo trong nhà thờ, không chỉ xem lễ đọc kinh, mà còn phải dấn thân sống Tin Mừng trong gia đình và trong xã hội, nơi chúng ta sống, nơi chúng ta làm việc, bằng những việc làm cụ thể với những người chúng ta gặp gỡ. Làm thế nào để cho tất cả đều gặp được Chúa, yêu mến Chúa, trở lại với Chúa và hưởng hạnh phúc với Chúa.
Sống được như thế, thì hạt giống Lời Chúa mới thực sự ích lợi cho chúng ta và cho anh em chung quanh chúng ta.