Chúng ta biết rằng, Nước Thiên Chúa đã bắt đầu với việc Đấng Cứu Thế đến gieo vãi Lời Hằng Sống. Tuy nhiên, vương quốc nầy chỉ được thành lập trọn vẹn vào ngày tận thế, và trước đó, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách.
Ba dụ ngôn trên đây sẽ hé mở một phần lịch sử của nó. Khởi đầu rất khiêm tốn: một vài bài giảng, một vài dấu lạ, trước một số người rất ít, trong một đất nước bị chiếm đóng, không có tương lai. Thế nhưng, hạt giống bé nhỏ nầy sẽ tăng trưởng và trải rộng khắp vũ trụ. Một chút men sẽ làm biến đổi tất cả nhân loại, khi đó Tin Mừng Phúc Am sẽ được mọi người biết đến, làm biến đổi rất nhiều nền văn minh, thay đổi các não trạng, nơi cả những người không biết và chống lại nó. Hiện tại, Nước Thiên Chúa chưa hoàn thành, nhưng đang hiện diện khắp nơi.
Thực vậy, qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa gieo hạt giống tốt trên thế giới. Thế nhưng, ma quỷ là tên cám dỗ, từ thuở ban đầu, đã lôi kéo con người phạm tội, vẫn còn tiếp tục gieo rắc sự dữ. Vì thế cho nên, trong cuộc sống trần gian, luôn luôn sẽ có những người theo Chúa và những người chống lại Chúa; luôn luôn sẽ có những con cái Nước Trời và con cái của ma quỷ. Chỉ khi nào tới mùa gặt, tức ngày tận thế, sự phân loại, chọn lựa dứt khoát sẽ được thực hiện. Bấy giờ, các tín hữu sẽ được ân thưởng vinh hiển mãi mãi trong Nước Thiên Chúa Cha, còn kẻ dữ sẽ phải chịu hình phạt khủng khiếp trong lửa hoả ngục.
Vấn đề đặt ra là, khi chúng ta chứng kiến sự hung ác của một vài cá nhân, chứng kiến sự dữ lan tràn trên thế giới, sự lẫn lộn giữa thiện và ác, giữa người công chính và kẻ tội lỗi, giữa những người tùng phục và những kẻ chống đối, chúng ta sẽ tự hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại nhân nhượng tất cả những sự dữ nầy ?-
Thực ra, Thiên Chúa không phải như chúng ta tưởng nghĩ. Ngài có thời gian, nên ngài kiên nhẫn. Là Đấng giàu tình thương và nhân ái, ngài ghét sự dữ và tội lỗi, nhưng lại yêu mến tội nhân. Ngài chờ đợi, bởi vì ngài biết, họ còn có thể hồi tâm trở lại, nên ngài để cho họ có thời gian ăn năn. Trong Kinh Thánh, nhiều lần Thiên Chúa trừng phạt con người vì tội lỗi của họ; nhưng ngài không tiêu diệt họ, vì ngài là Cha thương yêu.
Chúa Giêsu cũng vậy. Ngài không loại trừ kẻ có tội. Trái lại, ngài đi lại, tiếp xúc với họ, và tuyên bố là chính vì họ mà ngài đã đến trần gian. Đọc Phúc Am, chúng ta buộc lòng phải nhìn nhận ngài có lý. Khi cư xử như thế, ngài đã mở ra con đường tốt đẹp cho biết bao con người yếu đuối, chẳng hạn như: ông Giakêu, Matthêu, người đàn bà xứ Samaria bên bờ giếng Giacob, bà Maria Madalena, hay tên trộm lành...
Chúng ta cũng vậy. Chúng ta cũng hãy kiên nhẫn với mọi người. Đừng xét đóan, cũng đừng lên án người khác. Đó không phải là việc của chúng ta.
Bởi vì, chúng ta không thể nhìn thấu suốt tâm hồn, cũng như tương lai người khác. Chúng ta không biết rõ được cái tốt, cái xấu trong mỗi con người. Chúng ta cũng không thể biết ai sẽ xa dần con đường công chính, và ai sẽ trở lại đi theo con đường nầy.
Đàng khác, chúng ta cũng là những tội nhân như những người khác. Chúng ta không bao giờ hoàn toàn tốt: hạt giống tốt và mầm mống sự xấu cùng nẩy nở trong tâm hồn chúng ta, và chúng ta còn cần phải cố gắng để tự hoàn thiện hơn.
Vì thế, chúng ta cũng rất cần đến lòng khoan dung của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tận dụng sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, tận dụng thời gian gia hạn của ngài để chúng ta ăn năn hối cải, và giúp người khác hối cải ăn năn.
Như Chúa Giêsu, chúng ta phải đấu tranh chống lại sự dữ, chống lại tội lỗi, nhưng hãy biết xót thương, yêu mến và tìm cách đưa người tội lỗi trở về đường ngay nẻo chính bằng những việc lành, và những gương sáng tốt đẹp. Chúng ta hãy là men để biến đổi người khác, và hãy cầu nguyện cùng Chúa Giêsu cho những người tội lỗi, để họ quay trở lại với Chúa, để được cùng hưởng hạnh phúc viên mãn trong Nước Trời vinh quang muôn đời.